Các thành viên của Da LAB: Trọng Đức (Rabbit Run), Việt Phương (JGKid) và Minh Phương (MPaKK) - Ảnh: T.Đ. |
Từ “nhà” ra “phố”
Tên của nhóm nhạc rap Da LAB có nghĩa là “phòng thí nghiệm”. Khám phá căn phòng này, người yêu nhạc có thể bắt gặp nhiều ca khúc “chất”, chứa đầy hơi thở của đời sống đương đại.
Bản rap có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất của Da LAB trong thời gian qua là Một nhà. Ca sĩ Vicky Nhung thuyết phục được nhóm cho phép sử dụng ca khúc làm MV đầu tay sau khi bước ra từ sân chơi Giọng hát Việt.
Ra đời từ năm 2014, nhưng đến nay, trên mạng vẫn liên tục xuất hiện nhiều phiên bản khác nhau của Một nhà do những ca sĩ chuyên nghiệp cũng như những bạn trẻ yêu ca hát thể hiện.
Từ điệp khúc đến những đoạn đọc rap trong Một nhà toát lên tình cảm, tinh thần phóng khoáng và sự hỏm hỉnh của tuổi trẻ.
“Khi hai ta về một nhà/ Khép đôi mi chung một giường/ Đôi khi mơ cùng một giấc/ Thức giấc chung một giờ/ Khi hai ta chung một đường/ Ta vui chung một nỗi vui/ Nước mắt rơi một dòng/ Sống chung nhau một đời…”
Với lời ca như thế nên có nhiều cặp đôi “tận dụng” Một nhà đưa vào làm nhạc cho clip và album ảnh cưới.
>>Nghe ca khúc Một nhà (nguồn Youtube):
Thành viên có nghệ danh trong nhóm là JGKid (tên thật là Việt Phương, hay còn được gọi là Quách Văn Thơm - nghề nghiệp chính là phóng viên) tiết lộ, một trong những lần đầu tiên Da LAB trình diễn Một nhà là tại đám cưới của anh.
Anh chàng sinh năm 1989, trẻ nhất nhóm, cũng cho biết quá trình ra đời của Một nhà chỉ trong… một ngày. Ngay khi có ý tưởng, cả nhóm chọn “beat” làm bản phối, chia nhau viết lời, thu âm và hoàn chỉnh rất nhanh chóng.
Sau Một nhà, Da LAB có Về nhà cũng được rất đông người tìm nghe. Ca khúc như “phần tiếp theo” của Một nhà, là ý thức với “chốn đi về” của mỗi người trẻ đang trưởng thành và đã lập gia đình.
Không chỉ gây xôn xao cộng đồng nghe nhạc “underground” với bài hát “bắt tai” về sự gắn kết trong gia đình, giúp định hình phong cách cho Da LAB chính là những ca khúc chứa đầy tình thần tự vấn, phản biện, nhìn vào những góc tối trong tâm hồn và đời sống đương đại.
Những điều không dễ nói ra, không dễ bày tỏ, mang màu sắc của “triết học hiện sinh” được Da LAB diễn đạt bằng ngôn ngữ đời thường, tự do nhưng vẫn đủ sự chững trạc và đặc biệt là cách hát rap của họ khá rõ lời.
Mới đây nhất, ca khúc Rối người gây ấn tượng với công chúng khi nhóm Da LAB không ngại tự vấn chính bản thân mình. Họ ví mình như những con rối sống theo sự giật dây của những kỳ vọng xã hội.
Họ đưa ra thực tế về bản thân “mười năm một câu hỏi rằng, thật ra mày là ai, vẫn chưa thể trả lời, đâu là đúng đâu là sai”…, hay “ta dõi theo ta cười nhạt, ta hành xử như một con người khác, để rồi tối đến khi sân khấu hạ màn, vẫn riêng mình một bóng hình lang thang”…
Ca khúc này cũng giống như những bản “hit” khác của nhóm là Sớm hôm qua, Đi đi về về… đều là cách mối người đối diện với sự lạc lõng và phải tự tìm cho mình câu trả lời để thoát khỏi bế tắc.
Hai ca khúc đầy tính hiện thực khác được nhiều người biết tới của Da LAB là Hà Nội giờ tan tầm và Còi, trong đó Hà Nội giờ tan tầm từng được nhóm đem tới sân chơi Bài hát Việt.
Các ông bố trẻ hát nhạc “tử tế”
Nhóm Da LAB trình diễn trong Tử tế show lần thứ 5 - Ảnh: T.Đ. |
Ra đời năm 2007, đến nay, Da LAB công bố nhiều sáng tác đến nỗi nhóm khó nhớ hết. Thời gian đầu nhóm chuyên “cover” (hát lại) những ca khúc rap nước ngoài của các boys band đình đám và đến các trường đại học biểu diễn.
Thời gian sau này, nhóm còn hai thành viên là Minh Phương (MPaKK - nghề chính là kỹ sư cầu đường), Trọng Đức (Rabbit Run - nghề chính là chuyên viên marketing) và hoạt động với cái tên Da LAB, nhóm mới sáng tác những bài rap riêng.
Đến năm 2009, nhóm có thêm thành viên được miêu tả là “rapper trẻ tuổi tài cao” Việt Phương (JGKid).
Cho đến nay, cả ba thành viên đều chưa có chủ trương theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp và mỗi người theo đuổi một ngành nghề riêng, Đức là chuyên viên marketing, là kỹ sư cầu đường và Phương làm báo. Điểm chung của họ hiện tại là cả “phòng thí nghiệm” đều đã có vợ.
“Chúng tôi không học nhạc ở trường lớp âm nhạc bài bản, không rành ký xướng âm, chúng tôi sáng tác dựa trên sự tự học và theo bản năng”, JGKid bộc bạch.
Chính vì không thể tự phối khí cho các ca khúc nên như nhiều nhóm nhạc underground khác, Da LAB chọn mua phần “beat” nhạc trên mạng để làm bản phối cho các ca khúc.
Da LAB cho biết, nhóm vẫn ấp ủ kế hoạch phát hành album riêng; tuy nhiên, dự định gần nhất của họ là tổ chức thành công chương trình Tử tế show lần 6 với chủ đề Chuyến tàu tử tế.
“Vì chúng tôi hát nhạc “tử tế” và hành trình âm nhạc cũng là hành trình tử tế nên đặt tên chương trình như vậy”, thành viên Rabbit Run bảo.
“Gắn kết chương trình là sự dẫn dắt của các tàu trưởng với những đặc trưng âm nhạc khác nhau được thể hiện qua màu sắc như đỏ, cam, vàng, tím…hay cả những tiếng loa phóng thanh để khán giả cảm nhận rõ hành trình này”, Da LAB giới thiệu.
Dự kiến chương trình diễn ra vào tháng 9 tới tại Hà Nội, quy tụ những nghệ sĩ rap/hiphop trong giới underground trên cả nước như rapper Đen, Táo, Kzazinoyze, nhóm Đa sắc, ca sĩ Lynk Lee, DJ Red Ant, nhóm nhảy S.I.N.E…
Không chỉ đưa những chuyện đời sống vào ca khúc mà Da LAB còn có một thành tích đặc biệt là từng đoạt giải nhất cho sản phẩm báo chí sáng tạo do hiệp hội các nhật báo và nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) trao tặng tháng 11-2014.
Sản phẩm của nhóm Da LAB thực hiện chính là bản tin thời sự bằng nhạc rap - RapNews - phát thường kỳ trên báo điện tử Vietnam Plus. Những bản tin nhạc rap như chuyện biển Đông dậy sóng, chủ quyền biển đảo của Việt Nam bị xâm phạm… từng được lan truyền chóng mặt.
Da LAB từng bày tỏ: “Chúng tôi luôn cố gắng là chính mình trong mỗi sáng tác, từ đó đưa ra những thông điệp rõ ràng vào những bài hát. Chúng tôi hát rap để “ráp nối” đam mê của nhau, không vì điều gì khác”.
Bản rap Về nhà |
MV Hà Nội giờ tan tầm |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận