Nguyên nhân
Nguyên nhân đau vùng gót chân có rất nhiều, có thể kể ra những nguyên nhân phổ biến là bệnh lý thoái hóa điểm bám gân gót, viêm bao hoạt dịch sau xương gót hay sau gân gót, bệnh lý màng gân gót.
Bệnh lý thoái hóa điểm bám gân gót nằm chung trong nhóm bệnh lý thoái hóa điểm bám gân. Bệnh có đặc điểm đau khi lúc mới khởi đầu vận động như trong trường hợp buổi sáng bước xuống giường thấy đau gót chân nhưng sau thời gian đi lại thì bớt đau. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng hơn thì cơn đau xuất hiện nhiều hơn và không còn giảm nữa.
Trong gân gót không thấy có hiện tượng viêm, thay vào đó là hiện tượng thoái hóa thiếu máu nuôi làm rách vi thể các sợi gân với các vùng màu xám khi xẻ gân gót ra. Những cử động đột ngột của gót chân sẽ dễ gây ra tình trạng rách bán phần hay tệ hơn là rách hoàn toàn gân gót. Khi bệnh tiến triển lâu có thể thấy hình ảnh gai xương nơi bám gân gót. MRI hay siêu âm cho thấy vùng tổn thương gân.
Điều trị
Đối với bệnh lý thoái hóa điểm bám gân gót thì chìa khóa cho việc điều trị thành công là phát hiện và điều trị sớm. Điều trị bao gồm những bài tập làm căng gân gót. Chỉnh sửa các biến dạng vùng gót chân gây ra tình trạng bàn chân sấp quá mức. Điều trị các bệnh lý khớp dưới sên gây ra tình trạng hạn chế tầm vận động của khớp này làm tăng áp lực lên gân gót.
Cần phải thông báo cho bệnh nhân biết thời gian tối thiểu để điều trị thành công là 3 tháng, do vậy phải kiên trì luyện tập và hợp tác tốt trong việc điều trị. Cần phải xem xét các loại giày dép để sao cho nâng gót chân lên, chỉnh sự lệch vẹo gót chân, giày hay dép có đế đủ rộng để đỡ cả gót chân, không bó quá phần trước bàn chân. Hạn chế tối đa việc chích corticoide vào gân gót vì có thể gây ra tình trạng đứt gân gót.
Việc dùng thuốc kháng viêm giảm đau chưa được chứng minh là có lợi hơn việc tập luyện căng gân gót, tuy vậy các thuốc này vẫn được dùng để giảm đau tuy nhiên cần chú ý tác dụng phụ gây viêm loét đường tiêu hóa với nguy cơ xuất huyết.
Một số bệnh nhân đau gót chân không phải là do thoái hóa gân gót mà là viêm các bao hoạt dịch sau xương gót hay sau gân gót. Để chẩn đoán phân biệt giữa hai loại bệnh lý là việc xác định điểm đau nhất khi ấn.
Viêm bao hoạt dịch có điểm đau trước gân gót (trong trường hợp viêm bao hoạt dịch sau xương gót) hay đau mặt sau gân gót (bao hoạt dịch sau gân gót). Trong trường hợp này bệnh nhân có phản ứng viêm thật sự và đáp ứng tốt với thuốc kháng viêm giảm đau. Việc điều trị bao gồm massage vùng gân gót, chườm lạnh sau khi tập, uống thuốc, nghỉ ngơi.
Nếu thất bại có thể dùng corticoide tiêm vào vùng bao hoạt dịch (phải hết sức cẩn thận để không tiêm vào gân gót).
Một số trường hợp có thể có sự kết hợp cả thoái hóa điểm bám gân gót và viêm bao hoạt dịch vùng gân gót. Tuy vậy việc điều trị luôn bắt đầu bằng việc uống thuốc, tập luyện, massage, chườm lạnh sau khi massage, điều chỉnh giày dép và điều trị các bệnh lý kèm theo vùng xương sên hay khớp dưới sên.
Một số trường hợp kháng trị có thể phải dùng đến biện pháp phẫu thuật. Tuy nhiên cần khuyến cáo bệnh nhân thời gian hồi phục sau mổ khá dài và chậm chạp. Phẫu thuật bao gồm nội soi cắt bao hoạt dịch quanh gân gót (sau xương gót và sau gân gót), kích thích sự tái tạo gân bằng sóng radio với kết quả hết đau khoảng 80-90% theo một nghiên cứu tại bệnh viện Đại học Y Dược.
Tuy nhiên cần phải khảo sát hết các nguyên nhân gây đau gót để có quyết định cuối cùng vì còn có những nguyên nhân khác tuy hiếm nhưng vẫn tồn tại như biến dạng Haglund, hội chứng chèn ép phía sau (do xương phụ của xương sên), bệnh Sever ở thanh thiếu niên và đau vùng gân gót quy chiếu do chèn ép thần kinh tọa, bệnh lý rễ thần kinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận