Khi Google phải cầu viện lão tướng

NGUYỄN VŨ 03/02/2023 15:33 GMT+7

TTCT - Hai nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin đã "rửa tay gác kiếm" từ năm 2019 khi họ chuyển giao việc điều hành tập đoàn này cho Sundar Pichai.

Hai nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin đã "rửa tay gác kiếm" từ năm 2019 khi họ chuyển giao việc điều hành tập đoàn này cho Sundar Pichai.

Thế nhưng tháng trước, Pichai phải cầu cứu đến hai nhà sáng lập này, bắt họ họp mấy cuộc liền để bàn cách đối phó với ChatGPT, vì AI này đang đe dọa sự tồn vong của bộ máy tìm kiếm Google, theo thông tin nội bộ do The New York Times tiết lộ.

Tác phẩm do DALL-E của OpenAI tạo ra, với đề bài "Minh họa một bộ máy tìm kiếm dùng AI".

Tác phẩm do DALL-E của OpenAI tạo ra, với đề bài "Minh họa một bộ máy tìm kiếm dùng AI".

Đáng chú ý, ngay trong phần nhận xét của độc giả bên dưới bài viết trên The New York Times, một người nói đại ý lẽ ra Page và Brin (cả hai đều còn chân trong hội đồng quản trị và vẫn nắm giữ số cổ phần chi phối) phải chấn chỉnh Google từ lâu. Lý do là hiện nay, khi tìm thông tin trên Google thì 5 kết quả đầu là quảng cáo, mấy kết quả tiếp theo là do can thiệp vào thuật toán kiểu SEO nên chất lượng cũng rất kém. Sau đó, kết quả từ YouTube cũng dính đến quảng cáo nữa. 

Người này nói nếu ChatGPT mà thay chân Google giúp việc tìm kiếm thông tin tốt hơn thì họ càng mừng vì không chịu nổi Google nữa.

Phải nói sự xuất hiện của ChatGPT và công nghệ tìm kiếm dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI) là một cú sốc đối với Google. Có thể hình dung Google rót nhiều tiền và công sức nghiên cứu AI và các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT nhưng yên chí tin rằng chưa ai vội vàng tung nó ra cho công chúng dùng thử. 

Nay ChatGPT thu hút cả trăm triệu người dùng, có thể tự cải thiện dựa trên tương tác với hàng triệu lượt người sử dụng nó hằng ngày, chắc chắn ChatGPT sẽ là một đối thủ có tiềm năng phá vỡ thế gần như độc tôn của Google trong thế giới tìm kiếm.

Thật ra, Google cũng có nhiều đồ chơi còn tinh vi hơn các đối thủ - năm nay họ dự kiến trình làng 20 dự án và sản phẩm mới liên quan đến AI. 

Theo hãng này, điều làm họ e ngại không muốn sớm đưa chúng ra với công chúng vì hiện nay các AI vẫn còn nhiều lỗi, đặc biệt là sản xuất thông tin sai, thái độ mang định kiến, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc… 

Ngoài ra, là một công ty lớn, Google chịu nhiều áp lực hơn đối với các vấn đề bản quyền, sự riêng tư và cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền. Các sản phẩm AI của họ phải có bộ lọc sao cho câu trả lời không vi phạm bản quyền, ngăn AI chia sẻ thông tin riêng tư của người dùng, đặc biệt là tránh các cáo buộc lan truyền thông tin sai lạc.

Điều hai nhà sáng lập phải giúp lãnh đạo Google giải quyết là xác định lại mức độ chấp nhận rủi ro khi đưa ra sản phẩm mới. 

Với ChatGPT, Hãng OpenAI phải thuê lao động giá rẻ tận Kenya để rà soát dán nhãn cho các thông tin được xem là độc hại hay có thiên kiến. Đây là công việc nhàm chán, cần nhiều nhân công và sự kiên nhẫn. Nếu Google chậm đầu tư vào khâu này, họ sẽ tụt hậu so với OpenAI và các nơi khác.

Kết quả của việc cầu viện "lão tướng" Page và Brin có lẽ sẽ là hàng loạt sản phẩm mà Google sớm đưa ra, kể cả việc giới thiệu một ứng dụng tìm kiếm dựa vào hình thức hỏi đáp như ChatGPT. Hiện nay đã có những trang web cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin dưới dạng hỏi đáp như You.com hay Perplexity.ai đang dần hút khách của Google.

Tuy nhiên, rốt cuộc vấn đề lớn nhất của Google khi "kêu cứu" Larry Page và Sergey Brin có lẽ là tìm mô hình kinh doanh mới. Dịch vụ tìm kiếm thông tin của họ hiện đang làm ra 149 tỉ USD tiền quảng cáo mỗi năm. Dù người dùng chê trách, họ không thể không đẩy các kết quả tìm kiếm có trả tiền lên đầu trang bởi đó là nồi cơm của họ. Nay dùng AI hỏi gì đáp nấy, lấy đâu chỗ để quảng cáo thu tiền?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận