09/02/2015 10:03 GMT+7

Im lặng vì điều gì?!

TRÚC HẠNH
TRÚC HẠNH

TTO - Trong bài viết Thói quen im lặng (Tuổi Trẻ 8-2) cho biết trong cuộc họp mới đây của Sở GD-ĐT Hà Nội, hơn 700 hiệu trưởng trường tiểu học không ai có ý kiến.

Tranh minh họa

Cho dù nội dung hội nghị này là về vấn đề đổi mới đánh giá học sinh tiểu học “bỏ chấm điểm, tăng nhận xét” đang rất nóng, 

Xưa nay mọi người thường nói: “Im lặng là đồng ý” nhưng trong trường hợp này, theo tôi, chắc rằng không phải thế.

Thậm chí, theo ý kiến chủ quan của tôi, không chỉ riêng Hà Nội, ở tỉnh nào tổ chức hội nghị về việc triển khai và áp dụng TT 30 như thế này, dám chắc không ai đủ dũng cảm đứng lên bày tỏ quan điểm thật của mình ngoài việc “nói lời hay, ý đẹp”.

Muốn họ có ý kiến gì đây? Nếu “ca tụng” sự nhân văn, tiến bộ của TT 30 hóa ra họ dối lòng?

Mà có ý kiến trái chiều liệu họ có được yên khi cấp trên luôn có quan điểm: “TT 30 là chủ trương lớn của ngành, có ý kiến cũng không thay đổi được gì nên giáo viên cố gắng thực hiện cho tốt, giáo viên có thông mới vận động phụ huynh đồng tình được…”.

Không có ý kiến trong cuộc họp vì họ sợ cấp trên “soi”.

Nhưng bên ngoài phần lớn các vị hiệu trưởng cũng thừa nhận những bất cập, những khó khăn vất vả mà giáo viên của họ đang phải gồng mình thực hiện.

Dù là hiệu trưởng, những người trực tiếp chỉ đạo giáo viên thực hiện thông tư cũng không dám trái quan điểm luôn được cấp trên nhắc nhở trong các cuộc họp chuyên môn của ngành.

Vì thế họ chọn giải pháp im lặng là “vàng”.

Về trường học, những vị hiệu trưởng này lại giống như “cái máy” lặp lại những lời nói của cấp trên với giáo viên trong các cuộc họp…

Giáo viên dù ai cũng thấy rõ những điểm bất cập, hạn chế của một vấn đề nào đó cũng không dám thắc mắc, mà im lặng phục tùng và làm theo trong ấm ức vì cũng chẳng ai dũng cảm đứng lên bày tỏ những suy nghĩ thật của mình.

Có lẽ, ít có ngành nghề nào cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên giống trong môi trường giáo dục như hiện nay.

Chính vì sợ bản thân mình bị liệt vào “danh sách đen” nên ai ai cũng im lặng, chấp hành cho xong việc.

Giáo viên sợ ban giám hiệu, ban giám hiệu lại sợ cấp trên… và như thế nhiều người cũng sống khép mình mà không dám nói lên tiếng nói thật tự đáy lòng mình.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc Trúc Hạnh. Bạn đồng tình/không đồng tình với ý kiến này? Và những suy ngẫm khác của bạn liên quan vấn đề này? Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài.

                                                                                

TRÚC HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên