Dù rất muốn tư vấn nhưng giáo viên chúng tôi vô cùng e ngại và phải ngậm ngùi từ chối các em bởi công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 11-4-2013. Trong công văn này bộ nhấn mạnh: “Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục phổ thông tuyệt đối không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành STK tới học sinh hoặc cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào”.
Chúng tôi hiểu mục đích khi Bộ GD-ĐT ra công văn này chủ yếu chấn chỉnh việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông nhằm hạn chế việc sử dụng STK một cách tùy tiện, thiếu chọn lọc trong trường học hiện nay. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản như thế.
Trong một rừng STK hiện nay, giáo viên chính là “kiểm định viên” hữu hiệu nhất trong việc phát hiện STK có nội dung sai lệch. Đồng thời giáo viên có thể giúp học sinh tìm được những STK hay bổ trợ để nâng cao kiến thức cho môn học. Tuy nhiên với quy định này giáo viên sẽ không dám bàn đến chuyện STK bởi ngay cả việc giới thiệu cũng đã là vi phạm.
Vậy vấn đề sẽ như thế nào nếu để học sinh tự tìm tài liệu tham khảo, trong điều kiện STK trên thị trường quá nhiều, thượng vàng hạ cám, vàng thau lẫn lộn? Hơn thế nữa với phần đông học sinh ở vùng sâu vùng xa điều kiện tiếp cận với các STK lại vô cùng khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ từ giáo viên, học sinh sẽ không dễ dàng tiếp cận nguồn STK tốt được. Phải chăng điều này chúng ta đang đi ngược lại với nguyên tắc giáo dục hiện đại mà bộ đang đề cập trong dự thảo đổi mới toàn diện giáo dục sau năm 2015?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận