20/05/2021 09:47 GMT+7

Khi giáo viên được chọn nơi làm việc

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Một ngày cuối tháng 3-2021, 148 thầy cô giáo trẻ vừa chính thức trở thành viên chức ngành giáo dục của tỉnh Quảng Nam, đã hội tụ về Sở GD-ĐT để dự một nghi thức đặc biệt: tự chọn trường, chọn nơi làm việc dựa trên điểm trúng tuyển của mình.

Khi giáo viên được chọn nơi làm việc - Ảnh 1.

Học sinh và giáo viên Quảng Nam trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 - Ảnh: LÊ TRUNG

Trong hội trường, màn hình lớn hiển thị chỉ tiêu, nơi làm việc của từng trường. Ngồi cạnh là giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc với dấu đỏ, mực tươi chờ để ký quyết định phân công công tác khi "thí sinh" chọn được nơi làm việc.

Niềm vui nhân đôi

Là ứng viên đạt điểm cao, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Khánh Huyền khi được gọi tên đã quyết gần như ngay lập tức một ngôi trường ở Hội An để về dạy. Huyền đã có một hợp đồng ở đó. 

"Việc trúng tuyển đã là một niềm vui tột cùng. Nay lại được tự mình chọn nơi công tác thì niềm vui như nhân đôi" - cô giáo trẻ reo vui. 

Sau khi chọn Hội An, những người điều hành đã cầm micro và hỏi lại Huyền có thay đổi quyết định không, đáp lại Huyền vẫn lắc đầu và "chốt". Ngay lúc này, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh liền ký quyết định phân công Huyền về Hội An theo nguyện vọng.

Nhưng không phải người nào cũng "lập trường vững vàng" được như cô Huyền. Nhiều giáo viên khi biết được tự mình chọn nơi làm việc đã tỏ ra bối rối. Ban tổ chức lường được trường hợp này nên cho phép họ gọi điện thoại cho người thân, bạn bè để tư vấn. 

Thậm chí các thầy cô giáo, cán bộ sở cũng góp ý nhiệt tình để ứng viên đưa ra quyết định. Người cao điểm được chọn trước, người thấp chọn sau. Buổi phân công công tác diễn ra trong niềm vui và sự mãn nguyện của tất cả 148 giáo viên trẻ.

Nghe câu chuyện phân công công tác "lạ đời" này, hẳn sẽ có nhiều hoài nghi nhưng đó là câu chuyện có thật. 

Năm 2017, một buổi gặp gỡ tương tự đã được tổ chức và tới nay vẫn là kỷ niệm không thể quên trong những thầy cô giáo được trao quyết định ngày ấy. Và trong 148 thí sinh vừa trúng tuyển có không ít người đã quyết định nộp đơn ứng tuyển vào Quảng Nam vì tin rằng mình được chọn nơi làm việc.

Tìm kiếm, tôn vinh người giỏi

Mong muốn có người dạy học giỏi giang kế nghiệp nên từ lâu tỉnh Quảng Nam đã có những cách thức tuyển nhà giáo đặc biệt. 

Chẳng hạn học sinh trường chuyên, học sinh có tố chất sư phạm, học lực đặc biệt giỏi được lập danh sách theo dõi ngay từ khi ngồi ghế cấp III. Khi vào đại học, nếu chọn nghề giáo thì sẽ lập tức có thầy cô "đỡ đầu", định hướng về mặt tinh thần tới ngày ra trường. 

Nếu cầm được tấm bằng "đỏ" sẽ được tuyển dụng không qua thi tuyển vào các trường lớn. Không những vậy, nhà giáo trẻ có tố chất, nếu có nguyện vọng làm quản lý sẽ được ươm mầm "đặc cách". Ngược lại những nhà giáo nào "lỡ" buộc phải làm quản lý mà chỉ tha thiết cầm phấn đứng trên bục giảng cũng sẽ được đáp ứng.

Ông Hà Thanh Quốc cho biết: "Mục tiêu lớn nhất là làm sao chọn được nhiều nhà giáo thật sự giỏi. Bởi một ông thợ giỏi sẽ tạo ra được một sản phẩm tốt, nhưng một ông thầy giỏi sẽ tạo ra hàng ngàn ông thợ giỏi. Nên khi trình đề án tuyển dụng theo hướng minh bạch, khuyến khích người thực tài thì lãnh đạo tỉnh gật đầu ngay".

Năm 2020 kỳ thi viên chức giáo dục theo hướng "Tìm kiếm, tôn vinh người giỏi" đã được mở rộng ra ngoài tỉnh. Kết quả cho thấy lượng hồ sơ đầu vào đã dồn dập và trình độ giáo viên cũng vượt trội hẳn.

Không chỉ thi tuyển đầu vào minh bạch, để tôn vinh và khuyến khích các nhà giáo, sở bố trí buổi phân công công tác theo hình thức cho chọn trực tiếp ngay tại hội trường. Người cao chọn trước, người thấp chọn sau, chọn xong thì giám đốc sở sẽ ký quyết định, đóng dấu và trao hoa chúc mừng...

Không có chỗ cho chuyện khuất tất

Với cách tuyển dụng như thế chúng tôi tin rằng không những chọn được người tài mà còn không có chỗ cho chuyện khuất tất, chạy chọt trong phân công công tác.

Khi người ta giỏi thì sẽ xứng đáng được lựa chọn nơi làm việc, và khi tự mình chọn nơi đứng lớp thì sẽ hoàn toàn an tâm về tư tưởng để tập trung dạy thật tốt, cống hiến cho nghề giáo" - ông Hà Thanh Quốc nói.

Đào tạo giáo viên đáp ứng cung cầu thị trường: Vẫn vướng ở định biên Đào tạo giáo viên đáp ứng cung cầu thị trường: Vẫn vướng ở định biên

TTO - Các cơ sở đào tạo giáo viên được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội... Nghị định mới này rất tiến bộ, nhưng lại gặp khó vì "định biên" do Bộ Nội vụ quyết định.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên