28/03/2015 09:30 GMT+7

​Khi giáo viên cũng bị bạo hành

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TT - LTS: Câu chuyện “Cô giáo bốn lần xin lỗi học trò” trên Tuổi Trẻ ngày 26-3 đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Bên cạnh những sẻ chia, nhiều bạn đọc là giáo viên cũng đã tâm sự nỗi niềm của mình về nghề phấn trắng bảng đen.

Cô T. là giáo viên nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, lớp chủ nhiệm của cô luôn luôn được nhà trường biểu dương vì nề nếp cũng như chất lượng học tập. Cô thương học sinh, chăm chút cho các em từ những chuyện nhỏ nhất nhưng trong dạy học thì vô cùng nghiêm khắc. 

Trong một lần chào cờ, thầy tổng phụ trách nêu tên năm em học sinh trong lớp cô chủ nhiệm trèo cây, vượt tường đi về để không phải xếp hàng.

Trong năm học sinh vi phạm có em Vũ (cô từng được giáo viên chủ nhiệm lớp cũ rỉ tai): “Đừng động vào nó, nó học được gì thì học, không nghe lời thì thôi. Ba nó rất hung dữ và cộc cằn...”. Biết vậy nhưng cô nghĩ mình có đánh thô bạo gì đâu, phạt một roi giống như thay cha mẹ giáo dục các con. 

Nghĩ thế nên vào lớp cô giáo gọi các em lên và bắt nằm trên bàn, vừa phạt cô vừa nói: “Con về nói với ba mẹ hôm nay cô giáo phạt vì tội trèo cây nhảy qua tường. Thà để cô đánh một roi còn hơn cha mẹ sinh con lành phải nuôi con què”.

Hôm sau khi cả trường đang họp phụ huynh, cha em Vũ, một trong năm em bị cô giáo phạt hôm trước, dắt con lên gặp thầy hiệu trưởng.

Chẳng biết thầy và vị phụ huynh nói gì với nhau, khi họ về rồi cô giáo được thầy mời vào phòng nói: “Dù với bất cứ lý do gì, em đánh học trò là sai rồi. Họ đòi kiện em, em cần giải quyết việc này cho ổn, đừng làm ảnh hưởng đến nhà trường”. Buổi trưa, cô giáo nhờ một giáo viên lớn tuổi đi cùng đến nhà em học sinh để xin lỗi. 

Vị phụ huynh lớn tiếng chỉ tay vào mặt cô mắng xối xả: “Nó có chửi vào mặt cô, cô cũng không được phép đánh nó. Nó có đập vào mặt cô, cô cũng không được phép đánh nó. Tôi nói cho cô biết tôi đã chụp hình, lấy giấy chứng thương, tim, gan, phèo, phổi nó có bị gì, tôi sẽ không tha cho cô đâu”.

Cô giáo ra sức giải thích chỉ phạt em có một roi vào mông thì làm sao ảnh hưởng đến tim, gan, phèo, phổi được? Họ không nghe, đã đuổi cô giáo về cùng những lời chửi rủa cay nghiệt...

Và từ ngày đó, cứ sau một tuần đi biển về, vị phụ huynh lại lên lớp, trước mặt tất cả các em học sinh chỉ tay vào mặt cô giáo mắng xối xả: “Trông cô cũng dễ thương đó chứ nhưng sao mà cô ác quá vậy. Tôi về hỏi con tôi: Cô có thương mày không? Nó nói là có. Cô có chấm bài cho mày không? Nó nói là có. Cô có gọi mày lên bảng không? Nó nói là có. May cho cô đó, không thì cô chết với tôi”. 

Và cứ thế, hằng tuần vị phụ huynh ấy lại tới lớp và điệp khúc cũ lại rền rĩ vang lên...

Chỉ tội cô giáo một mình chịu đựng mà không dám nói với ai. Cô cũng không thể báo lên nhà trường để được bảo vệ vì dù sao cô là người sai trước. Nếu không biết nhẫn nhịn, phụ huynh đưa lá đơn thì bất kể vì lý do gì, uy tín, danh dự của cô cũng mất hết. Nhà trường cũng bị cắt thi đua cuối năm...

Nhưng câu chuyện của cô một số phụ huynh cũng biết, có lẽ các em đã về kể cho ba mẹ mình nghe. Nhiều người tỏ ra thông cảm và an ủi cô giáo. Lúc này cô mới biết thêm một chuyện là vị phụ huynh khủng bố tinh thần cô mỗi lần đánh con chỉ từ “chết đến bị thương” nhưng lại phản ứng quá mạnh bạo khi cô giáo chỉ phạt nhẹ con mình.

Dù sao cô giáo trong câu chuyện này cũng chỉ bị bạo hành về tinh thần trong một thời gian ngắn. Nhiều đồng nghiệp của cô cũng vì muốn học trò chăm chỉ học hành nên trong lúc nóng giận đã phạt roi các em. Thầy cô không chỉ bị đánh mà còn bị kiện thưa cấp này đến cấp khác. Vì điều này, một số thầy cô đã buông xuôi, mặc kệ... Còn học trò tự đắc “không ai dám làm gì mình” nên càng ngày càng khó dạy bảo.

Áp lực vây quanh giáo viên

Đọc xong bài báo, tôi cảm thấy không những cô giáo bị áp lực bủa vây mà tôi và những đồng nghiệp còn đứng trên bục giảng cũng bị như thế!

Một đứa trẻ quá nghịch ngợm, lì lợm thuộc dạng cá biệt như cách gọi xưa nay bị cô giáo trong giây phút nóng giận lỡ đánh. Mặc dù cô đã báo vụ việc với nhà trường và chân thành xin lỗi gia đình tới bốn lần (trình tự tăng dần, có cả nhà trường, phòng giáo dục...) nhưng gia đình vẫn thiếu thiện chí, không hợp tác giải quyết, không chịu bỏ qua lỗi lầm của người biết lỗi!

Sự việc cuối cùng cũng đã giải quyết với hình thức kỷ luật ở mức cảnh cáo nhưng việc ổn định tâm lý, cân bằng tâm lý dạy học cho giáo viên ấy là cả một quá trình. Em học sinh ấy đã chuyển qua lớp khác và cô giáo mới không la rầy, để mặc em làm gì thì làm và khuyên các bạn tránh xa.

Sợ lắm những bậc phụ huynh “nghe lời con lon xon mắng người” như trường hợp cô giáo trong bài viết là một thí dụ. Cũng cần hiểu và thông cảm cho người dạy học hôm nay. Công việc rất nhiều (soạn bài, lên lớp, chấm bài, thi đua, họp hành, các phong trào...) mà đồng lương chẳng thể đủ sống, nói gì đến nuôi sống gia đình!

Bản thân tôi nhiều phen cũng đành “ngậm đắng nuốt cay” vì trước những hành vi vô lễ của học trò mà mình không làm gì được! Đồng ý là xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhưng thân thiện một phía thì cũng không giải quyết ổn thỏa vấn đề.

Nghề dạy học thường được xã hội vinh danh là nghề cao quý nhưng bên trong còn có nhiều cay đắng mà nhiều khi họ không thể thổ lộ...

THẠCH HOÀI LAM

Nghề nguy hiểm

Giáo viên không được quyền la rầy, nói nặng thì không được phép, nói nhẹ thì không có tác dụng. Học trò hư không học thì cha mẹ nói thầy cô dạy sao mà con tui nó như vậy, phạt nặng thì cả gia đình dòng họ kéo tới nhà giáo viên làm loạn, kéo vô tới trường bắt giáo viên phải xin lỗi học trò. Rầy la nhắc nhở thì học trò chửi với ngôn từ tục tĩu.

NGUYEN THI CHI (nguyen...@...)

“Ai cho tôi làm cô giáo?”

Học sinh vắng học nhiều, theo quy chế thì phải ở lại lớp, không được dự thi. Thế nhưng phụ huynh bao che, nói lý do này nọ. Rồi gặp hiệu trưởng, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên bỏ qua, bởi trường không thể để học sinh không tốt nghiệp.

Học sinh hỗn láo, coi thường sự học, coi thường thầy cô, nhưng giáo viên chẳng thể làm gì bởi “phải yêu thương, độ lượng, vị tha”, trường mà đuổi học tức là bất lực. Nhưng phụ huynh, xã hội lại yêu cầu chất lượng giáo dục cao, phải đáp ứng “nhu cầu về nguồn nhân lực”. Vậy ai cho tôi được làm cô giáo đúng nghĩa?

PHAN NGỌC

 

PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên