
Đọc sách từ nhỏ là một thói quen tốt trong giáo dục cho trẻ - Ảnh: TỰ TRUNG
Không cần bắt đầu bằng vốn liếng lớn, gia đình khởi nghiệp bằng giáo dục chỉ cần bắt đầu bằng ý chí, trí tuệ, sự gương mẫu và tình thương có thật. Cha mẹ dành thời gian đọc sách cùng con mỗi tối, ông bà chia sẻ những câu chuyện về truyền thống gia đình...
Những tài sản vô hình này, khi được trao truyền đúng cách, sẽ trở thành hành trang quý giá nhất cho con trẻ trên hành trình trưởng thành.
Gia đình là doanh nghiệp đặc biệt
Một xã hội mà trong mỗi gia đình, người lớn dạy bằng chính cách sống, cách ứng xử, cách nghĩ, xã hội đó là nền tảng cho một thế hệ tử tế, vững vàng trong tương lai. Khi những bài học về đạo đức, nhân cách được thấm nhuần từ trong gia đình, chúng ta đang góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, nhân văn và tiến bộ.
Mỗi gia đình là một doanh nghiệp đặc biệt, nơi sản phẩm quý giá nhất chính là những con người toàn diện, những công dân tương lai biết yêu thương, biết sáng tạo và biết cống hiến.
Trong gia đình, mỗi người sẽ làm gương cho nhau. Cha mẹ cùng con chuẩn bị, kiểm tra sách vở con; con nhìn thấy cha mẹ đọc sách thay vì cắm đầu vào điện thoại; ông bà kể lại những câu chuyện hiếu học của dòng họ, của cha ông... Đây chính là những bài học sâu sắc nhất về giá trị của tinh thần học tập. Những giá trị này sẽ được trao truyền, thấm nhuần một cách tự nhiên.
Cuốn sách Bài học Phần Lan của Pasi Sahlberg cho thấy sự chuyển mình của Phần Lan thành cường quốc giáo dục nhờ bắt đầu từ gia đình. Theo Sahlberg, vào những năm 1970, Phần Lan vẫn là một quốc gia với nền giáo dục trung bình. Chỉ sau 40 năm cải cách giáo dục sâu rộng, Phần Lan đã trở thành hình mẫu giáo dục được cả thế giới ngưỡng mộ.
Rất nhiều quốc gia khác cũng đã giàu mạnh nhờ đầu tư vào giáo dục, tiêu biểu là Singapore. Khi giành độc lập năm 1965, Singapore là quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên, phải nhập khẩu cả nước ngọt. Singapore đã xây dựng một hệ thống giáo dục mạnh mẽ từ gia đình đến nhà trường, nhờ đó mà sự phát triển ở nơi này được xem như là một "hiện tượng".
Tiếp theo là Hàn Quốc, nơi từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Với chiến lược phát triển dựa trên giáo dục, đất nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới chỉ trong vài thập kỷ. Họ chú trọng văn hóa giáo dục gia đình và sẵn sàng đầu tư phần lớn thu nhập cho việc học của con.
Thành công lớn từ giáo dục gia đình
Thomas Edison, nhà phát minh với hơn 1.000 bằng sáng chế, bị đuổi học lúc 7 tuổi vì bị cho là "chậm hiểu" và không thể tập trung. Mẹ ông - bà Nancy Matthews Elliott, một cựu giáo viên - đã quyết định tự dạy con tại nhà.
Bà khuyến khích Edison đọc sách khoa học, cho phép con thiết lập phòng thí nghiệm trong nhà, và dạy rằng thất bại chỉ là bước đệm của thành công. Chính phương pháp giáo dục đặc biệt này đã nuôi dưỡng tư duy sáng tạo của Edison, giúp ông phát minh ra bóng đèn điện và nhiều thiết bị khác đã thay đổi thế giới.
Hay là câu chuyện của gia đình ông Ben Carson - vị bác sĩ phẫu thuật thần kinh nổi tiếng người Mỹ. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Detroit, mẹ của ông - bà Sonya Carson - dù chỉ học hết lớp 3 đã quyết tâm thay đổi tương lai của các con bằng giáo dục.
Bà yêu cầu các con đọc hai cuốn sách mỗi tuần và viết báo cáo về những cuốn sách đó. Từ một học sinh kém, Ben Carson đã trở thành một trong những bác sĩ phẫu thuật thần kinh xuất sắc nhất thế giới.
Tiểu thuyết Cha và con của nhà văn Hồ Phương khắc họa sâu sắc mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và thân phụ - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, trở thành minh chứng sống động về sức mạnh nền tảng của giáo dục gia đình.
Từ ngôi nhà đơn sơ tại Làng Sen, cụ Phó bảng đã gieo mầm những phẩm chất cao quý trong tâm hồn người con trai - người sau này trở thành lãnh tụ vĩ đại dẫn dắt dân tộc Việt Nam tới độc lập, tự do.
Cụ giáo dục con bằng phương pháp toàn diện: giảng giải thơ văn cổ, kể chuyện dân gian, khuyến khích suy ngẫm về thực trạng đất nước. Đặc biệt, cụ không áp đặt quan điểm mà rèn luyện tư duy độc lập, để con tự tìm đường phụng sự Tổ quốc.
Phát triển văn hóa đọc
Cải cách giáo dục của Phần Lan là kết hợp hài hòa giữa thay đổi chính sách quốc gia và sự thay đổi thói quen từ chính mỗi gia đình. Yếu tố then chốt nhất trong mô hình giáo dục gia đình là văn hóa đọc sách mạnh mẽ, với 853 thư viện công cộng được xây dựng phục vụ cho 5,5 triệu dân, trung bình mỗi người mượn 16 cuốn sách/năm. Cha mẹ đọc sách cùng con ngay từ khi con còn nhỏ, xây dựng một không gian đọc sách thoải mái và không áp lực.
Gia đình học tập trong kỷ nguyên số
Trong kỷ nguyên số, tủ sách gia đình đã vượt khỏi giới hạn vật lý, trở thành không gian tri thức vô tận. Mỗi gia đình, bất kể điều kiện kinh tế, đều có thể xây dựng kho tàng kiến thức phong phú thông qua Internet.
Không cần không gian rộng hay chi phí cao, mọi người đều tiếp cận được sách điện tử, tài liệu học tập và khóa học trực tuyến. Cha mẹ có thể cùng con khám phá kiến thức nhân loại, hiểu biết vũ trụ bao la dễ dàng. Đây là thời đại mà mỗi thành viên gia đình đều là thầy, là trò, là người khám phá và sáng tạo một cách thuận lợi nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận