Đóng tiền khóa học trực tuyến xong chỉ muốn khóc!
Gần đây, nhiều bạn trẻ trở thành nạn nhân của các khóa học trực tuyến, phổ biến nhất là học tiếng Anh. Là một trong những mạng xã hội có đông đảo gen Z (sinh từ 1995 - 2012) dùng, TikTok được đặt niềm tin khá lớn.
"Mình dân tỉnh lẻ nên tiếng Anh không tốt. Coi TikTok của người tên Bảo Bảo có nhiều lượt xem và tương tác nên rất tin tưởng, mình đăng ký học theo lời người này rồi tá hỏa vì mọi thứ không như quảng cáo, chất lượng khóa học trực tuyến vô cùng tệ.
Đòi tiền lại không được, đứa nào cũng muốn khóc vì học phí đâu có rẻ", H.Phương (Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM) bức xúc.
Tháng 10 vừa rồi, Phương và bạn bè thấy kênh thời sự VTV1 nêu đích danh trung tâm này lừa đảo mới biết mình không là hiếm hoi.
Hầu hết các bạn đều nói các clip giới thiệu có lượt xem, bình luận khen và yêu thích nhiều nên cứ nghĩ mức độ uy tín cao. Họ chỉ ngộ ra khi biết việc này can thiệp được qua seeding (một hình thức bỏ tiền ra để mua lượt thích, bình luận hoặc lượt xem) thì đã muộn, mắc lừa rồi.
Sau cú lừa đó, nhiều bạn nhận ra cần tăng cường tư duy phản biện mới mong chống đỡ được mánh khóe, chiêu lừa trên mạng xã hội, cụ thể là khóa học trực tuyến.
Mà không ít trường hợp chỉ bỏ công tìm kiếm chút ít là có thể ra hết thông tin liên quan, thậm chí bị thanh tra thế nào, phạt ra sao.
Chưa kể, chịu khó nghe chút sẽ nhận ra một số giáo viên online phát âm tiếng Anh rất tệ, làm sao đạt điểm số IELTS cao như tự quảng cáo mà thực chất nhiều bình luận khen nức nở đều là tài khoản ảo.
Được một phút vui, ngày dài hối hận
Vài tuần qua, cộng đồng mạng lại phấn khích "dậy sóng" với trào lưu biến ảnh chân dung người dùng thành những gương mặt đẹp không thua gì diễn viên điện ảnh, ngập tràn trên mạng xã hội.
Dễ hiểu khi bỗng dưng ngoại hình của mình thành các soái ca, nữ thần ai mà chẳng thích, đăng lên cho mọi người trầm trồ, nhận tương tác khủng càng vui.
Khảo sát nhanh khoảng 50 người hưởng ứng trào lưu này, duy nhất một bạn nói có xem sơ qua điều khoản sử dụng của ứng dụng!
Lý do vì các điều khoản dài dòng và khó hiểu quá nên không đọc. Lý do khác vì sợ bị "chậm nhịp", lạc hậu với số đông nên cứ dùng trước đã, mọi chuyện tính sau!
Về câu chuyện này, ông Nguyễn Phú Lương - phó giám đốc Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin) - nói nhiều ứng dụng thu thập hình ảnh, thông tin người dùng dẫn đến nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân.
Vì vậy, với bất kỳ ứng dụng, mạng xã hội nào, người dùng đều nên hiểu rõ các chính sách quyền riêng tư, cần đọc kỹ các điều khoản sử dụng của nhà cung cấp.
Công an TP.HCM cũng vừa cảnh báo người dân về khả năng mất an toàn thông tin, mất tài sản, tiếp tay cho hoạt động tội phạm công nghệ từ các ứng dụng đang là trào lưu trên mạng xã hội hiện nay.
Sự có mặt của các khóa học trực tuyến hay trào lưu trên mạng đã quá phổ biến. Còn việc để tránh bị rơi vào bẫy mất dữ liệu hay mất tiền... lại phụ thuộc vào việc người dùng phải đọc và hiểu các thỏa thuận, điều khoản trước khi sử dụng.
Tỉnh táo chút, chúng ta sẽ đặt câu hỏi vì sao các ứng dụng, mạng xã hội lại miễn phí khi có nhiều chức năng hiện đại, dễ cuốn hút người dùng?
Có câu nói rất phổ biến ở Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ): "Cái gì chúng ta dùng và có trả tiền, đó là sản phẩm. Cái gì chúng ta dùng không phải trả tiền, chúng ta chính là sản phẩm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận