Một ngày nào đó, bỗng nhiên bạn có cảm giác đau đau vùng thượng vị, sốt nhẹ, vàng da và ngứa hai bên cẳng chân...
Đi bác sĩ tư, người thì bảo "Hội chứng dạ dày", bác thì thấy da hơi vàng lại phán "Viêm gan chưa rõ nguyên nhân". Thế nhưng, đi soi dạ dày không thấy vết loét, xét nghiệm máu không tìm ra con virus A, B, C nào cả. Đường cùng phải mò đến Trung tâm bệnh nhiệt đới và sau khi xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, được chẩn đoán xác định là: sán lá gan (Fasciola hepatica).
Tương tự lại có một cô đang khoẻ re bỗng dưng bị đau dữ dội vùng hạ sườn phải. Cô nhập viện cấp cứu, và bác sĩ trực sờ thấy túi mật to bất thường, tưởng là sỏi mật làm "tắc nghẽn" nên dịch ứ lại. Bác sĩ siêu âm không nhìn thấy sỏi, mà thấy cả một đống "chiếc lá hình thoi" đang cựa quậy. Cuộc mổ cấp cứu được tiến hành trong đêm, và các bác sĩ gắp ra được hàng ngàn "chiếc lá mùa thu" chỉ dài chừng 20mm, màu đỏ nhạt. Đó là sán lá gan...
Sán lá gan từ đâu tới?
Chúng là "thân chủ" của những động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, thỏ mà sao thời nay bỗng "nhảy" xổ vào gan của chúng ta? Con đường đi của chúng không dài, có thể kể vắn tắt như sau: Phân của động vật nhiễm sán lá gan mang theo trứng sán ra môi trường và ký sinh vào ốc. Lấy nước ở vùng có nhiều ốc tưới rau hoặc gia đình lại trồng rau ngay đó, trứng sán nở thành ấu trùng và di chuyển chầm chậm, dính bám vào rau. Chúng ta ăn rau đắng, xà lách xoong, và các loại rau nào gia chủ trồng ở gần chuồng trại gia súc của họ thì các "ấu chúa" nhà sán vô cùng nhiều.
Khi bám vào rau, chúng có khả năng "dính" rất chắc đến mức bạn rửa rau dưới dòng nước chảy, nó chả thèm trôi. Bạn cẩn thận pha chút nước muối hay thuốc tím nhằm "tiêu diệt" chúng cũng giống như "phủi bụi" chỉ tổ làm rau héo đi, còn chúng vẫn phây phây… Ấu trùng sán còn ký sinh ở cá. Chúng ta ăn rau sống, ăn gỏi cá là lúc ấu trùng sán lá gan được "nhập khẩu" vào cơ thể không cần qua hải quan, cũng chả có tờ khai hàng… phi mậu dịch, cứ như là được khổ chủ thân ái… mời! "Cửa khẩu" đã qua, tiếp đến là bác "bao tử" với độ axít cao đến nỗi thịt vào đến đây còn bị làm cho từ mềm đến nhão, mà bọn sán lá gan cũng "lẻn" qua tuốt luốt. Chúng đi xuống ruột, và sau khoảng 10 - 15 giờ là leo tót lên ống mật, chui vào gan.
Sòn sòn đẻ...
Gan được ví như quả tim thứ hai, và là tạng to nhất trong cơ thể lại chứa nhiều chất bổ, nên bọn sán lá tha hồ "ăn dầy". Nhờ hút máu, "đục" tế bào gan để sống, nên toàn thân chúng có màu nâu đỏ. Trong "vườn bách thú ký sinh trùng" ở ruột, giun đũa còn có con đực, con cái; nhưng sán lá gan là những kẻ lưỡng tính, tức là trên cơ thể nó chứa cả tinh hoàn, buồng trứng, tử cung theo cách gọi hiện nay là "2 trong 1". Sán lá gan lại thuộc dạng… trẻ vào đời sớm, nên tuổi đời chỉ mới… 26 ngày đã biết sòn sòn đẻ, chẳng mấy chốc mà ống mật, túi mật, và gan bị biến thành đến mấy cái bệnh viện phụ sản!
Chúng "cắm" miệng vào thành những ống mật nhỏ li ti xen kẽ giữa những tế bào gan để hút chất bổ. Chúng tiết chất độc vào nơi đó làm tổn thương lở loét tại chỗ. Chất độc vào máu gây ngộ độc toàn thân, khiến cơ thể luôn ở trạng thái "mệt rũ ra". Gan là "nhà máy" tổng hợp và phân phối các chất nên có kẻ đến "ăn cướp", cơ thể sẽ suy sụp và thiếu máu nghiêm trọng. Bạn cứ hình dung cả chục ngàn con sán "đớp" vào gan chúng ta, cái đau mỗi lúc một tăng lên tùy thuộc vào mức độ hủy diệt của chúng. Các tổn thương lại tạo cơ hội cho những vi khuẩn khác tấn công, làm nhiễm trùng đường mật. Thế là các bác sĩ cứ loay hoay cho uống hoặc chích thuốc chống nhiễm trùng mà mãi không hết.
Lại có trường hợp sán lá gan di cư lung tung tới phổi, tim, não, dưới da khiến cho việc chẩn đoán đã khó lại càng khó thêm. Ở nông thôn, nhà nào chả nuôi chó và mèo. Chó hoặc mèo ăn cá sống nhiễm sán lá gan, chúng "ị" ra vườn, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng dính vào rau. Thế là cứ ung dung chén ấu trùng, mà còn rung đùi tự đắc: "Rau thế này mới là rau chứ!"...
Đừng để cái miệng vô kỷ luật!
Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng thì tình hình sẽ ra sao? Thì áp-xe gan, xơ gan, hoặc tắc mật cũng dễ dẫn bạn về với ông bà!
Vậy thì làm sao mà tránh? Mới rồi chúng ta đọc báo thấy vệ sinh thực phẩm đang ở hồi "bầy nhầy" đến mức các bà nội trợ bảo: Đi chợ không biết mua gì. Gà vịt sợ H5N1; thịt heo ngại dính thuốc tăng trưởng rồi ông xã "teo" luôn "cái ấy"; cá nghi phân urê, hàn the; tôm lo dư lượng kháng sinh; đậu hũ chứa thạch cao xây dựng; nước tương chứa chất gây ung thư; rau được tưới phân 1 tuần trước khi thu hoạch, được phun thuốc trừ sâu trộn với dầu nhờn pha loãng tạo độ bóng… Và bây giờ là sán lá gan trong rau sống, gỏi cá! Chả hiểu các bác bên vệ sinh thực phẩm có định thả nổi miết để bà con "lãnh đủ" không? Từ năm 2000, các bác bên Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm đã dự kiến: Chi phí điều trị cho ngộ độc thực phẩm tiêu tốn chừng 500 tỉ đồng/năm. Qua 5 năm, số người "cùng nhau" ngộ độc đã tăng gần gấp 2 lần, mà sao chỉ thấy nhà báo đi săm soi, công bố? Còn môi sinh, vệ sinh thực phẩm hình như đã trở thành căn bệnh nan y chưa có phác đồ điều trị.
Trong khi chờ đợi rau sạch không có hồi kết, bà con nên ăn rau đã nấu chín, không ăn gỏi cá để tránh sán lá gan và các loại ký sinh trùng khác. Đây là cách "tự cứu" trước khi "Trời cứu", bởi Trời ở quá xa mà… chợ của ta lại quá gần, đừng để cái miệng vô kỷ luật mà hại cả cái thân vốn đã quá khốn khổ vì bị "an toàn thực phẩm" tấn công tứ phía!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận