Phóng to |
Con kênh dẫn vào trạm bơm bị sình lấp đầy, cạn khô nước - Ảnh: Q.Vinh |
Đến vùng dự án này, chúng tôi thấy người dân địa phương đang còng lưng giữa trời nắng oi bức dùng len đào khai thông dòng nước ngay trên tuyến kênh chính vốn đã bị bồi lắng hoàn toàn để dẫn nước mặn vào đồng muối.
Kênh cạn, trạm bơm chết
Đứng trên cầu Dân Quân nhìn cánh đồng muối đang hoang hóa, ông Châu Minh Nhựt (ấp Bờ Cảng, xã Điền Hải) nói: “Vụ muối vừa qua tôi bỏ hoang mấy công đất vì không thể đưa nước vào đồng do các tuyến kênh đều bị bồi lắng”. Ông Nhựt kể nhiều năm nay trạm bơm nước tại ấp Bờ Cảng được đầu tư bạc tỉ, kéo dây điện hạ thế nhưng không hoạt động ngày nào, hiện đang xuống cấp trầm trọng. Còn dòng kênh chính dẫn vào vùng dự án giờ chỉ là một khe nước nhỏ.
Theo kế hoạch, từ dốc cầu Dân Quân dẫn vào cánh đồng muối sẽ xây dựng một tuyến đường giao thông dài 2km có thảm nhựa, nhưng đơn vị thi công mới đắp đất nham nhở rồi rút đi. Không có đường thủy lẫn đường bộ, người dân chỉ còn biết ngắm nhìn muối... bốc hơi. Để xây dựng tuyến đường trên, đơn vị thi công mượn những chỗ trữ muối của dân để lấy đất đắp đường, sau khi đào bới lung tung thì không trả lại hiện trạng ban đầu cho dân khiến nhiều hộ không còn sân trữ muối.
Tại cánh đồng muối ở khu vực ấp Gò Cát, hai trạm bơm công suất lớn và một trạm biến thế điện nằm im lìm. Tuyến kênh dẫn vào miệng ống bơm nước khô trơ đáy, nứt nẻ, không có giọt nước nào. Gần đó, người dân dùng len khơi thông dòng chảy nhỏ xíu dẫn nước vào đồng. Tại khu vực đặt ba miệng hút nước, sình đã lấp đầy. Ông Nguyễn Trường Hận, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, cho biết nơi đặt ba miệng ống này sâu 2-3m, nhưng hiện sình đã lấp gần bằng ngang mặt đường.
Đặt trạm bơm cuối nguồn là thất bại
Dự án nói trên triển khai vào đầu năm 2008, gồm bốn hạng mục: nạo vét 11 tuyến kênh thủy lợi, xây ba trạm bơm nước, hai tuyến đường giao thông, hai trạm biến áp và đường dây cấp điện cho trạm bơm. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 31 tỉ đồng, do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư.
Ban đầu, dự án được giao Tổng công ty Muối Việt Nam đại diện chủ đầu tư. Khi dự án đang bước vào giai đoạn cuối thì tổng công ty này được sáp nhập, bàn giao cho Tổng công ty Lương thực miền Bắc quản lý. Từ năm 2008 đến nay, dự án bị đình trệ và hiện tại không còn người của ban quản lý dự án tại công trình.
Một cán bộ của huyện Đông Hải cho biết trước khi triển khai dự án này, diêm dân vẫn lấy nước vào kênh để sản xuất muối bình thường. Còn hiện tại do đặt trạm bơm ngay giữa dòng kênh và trạm bơm không hoạt động, kênh không được nạo vét nên người dân phải tốn thêm 1,5 triệu đồng/ha cho công cán, máy bơm, xăng dầu bơm nước vào đồng muối và công vận chuyển muối.
Theo ông Nguyễn Trường Hận, ban đầu người dân thấy lợi từ dự án nên sẵn sàng bàn giao mặt bằng trước, nhận tiền bồi thường sau. Song đến thời điểm này chỉ có một trong hai con đường giao thông xây dựng xong, đường còn lại đất lầy lội chưa được tráng nhựa mà đơn vị thi công đã bỏ đi. Trong 11 tuyến kênh có một tuyến không phù hợp nên chỉ thi công 10 tuyến với chiều dài hơn 14km.
Tuy nhiên, đến nay các tuyến kênh này đã bồi lắng gần hết nên khó dẫn nước vào đồng muối. Ông Hận bức xúc: “Dự án đã ngưng thi công gần một năm rưỡi qua, các trạm bơm đã hoàn thành từ cuối năm 2008 nhưng chưa hề được vận hành. Chính quyền địa phương đã góp ý không nên đặt trạm bơm ở cuối nguồn nhưng không được lắng nghe”.
Ông Bùi Minh Túy, phó chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết do dự án chưa hoàn thành, chưa bàn giao nên địa phương không thể đầu tư vào khu vực này. Để giúp dân, huyện đã kiến nghị mở thêm đường nước dẫn từ biển vào các trạm bơm, nạo vét kênh, khởi động trạm bơm... nhưng các đề nghị này cũng chưa được thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận