Khi động vật hát bài 'Xin còn gọi tên nhau'

TRỌNG NHÂN 11/10/2024 05:19 GMT+7

TTCT - Ngoài loài người thông minh Homo sapiens, số loài động vật cho thấy chúng có khả năng gọi nhau bằng tên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Danh sách mới nhất vừa bổ sung khỉ marmoset.

Khi động vật hát bài 'Xin còn gọi tên nhau' - Ảnh 1.

Bhumi và Bell, hai mẹ con khỉ marmoset. Ảnh: DAVID OMER

Marmoset (Callithrix jacchus), còn gọi là khỉ đuôi sóc, là một loài có tính xã hội cao, thường sống theo bầy đàn và duy trì liên lạc bằng những tiếng kêu the thé tương tự như âm phee.

Giữa hàng vạn tiếng phee trong đàn mỗi ngày lại có những tiếng giống nhau cứ lặp đi lặp lại khi những con khỉ giao tiếp với những con khác. Các nhà khoa học cho rằng đó có thể là cách chúng gọi tên nhau, và có vẻ như thế thật.

Giải mã một cái tên

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Science cuối tháng 8-2024, các nhà khoa học Đại học Hebrew (Israel) miêu tả đàn khỉ marmoset như biết dán một bảng tên bằng âm thanh cho nhau. Từ 10 con khỉ đuôi sóc thuộc ba nhóm họ hàng, các chuyên gia phân chia tổ hợp thành từng cặp hai con và cho chúng nói chuyện lần lượt qua màn hình điện thoại. Tổng cộng hơn 50.000 cuộc gọi đã được ghi lại.

Tai người tất nhiên không thể phân loại được những tiếng phee này. Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp "Rừng ngẫu nhiên" (Random Forest), một kỹ thuật học máy thống kê, phân loại nguồn âm thanh có được theo cường độ, quan sát cách các con khỉ phản ứng với các bản ghi âm của chúng và của cả những con khác.

Nhà thần kinh học David Omer, trưởng dự án, cho biết nhóm nhận thấy khỉ đuôi sóc đã thực hiện 16 cách điều chỉnh âm thanh tinh tế tùy theo con khỉ đối diện mà chúng đang nói chuyện, xen kẽ một số tiếng phee với thông số đặc trưng cho đối phương. Mỗi con khỉ đều phản ứng rất nhạy khi nghe thấy một tiếng phee riêng. Nhóm nghiên cứu cho rằng từng âm thanh đặc biệt ấy chính là tên của mỗi con khỉ.

Omer khẳng định: "Chúng tương tự tên ở người. Có một cấu trúc thời gian đặc trưng cho tiếng kêu của khỉ và những gì chúng tôi nhận thấy là khỉ đã tinh chỉnh tiếng kêu này để mã hóa một cá thể". Khá lý thú khi tên gọi của chúng thường phổ biến hơn với các thành viên trong gia đình.

Trường hợp không cá biệt

Phát hiện của nhóm nghiên cứu Đại học Hebrew làm dài thêm danh sách những động vật biết gọi tên nhau. Trước đó ít lâu, vào tháng 6-2024, Mickey Pardo - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Cornell (Mỹ) - cũng đã nhận thấy khả năng tương tự ở voi. 

CNN ghi nhận, Mickey Pardo dành 14 tháng ở Kenya, thu thập và tổng hợp ghi âm 469 cuộc gọi giữa voi cái và voi con hoang dã tại Công viên quốc gia Amboseli và Khu bảo tồn quốc gia Samburu và Buffalo Springs.

Từ kết quả phân tích máy tính, Pardo tìm thấy bằng chứng đàn voi sử dụng một loại tiếng "ầm ầm" mà tai người chỉ nghe thấy một phần nhằm thu hút sự chú ý của các con voi khác. Trong số những tiếng ầm ầm ấy, mỗi con sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn hoặc có những biểu hiện riêng như quẩy tai, nhấc vòi lên ở những loại riêng biệt. 

"Điều đó có nghĩa những con voi có thể biết liệu tiếng gọi đó có dành cho chúng hay không" - Pardo nói.

Khi động vật hát bài 'Xin còn gọi tên nhau' - Ảnh 2.

Ghi âm cách voi gọi nhau để nghiên cứu ở Kenya. Ảnh: GEORGE WITTEMYER/ĐẠI HỌC COLORADO

Ngược thời gian về năm 2013 trên tạp chí Science, Stephanie King, nhà sinh vật học biển tại Đại học St. Andrews (Scotland) và các đồng nghiệp thấy rằng mỗi con cá heo mũi chai đều có một tiếng huýt sáo "eeee" riêng nhằm báo động cho đồng loại. 

Nhưng sau khi phân tích âm thanh từ 250 con cá heo mũi chai hoang dã ghi lại được từ 1984 - 2009 ở vịnh Sarasota, Florida, nhóm nghiên cứu ngạc nhiên vì thấy cá heo biết nhại tiếng huýt sáo của nhau. Nhóm kết luận đây là một cách gọi nhau bằng âm thanh độc đáo, tiếng huýt sáo đặc trưng đóng vai trò như một loại tên riêng của cá heo.

Năm 2011, một nghiên cứu mới của Đại học Cornell (Mỹ) cho biết loài vẹt có khả năng bắt chước giọng nói và đã học cách gọi tên mình từ cha mẹ. 

Karl Berg, nghiên cứu sinh tiến sĩ lĩnh vực sinh học thần kinh và hành vi, cho biết sau khi phân tích những điểm tương đồng và khác biệt trong bản ghi âm kỹ thuật số của gần 5.000 tiếng kêu của từng con vẹt, kết quả chỉ ra rằng những tiếng kêu đặc trưng đã được tiếp thu về mặt xã hội. 

Có những tiếng kêu vẹt ba mẹ dành để gọi riêng cho chim con, sau này chim con lại dùng chính những tiếng kêu ấy, điều chỉnh một ít để gọi con cái của mình.

Có thể trông đợi gì tiếp theo?

Tạp chí MIT Technology Review cho rằng các nghiên cứu về khả năng gọi tên của động vật cung cấp thêm manh mối về nguồn gốc của ngôn ngữ loài người. Trong những năm qua, các nhà khoa học cho rằng ngôn ngữ loài người là duy nhất, còn động vật không có phần não và công cụ thích hợp để phát âm giao tiếp.

Tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy giả thuyết trên không đúng. Nhờ sự phát triển của học máy và trí tuệ nhân tạo (AI), bức tranh ngày càng sáng sủa hơn, đặc biệt khi việc sử dụng tên gọi đã được tìm thấy ở ít nhất bốn loài có quan hệ họ hàng xa giúp soi sáng thêm cho các nhà khoa học. "Đây là bằng chứng rất mạnh mẽ cho thấy sự tiến hóa của ngôn ngữ không phải là một sự kiện đơn lẻ" - Omer nói.

Dẫu vậy, vẫn quá sớm để kết luận loài vật có ngôn ngữ hay không. Pardo cho rằng một động vật biết gọi tên chưa hẳn tương đồng với một động vật có ngôn ngữ. Theo ông, ngôn ngữ thực sự có nghĩa là khả năng thảo luận về những điều đã xảy ra trong quá khứ hoặc xâu chuỗi những ý tưởng phức tạp hơn. 

Vì vậy, Pardo hy vọng sẽ xác định được tiếp theo liệu voi có âm thanh để gọi tên địa điểm hay không. Chẳng hạn khi muốn í ới nhau đến một vũng nước nào đó, voi liệu có biết mô hình hóa thành một âm thanh đặc trưng cho nơi đó hay không.

Tuy nhiên, nhiều nỗ lực trên quy mô lớn vẫn đang được tiếp tục nhằm giải mã xem liệu âm thanh của động vật còn mang thêm ý nghĩa nào nữa. Mọi nỗ lực đều có bóng dáng của công nghệ. 

Điển hình trong năm 2024, một nhóm dự án CETI - một sáng kiến quốc tế nhằm tìm hiểu giao tiếp âm thanh của cá nhà táng bằng cách sử dụng những tiến bộ trong AI - cũng phát hiện ra rằng các bài hát của cá nhà táng phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta từng biết.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được các yếu tố như nhịp điệu, nhịp độ, độ rung sẽ được cá nhà táng thay đổi tùy thuộc đối tượng trò chuyện. Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được 143 tổ hợp mà cá nhà táng thường sử dụng, tạo thành một "bảng chữ cái âm vị cá nhà táng". Hệ thống giao tiếp của cá nhà táng gợi ý rằng chúng có thể biểu đạt một tầng ý nghĩa rất rộng, tương tự như con người khi biểu đạt các sắc thái âm thanh.

Khi động vật hát bài 'Xin còn gọi tên nhau' - Ảnh 3.

Trở lại với nhóm nghiên cứu khỉ đuôi sóc của Đại học Hebrew, nhóm cho biết họ sẽ thử nghiệm các mô hình AI mới nhất trong các thí nghiệm tiếp theo. Omer và các đồng nghiệp sẽ đặt micro trong không gian sống của những con khỉ được nuôi trong phòng thí nghiệm để ghi lại mọi lời đàn khỉ nói ra trong suốt 24 giờ. AI và học máy sẽ đóng vai trò quan trọng giúp các chuyên gia phân tích.

Omer nói toàn bộ âm thanh của khỉ marmoset sẽ được sử dụng để đào tạo một mô hình ngôn ngữ lớn dành cho khỉ. Về mặt lý thuyết, mô hình này có khả năng thực hiện một cuộc gọi hoàn chỉnh với một con khỉ trong thực tế, từ lúc bắt đầu đến kết thúc, hoặc có thể dự đoán và trả lời những câu hỏi phức tạp.

Nhưng liệu một mô hình ngôn ngữ của loài linh trưởng như thế có thực sự hiệu quả hay chỉ phee phee một cách vô nghĩa? Chỉ có những con khỉ mới có thể chắc chắn. "Tôi không mơ tưởng viển vông rằng chúng sẽ nói về triết gia Nietzsche. Tôi không mong mô hình sẽ phức tạp như con người, nhưng tôi kỳ vọng (mô hình này) sẽ giúp con người hiểu được đôi điều về cách ngôn ngữ của chính chúng ta phát triển" - Omer nói.

Earth Species Project (Dự án loài Trái đất, ESP) là tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận chuyên giải mã "ngôn ngữ" giao tiếp không phải của con người. ESP tin rằng sự bùng nổ gần đây của AI và các công nghệ âm thanh sinh học mới có thể giúp mở rộng đáng kể sự hiểu biết về âm thanh của các loài khác. "Âm thanh là một dạng năng lượng phổ biến và giao tiếp qua âm thanh là phổ biến trên cây sự sống" - tiến sĩ Karen Bakker, một thành viên dự án, nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận