Khi điền kinh chỉ có chạy

HUY ĐĂNG 18/04/2025 15:46 GMT+7

TTCT - "Tôi có thể cứu chạy đua, nhưng không thể cứu điền kinh" - Michael Johnson, nhà cựu vô địch Olympic, đưa ra tuyên bố trước khi Grand Slam Track ra đời.

Giải đấu Grand Slam Track đầu tiên vừa diễn ra vào hồi tuần rồi tại Jamaica, và chặng thứ hai sẽ tiếp nối vào đầu tháng 5 tới tại Mỹ.

Bỏ "field", giữ "track"

Grand Slam Track là gì? Đó là hệ thống giải "siêu chạy bộ" được thành lập bởi Michael Johnson - người từng giành 4 HCV Olympic ở các nội dung đua tốc độ thập niên 1990. Ý tưởng thành lập Grand Slam Track có thể so sánh với hệ thống Chess 360 (cờ ngẫu nhiên) của vua cờ Magnus Carlsen, khi anh đối đầu với FIDE (Liên đoàn Cờ vua thế giới).

thể thao  điền kinh - Ảnh 1.

Grand Slam Track quy tụ nhiều nhà vô địch Olympic, như trong ảnh là Gabrielle Thomas (Mỹ, giữa), HCV 200m nữ tại Olympic 2024. Ảnh: REUTERS

Một siêu sao đứng ra tạo cuộc cách mạng về giải đấu, đồng thời cũng là cách mạng về tài trợ và tiền thưởng, nhằm tạo nên sự mới mẻ. Chuyện ấy, trong khoảng 5 năm trở lại đây, làng thể thao đã thấy khá nhiều, từ cờ vua (Chess 360) cho đến bóng đá (Super League).

Điểm khác biệt giữa Grand Slam Track và giải cờ Chess 360 là thái độ từ phía liên đoàn. Nếu FIDE và Carlsen ở vào thế nước lửa, Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) lại khá hòa hợp với Johnson. Dù Grand Slam Track không thuộc IAAF, chủ tịch Sebastian Coe của IAAF vẫn lên tiếng ủng hộ hệ thống giải đấu này.

Nhưng không phải là không có tranh cãi. Ông Patrick Magyar, giám đốc điều hành của giải chạy Diamond League, đã chỉ trích Johnson suốt từ năm ngoái đến nay, vì "ý tưởng này thật tẻ nhạt và mất tính nhân văn". 

Vì sao ông Magyar lại nói vậy? Vì ở Grand Slam Track chỉ có duy nhất nhóm các nội dung chạy, trải dài từ cự ly 100m đến 5.000m. Một số nội dung chạy đường dài như 10.000m hay marathon, đi bộ cũng bị loại bỏ.

Điền kinh, tức bao gồm "điền" - các môn chơi "ngoài đồng" như nhảy cao, nhảy xà, ném lao, ném tạ…, và "kinh" - tức các môn diễn ra ở đường chạy bao quanh đó, cơ bản là những nội dung chạy. (Trong tiếng Anh cũng tương ứng là "track & field", "field" cũng là "điền", và "track" là "kinh").

Vì sao Johnson lại bỏ "điền" khỏi hệ thống giải của mình. Ông không đưa ra giải thích rõ ràng, với phát biểu như sau: 

"Tôi có thể cứu môn chạy bộ, nhưng không thể cứu toàn bộ môn điền kinh. Người ta đặt toàn bộ vào làm một ở giải thế giới và Olympic. Nhưng ở đây, chúng tôi đang cố gắng tạo ra một sự kiện thể thao đỉnh cao nằm ngoài những giải đấu thế giới. Tôi không nghĩ đặt cả hai vào cùng nhau sẽ hiệu quả".

Khi Johnson phát biểu như vậy, thật khó chỉ trích ông. Một đơn vị tư nhân không có nhiệm vụ phải đảm bảo tính toàn vẹn cho cuộc chơi. Và thật ra ai cũng hiểu lý do cựu ngôi sao người Mỹ gạt bỏ phần "điền". Trong điền kinh, những nội dung chạy đua tốc độ vẫn là "ăn khách" nhất. Bản thân tên giải đấu đã nói lên tôn chỉ của nó.

Khi điền kinh chỉ có chạy - Ảnh 2.

Michael Johnson. Ảnh: Grand Slam Track

Cuộc cách mạng lớn

Grand Slam Track trong năm đầu tiên tổ chức chia làm 4 chặng. Chặng đầu tiên ở Jamaica, đã diễn ra hồi đầu tháng 4. Ba chặng sau đều diễn ra tại Mỹ, bao gồm Miami (tháng 5), Philadelphia (cuối tháng 5) và Los Angeles (tháng 7).

Không chỉ gạt bỏ những nội dung thi đấu ngoài sân bãi, Grand Slam Track còn có những thay đổi rất lớn về cách thức tuyển chọn VĐV. Giải có tổng cộng 6 nội dung (cho mỗi hạng mục nam, nữ), mỗi nội dung lại bao gồm hai cuộc đấu, và người được trao HCV sẽ là người có tổng điểm cao nhất của hai cuộc đấu.

Ví dụ như ở nội dung đua tốc độ ngắn, bao gồm 2 cự ly 100m và 200m, còn nội dung tốc độ dài bao gồm 2 cự ly 200m và 400m… 

Một trải nghiệm hoàn toàn khác khi người không về đích sớm nhất ở bất kỳ cự ly nào vẫn có thể giành HCV. Các chân chạy sau khi về đích còn phải căng thẳng chờ đợi bảng điểm, thay vì dang rộng tay ăn mừng như trước (trừ trường hợp về đích sớm nhất cả hai cự ly).

Khâu tuyển chọn VĐV lại càng thú vị hơn. Mỗi nội dung ban tổ chức giải sẽ mời đúng 8 VĐV tham dự, với 4 người là những ngôi sao tên tuổi, và 4 người còn lại là VĐV trẻ. 

"Những ngôi sao trẻ cần có thêm cơ hội thi đấu ở những giải đấu lớn, cơ hội đua tranh với các ngôi sao. Tôi tin nếu họ có thể đối đầu nhau hàng tháng, những ngôi sao trẻ sẽ sớm cải thiện về tinh thần, về cảm giác thi đấu", Johnson nói.

Ví dụ điển hình là Terrence Jones, chân chạy tốc độ người Bahamas. Jones nhận học bổng của Đại học Texas và thành tích của anh đơn giản chỉ gói gọn trong hệ thống giải sinh viên Mỹ NCAA.

Nhưng Jones đã về đích thứ 6 ở đường chạy 100m tại Grand Slam Track, trước cả ngôi sao Fred Kerley (HCB Olympic). Ở đường đua tốc độ nữ, một cô sinh viên Mỹ khác là Jacious Sears thậm chí còn giành HCĐ, kèm theo món tiền thưởng 30.000 USD.

Cuối cùng, tiền thưởng chính là yếu tố khác biệt nhất ở Grand Slam Track. Những người về chót vẫn có thể nhận 10.000 USD - tương đương mức thưởng dành cho tấm HCV ở Diamond League. Còn người vô địch có thể nhận đến 100.000 USD. Và có đến 4 giải đấu trong năm, với số lượng hứa hẹn sẽ tăng nhiều trong tương lai.

"Hầu hết những VĐV điền kinh chúng tôi không có mức lương cơ bản. Thu nhập chính của mọi người là quảng cáo đến từ các hãng giày, và hợp đồng chỉ có một thời hạn nhất định. Grand Slam Track hứa hẹn về một khoản thu nhập cố định, đặc biệt là dành cho những VĐV trẻ". 

"Tất nhiên những ngôi sao luôn dễ dàng tìm được tài trợ, nhưng trên hành trình đi lên thực sự không dễ dàng vì bạn phải kiếm sống" - Grant Fisher, người vừa giành HCV nội dung cự ly dài ở giải Grand Slam Track đầu tiên, chia sẻ.

Johnson và ban tổ chức đã chọn giải đấu đầu tiên ở Jamaica - thánh địa của làng điền kinh tốc độ. Hiệu ứng của giải đấu chưa thực sự như mong đợi, khi một số ngôi sao hàng đầu từ chối tham dự, có thể vì những ràng buộc chồng chéo, đối đầu giữa các thương hiệu tài trợ, dẫn đến các khán đài cũng không thực sự sôi động.

Nhưng theo phân tích của giới chuyên gia, đây không phải vấn đề với Grand Slam Track. Giải đấu do chân chạy huyền thoại Johnson tổ chức đã đạt được thỏa thuận phát sóng trên 189 quốc gia, một bước đột phá thực sự với môn điền kinh. 

Đây cũng là chiến lược khác hẳn với Diamond League (chỉ phát trên 1 kênh ở Mỹ), và là lý do vì sao Grand Slam Track chỉ hướng đến nội dung chạy bộ, thay vì toàn bộ các môn điền kinh.

Dù sao trong điền kinh, các nội dung chạy đua vẫn dễ theo dõi hơn, dễ mang đến những cảm xúc nín thở, hồi hộp, chờ đợi hơn. Grand Slam Track tạo ra góc tiếp cận mới cho người hâm mộ với điền kinh, đó là theo dõi qua màn hình, và không cần phải đợi mỗi 2 năm hay 4 năm, để chứng kiến những cuộc đua hàng đầu thế giới.■

Các ngôi sao háo hức

Dù không thể quy tụ toàn bộ các siêu sao của làng điền kinh, Grand Slam Track vẫn ký được hợp đồng với đông đảo những nhà vô địch Olympic, đáng kể có những cái tên như Gabrielle Thomas (3 HCV chạy cự ly ngắn ở Olympic 2024), Melissa Jefferson-Wooden (1 HCV Olympic 2024), Kenny Bednarek (á quân cự ly ngắn 2 kỳ Olympic liên tiếp)… Johnson thì hứa hẹn Grand Slam Track sẽ càng hứa hẹn mở rộng trong những năm sau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận