Ở đây có mấy ý đáng nói. Thứ nhất, chùa Chân Long là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, được công nhận từ năm 1991. Như chúng ta biết, một di tích lịch sử quốc gia được công nhận chịu sự ràng buộc của Luật di sản và hàng chục thông tư, nghị định, chỉ thị về công tác bảo tồn. Song song với điều đó, còn có sự giám sát của các cơ quan chức năng địa phương, cấp tỉnh thành và trung ương. Nhưng việc tùy tiện thay đổi cấu trúc thờ tự cũng như xây thêm các công trình phụ đã diễn ra một cách êm xuôi từ mấy năm trước. Phải đến lúc xảy ra sự việc một số người dân khiêng tượng xuống, đưa ra khỏi chùa, kéo quanh chợ..., rồi hình ảnh, video clip của sự việc được tung lên mạng, được báo chí dẫn lại, mọi người và cơ quan chức năng mới biết tới những sai phạm từng xảy ra ở đây. Một di tích ở ngay Hà Nội còn như thế, liệu hiện trạng của các di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia khác đang như thế nào?
Thứ hai, nhân sự việc ở chùa Chân Long, xin nói về nhận thức trong việc bảo tồn các di tích kiến trúc, văn hóa - lịch sử ở nước ta, đặc biệt là ở các di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều bài học đau xót đã xảy ra ở nhiều đình chùa khi người trực tiếp trông coi vì không nhận thức đủ về giá trị văn hóa, không có tri thức về việc bảo tồn, đã có những quyết định vô tình làm biến dạng cấu trúc tín ngưỡng, thẩm mỹ của những di tích đặc thù.
Thêm một điều nữa, trong thực tế các di tích văn hóa - lịch sử là chùa - như trường hợp chùa Chân Long - được duy trì như một cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo với sinh hoạt sống động, trong đó người trụ trì được Giáo hội Phật giáo VN tỉnh, thành phố bổ nhiệm. Nhận thức của người trụ trì có ảnh hưởng, nếu không nói là quyết định đến việc bảo tồn di tích. Di tích thì do các cơ quan chức năng nhà nước quản lý, còn con người có ảnh hưởng thực tế và trực tiếp đến việc bảo tồn di tích thì do tổ chức tôn giáo quản lý. Nên số phận của di tích coi như bơ vơ giữa dòng khi mà ở bên kia bờ là các cơ quan nhà nước, còn tổ chức tôn giáo thì ở bên này bờ. Giữa đôi bờ chưa có con quạ nào nỗ lực bắc chiếc cầu Ô Thước.
Một cách khách quan, những sự việc trên đã vô tình đưa đến tình trạng phá hoại văn hóa. Không thể nói rằng việc tùy tiện trong bảo tồn các di tích chùa chiền là vấn đề nội bộ, không gây phương hại đến văn hóa dân tộc. Văn hóa vốn không biên giới, vượt lên cả tôn giáo. Nếu người ta xem vỏ bọc màu xanh của Trái đất và các hệ sinh thái là tuyệt đối phải được bảo vệ nhằm cứu vãn sự sống của loài người thì di sản văn hóa là những gì cần phải được gìn giữ và duy trì nhằm cứu vớt linh hồn con người. Ý tưởng này của hai học giả Aurelio Peccei và Daisaku*, thiết nghĩ, vẫn rất đáng cho chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của việc bảo tồn các di sản văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
__________
* Aurelio Peccei&Daisaku Ikeda, Before It is too late, tr 41, Kodansha International LDT, Tokyo, New York, 1984.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận