18/06/2020 08:53 GMT+7

Khi đề thi là một… bản độc tấu

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Có những bài kiểm tra 'không giấy trắng, mực đen' nhưng nhiều ý nghĩa và đánh giá được đầy đủ hơn năng lực, thái độ, hành vi của mỗi học sinh.

Khi đề thi là một… bản độc tấu - Ảnh 1.

Học sinh Trường phổ thông liên cấp Olympia Hà Nội “làm bài kiểm tra” môn âm nhạc - Ảnh: THANH PHÚC

Đây là hướng đổi mới đang được Bộ GD-ĐT khuyến khích trong đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên.

Sáng tạo hơn một đề kiểm tra

Mỗi học sinh có thể tự chọn một nhạc cụ dân tộc, trống hay piano để trình diễn trọn vẹn một bản độc tấu. Đó là "đề kiểm tra" môn âm nhạc của học sinh lớp 6 Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội). Cô Nguyễn Hải Yến, giáo viên âm nhạc của trường này, đã ngạc nhiên khi ngồi "chấm bài" dưới hàng ghế khán giả.

"Âm nhạc không chỉ rèn kỹ năng cảm âm, bổ trợ khả năng tư duy theo đuổi con đường chuyên nghiệp mà còn giúp học sinh tự tin, có cơ hội bộc lộ cá tính, đam mê. Điều đó khó có thể thể hiện chỉ qua một bài kiểm tra trên giấy trong lớp học. Và thực tế cho thấy học sinh của tôi đã làm rất tốt" - cô Hải Yến chia sẻ.

Cũng trường này, học sinh khối 10 đã tiếp cận mô phỏng Liên Hiệp Quốc (MUN) như một hình thức kiểm tra cho môn tiếng Anh. Học sinh có thể "đóng vai" chính khách để ngồi vào bàn tọa đàm về những vấn đề mà lứa tuổi 15 quan tâm.

Theo lãnh đạo nhà trường, tùy theo từng đối tượng học sinh, đặc thù môn học, có thể thực hiện ý tưởng về các "bài kiểm tra" khác nhau vượt ra ngoài phạm vi "giấy, mực" và 4 bức tường lớp học. Ví dụ các cuộc thi Tedtalk, Talent Show, mô phỏng hội thảo, tái hiện công trình, trận chiến trong lịch sử bằng mô hình, tổ chức triển lãm, báo cáo sản phẩm môn văn học qua sân khấu kịch...

Một trường khác ở khu vực khó khăn là Trường THCS Quang Trung (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) đã có vài năm triển khai những hình thức kiểm tra đánh giá học sinh tương ứng với đổi mới cách thức dạy học.

Theo thầy Văn Đức Phương - hiệu trưởng trường này, nhiều đầu điểm kiểm tra nằm trong quy định đã được nhà trường thực hiện mềm dẻo qua việc chấm điểm các sản phẩm nghiên cứu, dự án học tập, thực hành của học sinh.

Tuy nhiên, để tránh việc "cảm tính, tùy tiện", hiệu trưởng cụ thể hóa quy định của Bộ GD-ĐT bằng các nội dung cụ thể, rõ ràng, minh bạch.

Ví dụ quy định khung điểm đối với các dự án nghiên cứu, học tập của học sinh, trong đó quy định mức điểm cụ thể của mỗi thành viên trong nhóm nghiên cứu, thực hiện dự án tương ứng với vị trí, vai trò, sự đóng góp thực tế của mỗi học sinh.

Tăng nhận xét

Thay đổi việc kiểm tra đánh giá ở một số nhà trường cũng thực hiện theo hướng "tăng nhận xét" thay vì chỉ chăm chăm cho điểm.

Cô Nguyễn Thị Anh Lương - Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ - cho biết: "Việc đánh giá bằng nhận xét có một phần nào đó làm tăng công việc của giáo viên, nhưng cái đó thực sự cần thiết.

Ở Trường Lý Tự Trọng trước đây đã thực hiện điều này, tức là không chính thức nhưng yêu cầu mỗi giáo viên khi trả bài kiểm tra cho học sinh đều phải có nhận xét tại sao sai, sai chỗ nào, kể cả môn xã hội và tự nhiên.

Với yêu cầu mới, giáo viên sẽ tăng công việc lên, nhưng bù vào đó học sinh sẽ tiếp nhận được thông tin giáo viên là cần điều chỉnh cái gì. Cái đích cuối cùng là giúp học sinh tiến bộ".

Thầy Nguyễn Anh Minh - Trường THPT Trường Chinh, Q.12, TP.HCM - nhấn mạnh những lời nhận xét đánh giá cũng là hành trang để học sinh hòa nhập xã hội, để học sinh biết năng lực của mình là gì, mình mạnh ở điểm nào, yếu ở chỗ nào.

"Đánh giá định kỳ cần hạn chế số lượng đầu điểm để giảm áp lực cho học sinh. Việc đánh giá thường xuyên thực hiện với các hình thức đa dạng sẽ giúp học sinh thành con người hoàn thiện hơn khi rời mái trường trong cảm giác nhẹ nhõm, hạnh phúc hơn" - thầy Minh bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, cả thầy Minh và cô Lương đều cho rằng để việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh thực sự đi vào nhà trường phổ thông một cách rộng rãi thì phải quán triệt tinh thần đổi mới tới các sở chủ quản (sở GD-ĐT). Vì dù trong các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cho phép nhưng các nhà trường vẫn bị vướng mắc bởi sự bó buộc điểm số của các sở GD-ĐT.

Tinh thần đổi mới phải được đưa vào các văn bản pháp quy mới tạo được thay đổi mạnh mẽ trên cả hệ thống.

Điều chỉnh dần dần

Hiện nay, việc đánh giá học sinh trung học vẫn áp dụng theo thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ban hành cách đây gần 10 năm, càng ngày càng bộc lộ những bất cập, nhất là khi giáo dục phổ thông đang cố gắng chuyển dần tiệm cận với tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD-ĐT đang dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư 58 về đánh giá, xếp loại học sinh trung học. Sở dĩ bộ chưa ban hành thông tư mới thay thế là vì trong những năm học tới, song song thực hiện cả chương trình mới và chương trình cũ (hiện hành).

Tình huống này đòi hỏi các quy định về chuyên môn cũng điều chỉnh dần dần, tiệm cận với mục tiêu đổi mới giáo dục.

Chia sẻ cụ thể về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học sẽ ban hành thời gian tới, TS Sái Công Hồng - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết việc đổi mới kiểm tra đánh giá tới đây sẽ thực hiện theo hướng tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số:

"Đánh giá bằng nhận xét không thực hiện chung chung, mà đánh giá sự tiến bộ của người học về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của học sinh".

Theo hướng này, những hình thức kiểm tra đánh giá đa dạng sẽ được khuyến khích như hỏi đáp, viết, thuyết trình, đánh giá qua sản phẩm học tập, hoạt động trải nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học...

Đánh giá thông qua sản phẩm

Ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) trong thiết kế nội dung giáo dục mỗi năm học, từng lớp học đều có các tuần trải nghiệm. Học sinh được tổ chức theo nhóm trải nghiệm, nghiên cứu, thực hành tạo các sản phẩm học tập khác nhau.

Ngoài ra, trong mỗi môn học, giáo viên cũng được phép sáng tạo các hình thức kiểm tra. Thay vì ra đề, kiểm tra trên giấy, học sinh có một quá trình triển khai các đề tài, sản phẩm.

Ví dụ ươm mầm cây, sản phẩm là mầm cây đó, cộng với phần thuyết trình của mỗi nhóm học sinh được chấm điểm thay bài kiểm tra một tiết.

Học sinh làm kiểm tra với đề Học sinh làm kiểm tra với đề 'tôi là ai ở tuổi 25'

TTO - 'Tưởng tượng mình là ai và ước mơ tuổi 25' là nội dung một tiết kiểm tra giáo dục công dân của lớp 11A7 Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, TP.HCM. Rất nhiều ước mơ đẹp đẽ, giản đơn, cả ước mơ đặc biệt được học sinh viết ra.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên