Khi dân Trung Quốc đổ xô mua vàng

T.T.NGUYỄN 12/05/2024 10:10 GMT+7

TTCT - Có cảm giác là hiện cả nước Trung Quốc đổ đi mua vàng.

Ảnh: China Daily

Ảnh: China Daily

Những ai thường xuyên xem lịch sử hay phim cổ trang Trung Quốc thì thấy vàng có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc như thế nào. Người được coi là giàu có là người có nhiều vàng trong nhà. 

Khi nền kinh tế Mỹ trở nên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, vàng mất sức hấp dẫn, việc tích trữ USD dần trở thành một thói quen mới cả để phòng thân và đầu tư, vì đồng tiền này có tính thanh khoản cao và ổn định về giá trị.

Tuy nhiên, truyền thống coi vàng như công cụ tiết kiệm không mất đi ở Trung Quốc. Những năm gần đây, truyền thống này còn có xu hướng hồi sinh mạnh mẽ, kéo giá vàng thế giới tăng tốc theo. 

Vài năm qua, người Trung Quốc đã tích lũy vàng với tốc độ chóng mặt. Trong khi nước này hiếm khi thông tin về hoạt động mua vàng, các nhà phân tích ước tính Trung Quốc đã mua vàng với tốc độ kỷ lục. 

Việc giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại, trên 2.400 USD/ounce (1 ounce = 0,83 lượng) vào tháng 4 vừa rồi đã gây nhiều chú ý, nhất là ở các quốc gia có văn hóa coi vàng là phương thức dự trữ. Kết quả là giá vàng ở Việt Nam cũng nhảy múa theo.

Vượt qua Ấn Độ

Mấy năm gần đây, Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đông dân nhất châu Á và thế giới, thường tranh giành vị trí quốc gia mua vàng nhiều nhất thế giới. 

Năm ngoái, Trung Quốc bỏ xa Ấn Độ khi mức tiêu thụ vàng trang sức và vàng miếng của họ tăng lên mức kỷ lục: 630 tấn vào năm 2023. Con số này của Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng thứ hai thế giới, là 562 tấn. 

Nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc tăng 10%, trong khi Ấn Độ giảm 6%. Còn đầu tư vào vàng miếng và vàng xu của Trung Quốc đã tăng tới 28%.

Có cảm giác là hiện cả nước Trung Quốc đổ đi mua vàng. Tổ chức mua vàng lớn nhất chính là ngân hàng trung ương nước này, tức Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), với dự trữ vàng đang ở mức kỷ lục. Còn người dân thì đang đổ xô mua vàng trang sức. 

Hãng chứng khoán thì đổ tiền vào cổ phiếu các công ty khai thác vàng và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) gắn với giá vàng.

Ảnh: The Gold Observer

Ảnh: The Gold Observer

Nhà phân tích thị trường cấp cao của Hội đồng Vàng thế giới Louise Street nói với tờ Financial Times: "Trung Quốc là chìa khóa cho rất nhiều điều đã xảy ra trong năm ngoái". Có nhiều lý do giải thích cho việc người Trung Quốc coi vàng là nơi cất giữ tài sản an toàn. 

Với PBOC, quyết định tăng mạnh dự trữ vàng được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm mong muốn đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, phòng ngừa lạm phát, tăng cường vai trò quốc tế của đồng nhân dân tệ, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ vàng trong nước khi căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung lên cao và xung đột nổ ra ở nhiều nơi.

Lý do của nhà nước

Đa dạng hóa dự trữ ngoại hối đang là nhu cầu của nhiều quốc gia, và càng là quan trọng với Trung Quốc. Phụ thuộc quá mức vào bất kỳ loại tiền tệ nào cũng sẽ khiến một quốc gia gặp nhiều rủi ro, bao gồm biến động tỉ giá và nguy cơ bị trừng phạt kinh tế. 

Là nước nắm giữ dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, Trung Quốc từng phụ thuộc rất nhiều vào đồng đô la Mỹ. Khoảng 60% trong lượng dự trữ ngoại hối tương đương 3.200 tỉ USD của nước này là bằng đô la Mỹ.

Những gì xảy ra với Nga thời gian qua cho thấy các đối thủ của Mỹ có thể bị tổn thương ra sao nếu quá phụ thuộc vào đồng đô la. 

Chính quyền Mỹ đã lợi dụng sự phổ biến của đồng bạc xanh để áp đặt lệnh trừng phạt với nhiều nước. Động thái tích lũy vàng của Trung Quốc, do đó, có tính chiến lược, là một phương tiện phòng ngừa cho hệ thống tài chính của họ.

Đây cũng là xu hướng chung ở nhiều nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Một lý do khác để chính quyền Trung Quốc tích lũy vàng là phòng ngừa lạm phát. Vàng là công cụ có tính thanh khoản cao, lưu trữ giá trị và chống lạm phát tốt, do nguồn cung hữu hạn và lịch sử dài đã được khẳng định của nó. 

Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 và các chính quyền khắp thế giới thực hiện nhiều chính sách tiền tệ mở rộng nhằm kích thích kinh tế, lạm phát đã trở thành thực tế ở nhiều nước. 

Bằng cách tăng tích lũy vàng, Trung Quốc bảo vệ giá trị dự trữ ngoại hối khỏi tác động xói mòn do lạm phát này. Chính sách này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh lạm phát đã tăng mạnh ở Mỹ khoảng hai năm qua.

Ảnh: Mining Technology

Ảnh: Mining Technology

Thứ ba, bằng cách hỗ trợ đồng nhân dân tệ với lượng vàng dự trữ đáng kể, Trung Quốc đặt mục tiêu củng cố niềm tin vào đồng tiền của họ, không chỉ với dân chúng trong nước, mà còn để khuyến khích các quốc gia khác sử dụng đồng tiền này nhiều hơn trong giao dịch tài chính và thương mại quốc tế. 

Kết quả là theo dữ liệu từ WGC, riêng PBOC đã mua 225 tấn vàng vào năm 2023, nâng tổng lượng vàng dự trữ của Trung Quốc lên 2.235 tấn.

Lý do của nhà đầu tư

Còn với người tiêu dùng cá nhân, vàng trở lại ngôi vương vì các kênh đầu tư hàng đầu khác ở Trung Quốc như bất động sản và chứng khoán mất sức hút trong thời gian qua. 

Từng được coi là tài sản an toàn, bất động sản giờ đang lao dốc và không biết khi nào mới dừng lại. Quyết định của chính phủ không cứu thị trường nhà ở đã khiến cả doanh số và số lượng nhà mới xây giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Thị trường chứng khoán cũng sụt giảm liên tục, khiến các nhà đầu tư đã thua lỗ ước tính 6.300 tỉ USD chỉ trong ba năm qua. 

Dòng tiền đầu tư do đó đổ xô sang vàng. Do Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy ra ngoài, các nhà đầu tư Trung Quốc không có nhiều lựa chọn cất giữ tài sản trong bối cảnh hiện giờ, và vàng ngày càng tỏa sáng. Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho biết lượng tiêu thụ vàng ở nước này đã tăng 5,94% so với một năm trước, lên 309 tấn chỉ trong quý 1-2024.

Với các nhà đầu tư, vàng có thể giúp phân tán rủi ro trong danh mục đầu tư, và giúp đảm bảo ổn định tài chính trong bối cảnh biến động tiền tệ. Họ coi vàng như một kênh phòng ngừa nguy cơ mất giá của đồng nhân dân tệ. 

Nhu cầu vàng cao bất thường đặc biệt thấy rõ trong đợt tăng giá gần đây - mức chênh lệch giá vàng giao dịch ở Thượng Hải so với London, thường dao động ở khoảng 10 USD/ounce suốt 10 năm qua, đã có lúc vọt lên 50 USD/ounce trong quý 3-2023.

Ảnh: scmp.com

Ảnh: scmp.com

Shaokai Fan, giám đốc toàn cầu về mảng ngân hàng trung ương của WGC, nói: 

"Các nhà đầu tư Trung Quốc lo lắng về tương lai của các loại tài sản khác và họ đang chuyển sang vàng để bảo vệ danh mục đầu tư của mình. Vàng thực sự đã cho lợi nhuận tốt nếu so với đồng nhân dân tệ và rất tốt so với các loại tài sản khác ở Trung Quốc".

Làn sóng mua vàng của Trung Quốc cũng gây tác động lớn với kinh tế toàn cầu do Trung Quốc vừa là nước tiêu thụ, đồng thời cũng là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới. 

Bằng cách mua vàng, Chính phủ Trung Quốc có thể hỗ trợ ngành khai thác vàng trong nước, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vàng nội địa và thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến vàng. 

Giá vàng cao hơn trên toàn cầu có thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất vàng Trung Quốc và các ngành liên quan. Bằng cách tăng tích lũy dự trữ vàng, Chính phủ Trung Quốc không chỉ thể hiện niềm tin vào kim loại quý này, mà còn làm gương cho người dân noi theo.■

Căng thẳng địa chính trị ngày càng tồi tệ, bao gồm xung đột ở Ukraine và Trung Đông, cũng như những lo lắng về nền kinh tế, triển vọng lãi suất của Mỹ thấp hơn, tất cả đều dẫn đến quyết định coi vàng là một khoản đầu tư hấp dẫn từ góc độ đầu tư dài hạn.

Khó trách được dân chúng đổ xô đi mua vàng, bất chấp những biến động giá ngắn hạn nhiều khi khá đột ngột, khi chính các ngân hàng trung ương đang phát đi thông điệp coi vàng như khoản đầu tư dài hạn đáng tin cậy.

Theo WGC, nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang cân nhắc theo chân Trung Quốc bằng cách tăng dự trữ vàng trong những năm tới. Xu hướng này thường được cho là phản ánh sự chuyển dịch rộng lớn hơn khỏi đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ chính của thế giới.

Chiến lược tích lũy vàng của Trung Quốc, do đó, có nhiều ý nghĩa đối với thị trường tiền tệ toàn cầu, bao gồm nhu cầu vàng tăng, khả năng đồng đô la Mỹ suy yếu, và mối lo về tính bền vững của sản xuất vàng.

Khi người Trung Quốc tiếp tục mua vàng, điều quan trọng với các chính phủ và ngân hàng trung ương, cũng như nhà đầu tư trên toàn thế giới, là tiếp tục theo dõi hành động của nước này và điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận