Cộng tác viên ở trạm y tế xã Đông Thuận, huyện Thới Lai (Cần Thơ) phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh - Ảnh: T.Lũy |
Bác sĩ hỏi trước đó có triệu chứng gì không mà không đi điều trị thì câu trả lời từ phía người bệnh ở nông thôn là trước đó đôi lúc thấy mệt, thấy đau nhưng nghĩ bệnh thông thường nên tự đi mua thuốc hay đi chích thuốc gần nhà...
Nhiều người còn nói họ đâu nghĩ bệnh nặng mà phải đi bệnh viện cho tốn tiền!
Cần làm nhiều cách, thông qua nhiều kênh để lồng ghép những nội dung về chăm sóc sức khỏe chung, hướng dẫn người dân những dấu hiệu nhận biết các loại bệnh thường gặp, khi nào cần phải đến bệnh viện... |
Tiến sĩ NGUYỄN VĂN QUY (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ) |
Người dân cần được hướng dẫn
Công việc hướng dẫn người dân các kiến thức về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng hiện nay dựa vào mạng lưới y tế cơ sở: từ các cộng tác viên, tổ y tế ấp, trạm y tế xã phường...
Tuy nhiên, nhiều nơi người dân vẫn còn thiếu thông tin, kiến thức phổ thông về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Bà B.N. (một người dân ở ấp Trường Đông, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, Cần Thơ) kể: “Tui ít khi nào đi trạm y tế xã khám bệnh lắm vì ra đó mất thời gian. Khi nào đau bụng, nhức đầu là đi bác sĩ tư chích mũi thuốc hay vô chai nước biển cho khỏe rồi về”.
Ngày 12-10, khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân N.V.L. (63 tuổi, ở xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) do ngộ độc cá nóc.
Sau khi ông L. qua cơn nguy kịch, bác sĩ hỏi báo đài đã nhiều lần thông tin cá nóc ăn dễ gây ngộ độc ông có biết không, ông bảo: “Tôi chưa từng nghe nói ăn cá này bị ngộ độc vì không xem báo đài”. Trường hợp ông L. và bà N. nói trên là điển hình về việc thiếu thông tin về sức khỏe của người dân vùng sâu, vùng xa.
Chị Trương Thị Tuyết (hộ sinh trung học), đang công tác tại trạm y tế thị trấn Phong Điền (Cần Thơ), kể mấy tháng trước có bác sĩ đến trạm khám ung thư cổ tử cung cho phụ nữ, phát hiện bà L.T.Y (63 tuổi, ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền) bị ung thư cổ tử cung.
Ngay sau đó, chị cùng với cán bộ hội phụ nữ đến nhà vận động bệnh nhân đi Cần Thơ khám lại để điều trị. Chị còn đưa tiền của dự án “Phòng chống ung thư cổ tử cung” để hỗ trợ bà Y điều trị nhưng bà và gia đình vẫn từ chối không đi bệnh viện.
Bà Y nói với cán bộ y tế: “Tui sợ đụng dao kéo vào người sẽ mau chết, rồi nghe người ta nói điều trị ung thư tốn tiền nhiều lắm... nên không dám đi bệnh viện, ở nhà đi bốc thuốc nam uống”...
Kênh thông tin sức khỏe nào đến người dân
Hệ thống truyền thông giáo dục sức khỏe của ngành y tế hiện nay gồm có: trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tuyến tỉnh, thành phố, ở trung tâm y tế dự phòng quận (huyện) và bệnh viện có tổ truyền thông giáo dục sức khỏe, trạm y tế có cán bộ phụ trách truyền thông và góc giáo dục sức khỏe. Tài liệu tuyên truyền, tờ rơi về giáo dục sức khỏe được in và đưa theo hệ thống này, sau đó về tổ y tế ấp và cộng tác viên để đến tay người dân. |
Nhiều bác sĩ ở bệnh viện và cán bộ y tế cơ sở đều cho rằng hiện nay hiểu biết của người dân nông thôn về sức khỏe đã được cải thiện nhiều, nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp đâu đó ở vùng nông thôn những trường hợp đau lòng.
Các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ vẫn nhớ trường hợp bị viêm loét hậu môn do đắp “thuốc gia truyền” của lang băm.
Bệnh nhân là ông T.N.T. (82 tuổi, ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng viêm loét hậu môn, hư cơ vòng và đại tiện không tự chủ.
Người nhà cho biết ông bị tái phát bệnh trĩ gây khó khăn trong việc vệ sinh hằng ngày, nghe nhiều người nói có thầy lang ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) chuyên trị bệnh trĩ rất hay nên ông tìm đến để trị.
Tại nhà thầy lang này, ông được điều trị bằng cách đắp thuốc và cắt búi trĩ. Sau khoảng 15 ngày ăn ngủ luôn tại nhà lang băm ông được cho về nhà, nhưng chỉ hai ngày sau người nhà phải đưa ông đi bệnh viện cấp cứu.
Ông phải trải qua phẫu thuật đặt hậu môn tạm và chờ làm hậu môn nhân tạo khá phức tạp.
Chị Trần Thị Quế Lộc - phó trạm y tế xã Trường Long, huyện Phong Điền (Cần Thơ) - cho biết trạm đưa những kiến thức về sức khỏe cho người dân theo từng chủ đề tuyên truyền trong các chiến dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, truyền thông dân số kết hợp với khám phụ khoa cho phụ nữ...
“Những dịp này chúng tôi tư vấn và phát tờ rơi để tuyên truyền, nhưng để đạt được kết quả cũng vất vả lắm” - chị Lộc nói.
Chị Lộc nêu dẫn chứng khi vận động chị em ra trạm khám phụ khoa cũng rất khó khăn vì nhiều người ngại đi khám. Còn những người chịu đi khám nhưng lúc họ về không được phát quà hay phát thuốc là lần sau không đi khám nữa!
Theo chị Lộc, ngoài những chiến dịch phòng chống dịch bệnh theo chủ đề, công việc tuyên truyền và đưa kiến thức về y tế, sức khỏe đến với người dân nông thôn phần lớn dựa vào lực lượng y tế ấp và các cộng tác viên tình nguyện.
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thắng - giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Sở Y tế Cần Thơ, trong các chiến dịch tuyên truyền, ngành y tế thường in tờ rơi, băngrôn, apphich để treo hoặc phát nơi công cộng, băng đĩa để phát thanh.
Ngoài ra, thông qua các chương trình tọa đàm cộng đồng, kết hợp với hội người cao tuổi, hội nông dân, phụ nữ để nói về chủ đề sức khỏe; thông qua kênh tuyên truyền trong các trường học cho giáo viên và học sinh biết về các chủ đề phòng bệnh, dinh dưỡng...
Riêng việc in tài liệu hướng dẫn người dân về cách phát hiện các dấu hiệu bệnh thường gặp, khi nào cần đến bệnh viện thì chưa soạn được tài liệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận