Nhiều câu hỏi được đặt ra trước bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức về một lực lượng lao động tiềm năng ở thời điểm dân số vàng, nhất là khi đã đạt đến trăm triệu dân.
Định hướng, hỗ trợ giới trẻ gen Z, Alpha
Thạc sĩ Chu Thị Lê Anh - giảng viên Học viện Chính trị khu vực I - nhận định thế hệ gen Z có thể chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động vào năm 2025. Những bạn này sinh ra trong bối cảnh nở rộ làm việc từ xa, ở bất kỳ đâu nên biên giới thị trường lao động bị xóa mờ. Điều này rất khác so với thế hệ trước đây khi lao động thường gắn liền với văn phòng, nhà máy, công trường…
Theo bà Lê Anh, lao động gen Z, xa hơn là Alpha cần được hỗ trợ, định hướng, dẫn dắt từ người đi trước trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ, tìm việc phù hợp. Sinh viên nếu được học các chương trình có sự tham gia của doanh nghiệp, thực tập sớm tại công ty, nhà máy và có cam kết tuyển dụng sẽ giải quyết căn cơ vấn đề nhân lực.
Cũng vậy, lao động phổ thông nhiều ngành nghề sẽ đối mặt với nguy cơ bị đào thải, thay thế bởi máy móc tự động nên càng cần được hỗ trợ nâng cao trình độ, tìm việc, đào tạo nghề gắn với nhu cầu địa phương. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, Chính phủ cần hỗ trợ phát triển nhân lực ngành công nghệ thông tin, logistics, quản lý chuỗi cung ứng, khoa học dữ liệu…
Bà Nguyễn Thanh Hương - giám đốc nhân sự toàn quốc Manpower Group Việt Nam - cho biết đơn vị này có báo cáo đến năm 2025. Dự kiến trên 149 triệu việc làm kỹ thuật số mới được tạo ra trong lĩnh vực an ninh mạng phân tích dữ liệu, học máy và trí tuệ nhân tạo, dữ liệu đám mây, phát triển phần mềm...
Khoảng 50% tổng số nhân viên cần đào tạo lại khi việc áp dụng công nghệ ngày càng tăng. "Việc định hướng, chia sẻ, hỗ trợ bạn trẻ thế hệ Z, Alpha bổ sung ngoại ngữ, kỹ năng mềm như tư duy phản biện, giao tiếp, khả năng hợp tác cực kỳ quan trọng" - bà Hương phân tích.
Bà Hương khuyên lao động trẻ mới đi làm nên ưu tiên thu nạp kiến thức, kinh nghiệm thay vì quá chú trọng vào cấp bậc, thu nhập. "Đây là những yếu tố giúp các bạn phát triển cơ hội việc làm lâu dài, đặc biệt giữ được tính cạnh tranh trong thị trường lao động, nhất là nhóm lao động nước ngoài ngày càng đổ nhiều về Việt Nam trong bối cảnh thiếu hụt nhân tài chất lượng cao và cơ chế lao động mở cửa" - bà Hương nói.
Để dân số thực sự "vàng"!
Ông Đào Trọng Độ - vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) - nói gen Z sinh ra trong bối cảnh bùng nổ thông tin song không nhiều bạn đủ năng lực chắt lọc, áp dụng vào cuộc sống. Nên việc định hướng, tư vấn nghề cần được gia đình, nhà trường, chính quyền làm thường xuyên, từ sớm.
Các bạn phải biết kiến thức nghề, mục tiêu học tập, học xong có nơi làm việc ra sao. Hoặc nếu chọn về quê khởi nghiệp cũng cần gắn với sản phẩm, thế mạnh của địa phương chứ không phải thích gì làm nấy! Ông Độ cho rằng về lâu dài Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp lo việc làm đầu ra cho người học qua ưu đãi thuế, lãi suất ngân hàng.
Bà Chu Thị Lê Anh đánh giá sự chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghệ cao, công nghệ xanh của Việt Nam sẽ tạo ra nhiều việc làm đòi hỏi khả năng ngoại ngữ, kỹ năng số. Việc phân luồng hướng nghiệp cần song song với mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng mềm, kỷ luật, tác phong làm việc cho thế hệ lao động trẻ và rất cần sự tham gia của doanh nghiệp, cả tổ chức Đoàn.
"Các bạn trẻ gen Z, Alpha có tư duy vượt ra khỏi khuôn mẫu, không ngừng sáng tạo, muốn tự lập, tự khẳng định và gây dựng sự nghiệp riêng khá nhiều. Đây có thể là cơ hội vàng để Việt Nam đi tắt, đón đầu trong phát triển kinh tế. Chúng ta đã chứng kiến sự thành công của các đế chế tỉ đô của thế giới khởi phát từ đam mê của giới trẻ" - bà Lê Anh chia sẻ.
Nắm bắt cơ hội
Lê Quỳnh (26 tuổi), nhân viên công ty thời trang, so với đàn anh có nền tảng công nghệ tốt, dễ dàng tìm kiếm thông tin, học ngoại ngữ, tận dụng lợi ích từ mạng xã hội livestream bán hàng. Tuy nhiên cô bạn gen Z này tốn khá nhiều thời gian học chỉnh sửa ảnh, kỹ năng marketing, làm việc nhóm, viết báo cáo và kỳ vọng doanh nghiệp mở lớp nâng cao kỹ năng bán hàng, giao tiếp, giải tỏa stress vốn là điều nhiều bạn trẻ hiện gặp phải.
Còn Trần Trang (23 tuổi) du học ngành công nghệ thông tin tại Phần Lan. Trang tự nói thế hệ Z của mình có ngoại ngữ tốt, tư duy phản biện, thích ứng nhanh môi trường làm việc song e ngại học thạc sĩ về nước khó tìm được việc phù hợp, thu nhập tốt.
"Chúng mình cần 1-2 tháng sau tốt nghiệp dù học trong hay ngoài nước để tìm việc phù hợp. Nhà nước nên hỗ trợ cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi vài triệu đồng/tháng, tối đa ba tháng để lao động ổn định cuộc sống. Nên có tổng đài hỗ trợ người trẻ tìm việc phù hợp khả năng, kinh nghiệm, tránh vừa đi làm đã có tâm lý nhảy việc" - Trang đề xuất.
Ngành nghề liên quan chuyển đổi số đầy triển vọng
Căn cứ dự báo mô hình tăng trưởng mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo quy mô thị trường lao động Việt Nam gần 60 triệu người vào năm 2025, hơn 70% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Các ngành nghề tuyển dụng lớn có thể kể đến như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, chuỗi khối.
Để tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40% vào năm 2030, bộ này nhấn mạnh Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực phải đảm bảo nguồn lực để cấp chứng chỉ đạt chuẩn. Thêm nữa, Luật Việc làm sửa đổi đề xuất có Quỹ hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề Việt Nam hoạt động độc lập, phi lợi nhuận và khuyến khích xã hội hóa với dự kiến ngân sách bố trí ban đầu 500 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận