28/06/2019 06:57 GMT+7

Khi dân mạng tự bôi xấu mình

KHÔI NGUYÊN
KHÔI NGUYÊN

TTO - Dễ bị kích động, nổi nóng, dễ bị lôi kéo cùng công kích nhiều việc, nhiều người trên mạng lại quên những điều sơ đẳng như chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi. Hình ảnh cư dân mạng đang xấu hơn, cả với bạn bè quốc tế.

Khi dân mạng tự bôi xấu mình - Ảnh 1.

Cổ động viên Việt “đổ bộ” lên trang mạng của CLB Austria Wien, tranh luận bằng tiếng Việt - Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Thông tin hậu vệ Đoàn Văn Hậu được CLB Austria Wien (Áo) liên hệ chỉ mới dừng lại ở dạng đồn đoán, ấy vậy mà dân mạng Việt Nam đã tấn công fanpage của đội bóng này.

Làm ơn chấm dứt tấn công!

Như Tuổi Trẻ đưa tin, cổ động viên của đội bóng Austria Wien than trời vì trang Facebook của họ bị dân mạng Việt tấn công khiến cổ động viên nước họ phải than vãn: "Làm ơn chấm dứt sự tấn công đến từ người Việt Nam"...

Đây không phải lần đầu tiên báo chí lên tiếng về văn hóa ứng xử của cư dân mạng Việt Nam. Cuồng trên mạng kiểu này hóa ra có thể làm xấu hình ảnh của nhau, bày ra với cổ động viên nước ngoài kiểu ứng xử thiếu chuẩn mực của không ít người Việt. Ai đó đã "bình loạn" khi chưa suy nghĩ chín chắn đã tự bôi bẩn mình, lại có thể gây ảnh hưởng đến người khác, đến cái lớn lao hơn.

Trên trang Facebook của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mới đây cũng tràn ngập bình luận bằng tiếng Việt. Bên cạnh những ý kiến văn minh, cũng có không ít những lời lẽ không hay đã được để lại. Thay vì bình luận nhã nhặn, lịch sự, có tính thuyết phục, lại thấy những hình ảnh và ngôn ngữ dân mạng công kích nhau bằng tiếng Việt, cãi nhau buông tuồng trên mạng, ở những nơi cả thế giới nhìn vào.

Nhiều người không lạ với lối hành xử trên mạng xã hội của một bộ phận người trẻ. Được đề cập nhiều phải kể đến vụ bình luận khiếm nhã trên Facebook tỉ phú Bill Gates, vụ của một nữ MC người Thái Lan từng cấm cửa cư dân mạng Việt Nam trên tài khoản của cô... vì những bình luận quá quắt, thiếu văn hóa. 

Những tài khoản mạng xã hội của những người nổi tiếng thu hút đông lượng truy cập khắp nơi trên thế giới. Người ta sẽ nhìn thấy thái độ, hành vi của nhau. Hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam có thể bị hiểu sai, ấn tượng không tốt bởi những người ứng xử sai trước bạn bè quốc tế.

Kể từ giải U23 châu Á vài tháng trước, công chúng yêu bóng đá thêm tự hào với thành tích của đội tuyển Việt Nam. Trong khi cầu thủ đội nhà gìn giữ hình ảnh và tinh thần "fair-play" của Việt Nam, người ta lại ngao ngán về cách thể hiện mình trên mạng của không ít CĐV Việt. 

Họ "đổ bộ" lên Facebook của thành viên đội bóng khác, của trọng tài để công kích, rủ nhau báo cáo "láo" nhằm khóa tài khoản người ta...

Khi dân mạng tự bôi xấu mình - Ảnh 2.

Cổ động viên Việt “đổ bộ” lên trang mạng của CLB Austria Wien, tranh luận bằng tiếng Việt - Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Tự ném "gạch đá" về mình

Tôi vẫn còn ấn tượng rất xấu về hành vi của những bạn trẻ người Việt kể từ mùa SEA Games 28 (năm 2015) được tổ chức tại Singapore. Để phục vụ tốt hơn cho khán giả khu vực, chủ nhà Singapore mở kênh YouTube phát trực tiếp các trận thi đấu. 

Ở đó, thấy rõ khác biệt ứng xử của cổ động viên nước bạn và chúng ta. Cư dân mạng các nước bạn vào xem thường dùng ngôn ngữ tiếng Anh, vào "phòng" liền chào và gửi lời cảm ơn nước bạn đã tạo điều kiện cho xem miễn phí. 

Nhiều người Việt Nam cũng vào xem, thường không có chào hỏi, cảm ơn... và dùng tiếng Việt, phớt lờ yêu cầu dùng tiếng Anh của admin (người quản lý).

Và, như thói quen lâu nay, vừa thưởng thức trận đấu nhưng không quên đưa ra các kiểu bình luận, nhận xét khiếm nhã. Vận động viên mình thua thì cay cú, gây gổ với cư dân mạng nước bạn. Một số người Việt vào nhắc nhở thái độ quá đáng thì bị hứng ngay "gạch đá"...

Văn hóa ứng xử trên mạng vẫn còn là câu chuyện dài và ngày càng có biểu hiện đáng buồn hơn trong bối cảnh diễn biến trên mạng ngày một phức tạp hơn, tác hại lớn hơn. Đơn cử, tại Asiad 2018, sau trận thua của đội tuyển Olympic Việt Nam trước Hàn Quốc, ông Park Hang Seo bị mạo danh trên mạng cùng với đó là nhiều bình luận xúc phạm từ cư dân mạng.

Dễ nổi nóng nhưng cũng dễ bị dẫn dắt cảm xúc, tự biến mình thành "anh hùng bàn phím". Người ta công kích, chửi bới theo phong trào, tệ hơn nhiều khi như một thú vui khi lên mạng. 

Chẳng hạn cái cách đám đông độc ác trên mạng từng miệt thị bề ngoài của một cô gái bán hàng online. Không cần tìm hiểu đúng sai, thông tin chính xác chưa, nhưng nhiều người rất giỏi trong chuyện truy tìm tài khoản của một người xa lạ để công kích họ... Thậm chí, có trường hợp cư dân mạng từng chửi nhầm người do cùng tên!

Hiếm có, khó tìm lời xin lỗi

Quá nhiều chuyện "nói hớ", xúc phạm người khác, nói sai khiến người khác bị công kích, phản ánh sai sự thật... Đến khi sự việc được sáng tỏ thì sao? Nhiều "chủ thớt" chọn cách xóa bài đã đăng, xóa những bình luận bất lợi cho mình. Tìm ra một lời xin lỗi cho đàng hoàng trên mạng thật là khó!

Trên môi trường mạng, ngôn ngữ, hành vi thể hiện đạo đức, giá trị của mỗi con người trước người khác, trước cộng đồng. Ứng xử xấu xí, trái chuẩn mực khác nào đang tự bôi bẩn, làm giảm giá trị của chính mình...

Ám ảnh với văn hóa ứng xử trên mạng qua tranh biếm họa Rồng Tre

TTO - 5 trong 9 tác phẩm được trao giải biếm họa cúp ‘Rồng Tre’ năm 2018 và trên 1/3 các tác phẩm dự thi có cùng chủ đề văn hóa ứng xử trên mạng và hậu quả khủng khiếp của nó. Mạng xã hội đang thật sự ám ảnh tất cả chúng ta.

KHÔI NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên