Một trong những điểm khác là cho phép đại biểu vẫn tiếp tục làm công việc hiện tại của họ và chỉ kiêm nhiệm công việc đại biểu mà thôi. Hiện nay, chỉ có đại biểu chuyên trách là làm việc toàn phần mà số này chưa được 30% tổng số đại biểu, đang đề nghị tăng lên 35%.
Đặc điểm này khiến trên thực tế, đôi khi quyết định, quyết sách của Quốc hội chưa thể hiện ý chí của 500 đại biểu, mà chủ yếu là của các đại biểu chuyên trách, vì họ nắm vững mọi điều, chuẩn bị mọi điều và thuyết phục số còn lại đồng tình với họ. Đây là điều còn bất cập của cơ cấu đại biểu Quốc hội hiện hữu của VN.
Cũng do cơ cấu này, không thể nói các đại biểu kiêm nhiệm có thể toàn tâm, toàn trí thực thi sứ mệnh dân cử. Bởi anh luôn bị chia sẻ chẳng những thời gian mà cả sức lực, tinh thần cho những công việc khác nhau, thậm chí có lợi ích đối lập nhau.
Có những người gánh đến 4-5 chức danh, cương vị nhà nước và đoàn thể. Có dành được 30% thời gian cho trách nhiệm đại biểu thì chưa chắc đó đã là 30% thời gian tốt nhất.
Một bất cập khác, đó là sự xung đột lợi ích. Trong hệ thống chính trị và pháp lý của đại đa số quốc gia, có một nguyên tắc phổ biến là không cho phép tiến hành những hoạt động hay công việc có xung đột lợi ích.
Nguyên tắc này áp dụng nghiêm ngặt đối với công chức, nghị sĩ, các đoàn thể xã hội, các luật sư, các lãnh đạo công ty tư nhân. Một đại biểu Quốc hội đang là chủ một tập đoàn địa ốc hay thực phẩm sẽ bỏ phiếu như thế nào về dự luật tăng thuế đối với ngành mình?
Một đại biểu là thứ trưởng, bộ trưởng sẽ chất vấn ra sao đối với một phó thủ tướng phụ trách mảng ngành của mình?
Một chủ tịch tỉnh thường xuyên được ngân sách trung ương trợ cấp liệu có dám phê phán những sai phạm, thiếu sót về trách nhiệm bộ trưởng Bộ Tài chính, thống đốc ngân hàng hay Thủ tướng?
Một giám đốc sở y tế sẽ lựa chọn bảo vệ lợi ích của đông đảo cử tri là đối tượng chăm sóc sức khỏe, hay im lặng trước những yếu kém của ngành mình nhằm giữ ổn định và tránh “vạch áo cho người xem lưng”?
Trong pháp luật về công vụ nói chung và về đại biểu Quốc hội VN nói riêng, pháp luật phòng chống “xung đột lợi ích” hầu như không có hoặc không sát hợp, do đó bất lực trước vô vàn hành vi và quyết định “xung đột lợi ích” đang diễn ra.
Bởi cho phép một đại biểu “đóng nhiều vai” là cho phép họ đại diện cho những lợi ích khác nhau, nhiều khi xung đột nhau. Ưu tiên cho lợi ích này thì hi sinh lợi ích khác.
Tôi biết nhiều đại biểu Quốc hội cũng muốn đóng tốt các vai như nhau, nhưng không đủ năng lực, không đủ tâm sức hoặc không đủ dũng khí. Nên có những người hầu như không nói gì, hoặc không bao giờ tham gia ý kiến những đề tài bức xúc, nóng bỏng.
Trong khi chờ đợi thay đổi luật pháp, những đại biểu đang gánh nhiều vai thì phải ráng làm tròn dù có hi sinh, mất mát, còn nếu thấy không thể thì xin từ nhiệm để người khác làm. Đối với một cán bộ, một công chức, một công dân, đó là cách hành xử có lương tâm nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận