Năm nay tròn 80 tuổi, ông Lê Viết Nguyên (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) rất rành rẽ trong chuyện sử dụng điện thoại lướt mạng xã hội, xem YouTube. Buổi tối dù vào phòng từ 21h nhưng ông dành khoảng một tiếng để lướt Facebook xem các video ngắn, các dòng trạng thái của bạn bè rồi mới cất điện thoại sang một bên.
Lướt mạng cho đỡ buồn
Thói quen lướt mạng đã theo ông Nguyên nhiều năm nay. Cuộc sống hưu trí an nhàn, ngoài tập thể dục buổi sáng, cà phê gặp gỡ bạn bè, ông dành khá nhiều thời gian ngồi lướt các kênh mạng xã hội.
"Tôi cập nhật tin tức trong nước và thế giới, nghe video bình luận thời sự. Rồi xem bạn bè mình có đăng gì mới không", ông nói.
Ông cũng có thói quen "thuyết minh", khi xem gì có nội dung gây sốc hoặc cảm động, ông lại cảm thán, vỗ đùi, mắng nhân vật trong video. Đã quen như vậy, nên rảnh rỗi không cầm điện thoại hoặc cuốn sách đọc, ghi chép là ông lại thấy thiếu thiếu.
Lướt mạng nhiều và hay cúi thấp đầu xem cho rõ, ông nói mình hay bị mỏi mắt, mỏi cổ dù đã cài đặt phông chữ lớn.
Vợ ông Nguyên năm nay 74 tuổi, cũng thường ngồi lướt máy tính bảng. Bà hay xem ca nhạc, tin tức, gọi video cho con cháu ở xa. Hình ảnh quen thuộc là bà ngồi hơi khòm lưng, chăm chú xem iPad gắn trên chiếc giá đỡ trên bàn.
Biết là xem nhiều quá không tốt, nhưng nhà ở phố, ít bạn bè, mỗi ngày bà chỉ đi chợ rồi về nấu nướng, tắm giặt, thời gian còn lại thường lên mạng.
Với bà L.T. (78 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận), bà thường lên Zalo để lướt phần nhật ký của ứng dụng này. Phần này có nhiều tin tức, video, quảng cáo, trạng thái của bạn bè, con cháu. Bán hàng tạp hóa nhỏ tại nhà, bà thường ngồi ghế dựa để vừa bán hàng vừa trông chừng nhà cửa, lướt mạng và nghe ca nhạc giải sầu.
Bà chia sẻ: "Có Zalo đỡ buồn. Tối nào con gái tôi ở nước ngoài cũng gọi video nói chuyện. Nhờ vậy biết tình hình con cháu mình ở bển ra sao. Có Zalo, sáng nào mà có nấu xôi, chiên chả giò bán thì tôi gọi cho mấy mối quen ở gần qua mua".
Đôi khi lắm phiền toái
Lướt mạng giải trí nhưng đôi khi người lớn tuổi gặp phiền toái với các dịch vụ quảng cáo, buôn bán online mà chất lượng không đảm bảo. Ông Nguyên kể từng đặt hàng qua các quảng cáo trên mạng, sau đó không ưng nên không nhận hàng.
Nhưng shop bán gọi điện hỏi, rồi thuyết phục mua sản phẩm khác nên ông cảm thấy phiền. Chưa kể các trang bán các loại viên uống bồi bổ, khi ông nhấn vào để lại số điện thoại thì tư vấn miết.
Còn bà Minh Lộc (67 tuổi, ngụ quận 12) một phen hú hồn vì xém bị lừa đảo. Một tài khoản Facebook tên người nước ngoài nhắn tin làm quen bà. Người này cho biết cùng tuổi, điều hành một công ty lớn và muốn tìm bạn chia sẻ vui buồn.
"Tôi đọc tin nhắn thấy có hình ảnh rõ ràng, nghề nghiệp, lời lẽ lịch sự nên cũng nhắn tin qua lại. Ông này nói yêu đương, gửi đường dẫn (link) điền tài khoản để gửi quà", bà Lộc nói.
Kể cho con trai nghe, bà mới biết đây là một chiêu lừa đảo phổ biến. Bà chia sẻ: "May là tôi không dùng thẻ ngân hàng, nếu không hôm đó đã nhấn vào điền rồi. Tôi nhờ con xóa hết tin nhắn, chặn luôn cho chắc ăn".
Để cân đối thời gian, bà Lộc thường chỉ lướt điện thoại sau khi ngủ dậy và xế chiều. Bà chăm cây cảnh, đọc sách báo. Theo bà, tuổi già không nên quá chú tâm theo dõi những tin tức giật gân, vụ án vì dễ khiến đầu óc lo lắng. Nếu lướt mạng thì nên xem thông tin, hình ảnh tươi vui, đồng thời cảnh giác khi có người lạ làm quen.
Dành thời gian chăm sóc bản thân
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm Đào tạo ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt), việc người lớn tuổi lướt mạng có nhiều mặt tích cực. Người lớn tuổi vẫn cần sự giao lưu, nắm bắt thông tin, kết nối xã hội trong khi bản thân có thể bị hạn chế về sức khỏe, đi lạị.
Do đó, lướt mạng là nhu cầu cần thiết, thậm chí giúp người già tránh được chứng Alzheimer (suy giảm trí nhớ, tư duy) nhờ hoạt động của trí não. Nhờ mạng xã hội, người lớn tuổi cũng có thể học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng, giúp cuộc sống nhẹ nhàng, tích cực hơn.
Tuy nhiên, bà Tâm lưu ý thế giới mạng có lượng thông tin vô cùng tận, có những kênh thông tin hay nhưng cũng có kênh tiêu cực. Người tham gia cần có kiến thức, bộ lọc, tránh sa đà.
Thực tế, có những người lớn tuổi quan tâm sức khỏe nhưng lại đọc các trang mạng "dọa" bệnh khiến họ lo sợ, bị ám ảnh, khó ngủ.
Bên cạnh đó, người lớn tuổi nên chú ý tư thế ngồi lướt mạng, tránh bị đau vai gáy, mỏi mắt.
Mặc dù người lớn tuổi có nhiều thời gian rỗi, nhưng việc lướt mạng quá nhiều cũng mất thời gian. Người lớn tuổi chỉ nên lướt mạng có chừng mực, chẳng hạn sau khi thức dậy tập thể dục, ăn sáng rồi hẵng lướt mạng, Đồng thời cũng nên có thời gian nghỉ trưa, cũng như tránh lướt mạng khuya khó ngủ.
Ông bà cha mẹ nên dành thời gian vận động cơ thể nhẹ nhàng lưu thông máu huyết, chăm sóc bản thân, chăm sóc nhà cửa, có thời gian biểu cụ thể…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận