Phóng to |
Một nghiên cứu mới đây của Mỹ cho biết tỉ lệ 16 người già trên 100 lao động tích cực hiện nay của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 và lại tăng lên gấp đôi vào năm 2050, đạt tỉ lệ 61/100. Cùng thời điểm này, Ấn Độ sẽ có 244 triệu lao động tích cực nhiều hơn Trung Quốc, và khi đó sức mạnh quốc gia của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.
Đã xuất hiện nhiều dấu hiệu dự báo về nguy cơ này.
38 triệu “trai thừa”
Báo chí chính thức của Trung Quốc đã nêu câu hỏi “Phụ nữ giờ ở đâu?”. Hiện Trung Quốc có 38 triệu “trai thừa” không biết tìm vợ ở đâu. Vào năm 1980, tỉ lệ sinh sản là 107 trai/ 100 gái, tức đã cao hơn so với mức bình quân thế giới, còn nay là 120 trai/100 gái.
Sự mất cân bằng giới tính này là hậu quả của chính sách một con được đưa ra từ năm 1980 mà theo Bắc Kinh là đã tránh cho họ không phải “đón chào” 400 triệu công dân mới bổ sung kể từ thời điểm ấy. Người ta đang lo ngại số “trai thừa” này sẽ không có gia đình, và vì thiếu “cơ cấu tạo ổn định xã hội” này để nâng đỡ lúc tuổi già, họ sẽ trở thành gánh nặng cho các hệ thống xã hội.
Theo giáo sư Nguyên Hâm, Trường đại học Nam Khai ở Thiên Tân, trong một xã hội vốn có truyền thống trọng nam khinh nữ thì nếu chỉ được phép sinh một con, người ta sẽ chọn sinh con trai.
Chủ tịch Mao Trạch Đông đã cố đem lại quyền và vị trí mới cho phụ nữ khi tuyên bố “phụ nữ đang gánh vác nửa bầu trời”. Nhưng “5.000 năm lịch sử trọng nam khinh nữ” ở đất nước này vẫn chưa thể xóa bỏ qua một cuộc cách mạng. Trong dân gian vẫn còn có cách nói như “nuôi con gái cũng giống như cày ruộng của người khác”! Nhiều hài nhi đã không được chào đời do nạn phá thai. Mặc dù việc siêu âm để chọn giới tính bị cấm tại Trung Quốc nhưng nhiều bác sĩ đã sẵn sàng tiếp tay chỉ với vài trăm nhân dân tệ.
Tốc độ lão hóa đang tăng nhanh
Bao Trường Cốc, giáo sư Trường đại học Nhân dân Bắc Kinh, một người tiên phong về dân số học đương thời của Trung Quốc, báo động: “Đến giữa thế kỷ này, nếu không có gì thay đổi, Trung Quốc sẽ là một nước có dân số già nhất thế giới, còn già hơn cả nước già nhất của phương Tây hiện nay. Chẳng hạn chúng ta sẽ có 100 triệu người hơn 80 tuổi!”.
Vương Quảng Châu, chuyên gia nổi tiếng của Viện Khoa học xã hội, cũng khẳng định: “Trung Quốc là nước có tỉ lệ dân số già tăng nhanh nhất thế giới”. Theo ước tính của ông, số người trên 65 tuổi trong năm 2008 đã là 100 triệu người, chiếm 8% dân số, và con số này sẽ là 340 triệu người vào năm 2050, chiếm 25% dân số. Đáng chú ý là sự lão hóa này lại diễn ra ở một nước đang phát triển, có các hệ thống hưu trí và an sinh xã hội còn đang được xây dựng.
Nguy cơ thiếu lao động
Thượng Hải là thành phố đầu tiên đã nhận thức rõ nguy cơ thiếu lao động. Để đem lại nguồn máu mới cho thành phố, từ mùa hè vừa qua, Thượng Hải đã tung ra chiến dịch vận động các cặp vợ chồng “có khả năng sinh con” nên sinh hai con. Phải nói rằng Thượng Hải đang gần như là hình ảnh của Trung Quốc vào năm 2050. Gần 1/4 trong số 13 triệu cư dân Thượng Hải hiện trên 60 tuổi, và tỉ lệ này sẽ tăng lên 1/3 vào năm 2020.
Theo Tạ Linh Lợi - giám đốc chương trình kế hoạch hóa gia đình của Thượng Hải, đây cũng là biện pháp để tránh nguy cơ thiếu lao động trong tương lai.
Khác với nhiều suy nghĩ sai lầm, dân số Trung Quốc với 1,3 tỉ dân hiện nay không thể tăng mãi được. Theo ước tính của các nhà dân số học Trung Quốc, nó sẽ đạt đến “đỉnh điểm” vào năm 2030- 2035 với 1,45 tỉ người. Vương Quảng Châu cho biết bất chấp các chính sách của chính phủ, dân số sẽ ngừng tăng lên, vấn đề là theo nhịp độ nào. Nhịp độ này lại tùy thuộc vào thời điểm nào chính phủ sẽ bãi bỏ chính sách một con.
Bao Trường Cốc cảnh báo: “Lúc nào là thời điểm tốt nhất ư? Chỉ có thể nói là thời điểm ít xấu hơn thôi bởi chúng ta đã chậm mất 10 năm. Đã có nhiều tranh cãi và lầm lẫn về vấn đề này. Một thời cơ quý báu đã bị lãng phí, bởi dân số không phải như trong kinh tế. Không thể cứ làm kế hoạch tăng sinh sản rồi bỏ ra hàng tỉ USD là mọi chuyện sẽ nhúc nhích ngay chỉ trong vài tháng. Thách thức lớn là làm sao thay đổi não trạng của con người”.
Mới đây, người phụ trách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc còn cho rằng cần duy trì việc kiểm soát sinh sản thêm ít nhất một thập niên nữa để tránh bùng nổ dân số. Trong khi đó, phần lớn các nhà dân số học đều khuyến cáo chính phủ cần thay đổi chứ đừng chần chừ, bắt đầu từ việc cho phép các cặp vợ chồng được sinh hai con. Nhưng ngoài chuyện luật pháp, câu hỏi lớn vẫn là những thế hệ trẻ sẽ có câu trả lời ra sao.
Tại Thượng Hải, một cuộc thăm dò được thực hiện với các cặp vợ chồng “có khả năng sinh con” cho thấy chưa đến 20% trong số họ cho biết sẵn sàng sinh hai con. Cô Lợi, lập gia đình từ ba năm qua, cho biết: “Quả là chúng tôi đã được nuông chiều và đã quen sống tự do như những cặp vợ chồng phương Tây, và chúng tôi đã chứng kiến cha mẹ mình khốn khổ để nuôi dạy đứa con một. Điều ấy chẳng ham gì!”.
Chồng cô nói vui: “Nói cho cùng, vào lúc này người ta thích chuyện không con, thu nhập tăng gấp đôi hơn”. Bao Trường Cốc bình luận: “Một trong nhiều khảo sát của chúng tôi cho thấy ở vùng quê Giang Tô, nơi mà từ 20 năm qua các cặp vợ chồng có một trong hai người là con một, đã được phép sinh hai con nhưng rất ít có kết quả. Chỉ 10% trong số này chọn sinh hai con. Về tương lai, 21% trong số họ nói họ sẵn sàng, còn 45% nói họ rất thích nhưng sẽ không làm vậy vì những lý do kinh tế là chủ yếu”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận