26/10/2024 09:09 GMT+7

Khi công nhân rời phố về quê: Vì sao người đến TP.HCM giảm?

Trong giai đoạn dịch COVID-19, lịch sử từng ghi nhận hình ảnh người lao động tại các đô thị, khu công nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh thành Đông Nam Bộ lũ lượt về quê do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, chuyển sang chế độ giãn cách...

Khi công nhân rời phố về quê - Kỳ 1: Vì sao người đến TP.HCM giảm? - Ảnh 1.

Nhiều khu nhà trọ ở TP.HCM treo bảng cho thuê phòng nhưng rất ít người thuê - Ảnh: BÉ HIẾU

Các thủ phủ công nghiệp ở phía Nam đang chứng kiến một sự dịch chuyển lao động chưa từng có: người lao động đang có xu hướng rời các thành phố lớn về quê làm việc ngày càng tăng.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng hơn đáng lo nhưng cũng đặt ra yêu cầu các thủ phủ này, các công ty, xí nghiệp phải tính toán, tái cơ cấu, tổ chức sản xuất phù hợp với xu hướng mới.

Thế nhưng những năm sau dịch, lao động trở lại các đô thị không nhiều, trong đó số liệu thống kê năm 2023 cho thấy tỉ lệ người nhập cư TP.HCM chỉ tăng 0,67%, tương ứng khoảng 65.000 người (trong khi trước đó khoảng từ 200.000 - 250.000 người).

Lần đầu tiên TP.HCM và một số tỉnh thành Đông Nam Bộ không còn được xem là "miền đất hứa" khi ngày càng có nhiều khu công nghiệp ở nhiều địa phương mọc lên. Người lao động có xu hướng chọn làm việc gần nhà để giảm chi phí ăn uống, sinh hoạt, nhà trọ...

Xóm trọ đìu hiu, tâm tư người ở lại

Một tối trung tuần tháng 10-2024, dạo quanh xóm nhà trọ bình dân dành cho người lao động - nơi được xem như "thủ phủ nhà trọ của TP.HCM" ở phường Tân Tạo (quận Bình Tân), không khó để bắt gặp cảnh vắng vẻ, đìu hiu với hàng loạt tấm bảng "cho thuê phòng" khiến nhiều người ngỡ ngàng. Không dãy trọ nào có đầy đủ người ở, thậm chí có dãy trống hơn một nửa số phòng cả năm nay.

Thấy có người lạ mặt quan sát những tấm bảng "cho thuê phòng", các chủ nhà trọ đều niềm nở hỏi han và cho biết sẵn sàng giảm giá cho thuê. Một chủ trọ nói với phóng viên Tuổi Trẻ rằng cứ thuê nhà đi sẽ được giảm giá hết mức có thể. Một nữ chủ trọ khác thì rầu rĩ than dãy trọ 21 phòng của chị hiện chỉ 8 phòng có người ở.

Dịch COVID-19 cộng với các đợt cắt giảm lao động của nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã khiến người trả phòng về quê ngày càng nhiều, trong khi người đến hỏi thuê cả năm nay gần như không có.

Theo chị này, làm chủ nhà trọ cũng phải vay ngân hàng và có cuộc sống chi tiêu như người thuê nhà. Nếu có người thuê đủ 21 phòng, trừ đi các khoản phí, gia đình chị mới dư ra chút đỉnh, còn không thì tháng nào cũng "cắn răng" bù lỗ mà đã bù lỗ suốt cả năm nay...

Chứng kiến biết bao người là hàng xóm, đồng hương đều lần lượt rời khỏi xóm trọ, anh Nguyễn Sơn (42 tuổi, quê Ninh Bình) nói anh cũng có nhiều tâm tư. Những năm 2000, ở độ tuổi đầy sức sống và hoài bão, anh rời quê vào TP.HCM mưu sinh.

Làm công nhân ở Công ty Pouyuen Việt Nam hơn chục năm, nay mức lương của anh vào khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng. Thuê trọ gần công ty từ năm 2007 đến nay, anh Sơn nói tiền nhà vẫn là 1 triệu đồng/tháng không thay đổi, còn tiền lương anh cũng "giậm chân tại chỗ" suốt nhiều năm nay.

Trong khi đó, vật giá ngày một tăng cao, chi phí sinh hoạt mỗi tháng theo thời gian vì vậy cũng cứ tăng lên.

Theo anh, đây cũng là lý do mà nhiều người nơi xóm trọ đã lần lượt "bỏ phố về quê". Một số khác thì di chuyển sang các tỉnh lân cận TP.HCM để làm công nhân hoặc lao động tự do, nhất là các tỉnh miền Tây... vì sinh hoạt phí đỡ đắt đỏ hơn.

Vẫn bám trụ lại đất Sài Gòn, anh Sơn nói cảm thấy may mắn do gắn bó công ty này lâu năm nên có mức lương tạm ổn. "Nhưng nếu hiện tại là một công nhân mới với mức lương chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng, tôi nghĩ mình cũng không tài nào trụ nổi tại thành phố này" - anh Sơn tâm sự.

Khi công nhân rời phố về quê - Kỳ 1: Vì sao người đến TP.HCM giảm? - Ảnh 2.

Gia đình bà Thủy, người quản lý dãy trọ tại quận Bình Tân (TP.HCM) là một trong số những gia đình vẫn bám trụ lại nơi này sau khi chứng kiến nhiều hàng xóm lần lượt rời đi - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Hơn 15% lao động muốn về quê, 44,6% đắn đo

Theo Báo cáo nghiên cứu điển hình trong ngành công nghiệp may mặc, điện tử, giày dép do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN cùng IOM thực hiện trong năm 2022 trên 1.200 người và hơn 40 doanh nghiệp thuộc ngành may mặc, giày dép và điện tử, hầu hết lao động có gia đình để con cái cho ông bà chăm sóc, đi làm ăn xa với hy vọng thu nhập cao.

Khi điều kiện làm việc ở nông thôn tốt hơn, nhiều người mong trở về với gia đình. Trong 1.000 người được khảo sát tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, có 15,5% cho biết có ý định về quê làm việc lâu dài, 44,6% đắn đo.

Quyết định của họ phụ thuộc vào tình hình kinh tế, sự ổn định của doanh nghiệp (ví dụ số đơn hàng), sinh hoạt phí, phúc lợi...

Đối với những lao động có ý định trở về quê làm việc lâu dài, tác nhân chính là thu nhập không đủ trang trải chi phí sống xa nhà, mong đoàn tụ gia đình, cơ hội việc làm tốt...

IOM khuyến nghị cơ quan chức năng, doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt của người lao động. Nhà nước có thể hỗ trợ chi phí điện, nước, nhà trọ giá thấp, chi phí giữ trẻ, nơi học tập cho con cái, duy trì và tìm kiếm việc làm bởi rất ít doanh nghiệp tuyển dụng hoặc giữ chân lao động nữ trên 40 tuổi.

Hay với nhà trọ, IOM kiến nghị cần có yêu cầu tối thiểu với nhà trọ tư nhân, có gói vay ưu đãi cho chủ trọ cải tạo nhà, chính sách quản lý/giám sát giá điện nước thấp...

Doanh nghiệp và Nhà nước đồng hành cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng phúc lợi cho người lao động. Chẳng hạn như nhà trọ giá rẻ, nhà trẻ cho con em lao động di cư, có trợ cấp/phụ cấp tiền ăn/phương tiện đi lại... Về lâu dài, các giải pháp sẽ thu hút, giữ chân lao động di cư ở lại các cụm, khu công nghiệp.

Một phường giảm hơn 43.800 người tạm trú

Số liệu thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM càng minh chứng rõ nét người lao động nhập cư tại TP.HCM ngày càng thưa dần.

Cụ thể, ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP, phân tích trước đây TP đón nhận khoảng 200.000 - 250.000 người nhập cư/năm, nhưng năm 2023 con số này chỉ khoảng 65.000 người (0,67%).

Sự biến động về dân nhập cư bộc lộ rõ nét tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Theo UBND phường, năm 2020 (trước dịch), toàn phường có 19.700 hộ với 80.850 nhân khẩu thực tế cư trú. Trong đó, thường trú có 7.939 hộ với 33.106 nhân khẩu, tạm trú 12.944 hộ với 52.426 nhân khẩu.

Đến năm 2023, phường Bình Hưng Hòa có 24.204 hộ với 86.212 nhân khẩu thực tế cư trú. Trong số đó thường trú có 11.623 hộ với 39.556 nhân khẩu. Tuy nhiên, tạm trú chỉ còn 8.614 nhân khẩu. Như vậy, so với năm 2020, dân số phường tăng hơn 5.300 người nhưng số người tạm trú ở phường này giảm hơn 43.800 người.

Bà Nguyễn Ngọc Thắm, phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, cho biết phường là khu vực giáp ranh giữa Khu công nghiệp Tân Bình và Khu công nghiệp Vĩnh Lộc nên trước dịch có nhiều công nhân đến đây thuê nhà sinh sống. Hiện nay có sự suy giảm về số người tạm trú ở địa phương do nhiều công nhân sau dịch đã di chuyển khỏi phường.

Khát nhân lực chuyên môn cao, doanh nghiệp tự xoay

Nhận định tỉ lệ người dân nhập cư vào TP.HCM có xu hướng giảm, bà Lượng Thị Tới - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - cho rằng do nhiều yếu tố, trong đó rõ nét nhất là người lao động ngày càng có nhiều lựa chọn công việc. Các địa phương đều có khu kinh tế, khu công nghiệp thu hút doanh nghiệp đến đầu tư hoạt động ở nhiều lĩnh vực tương tự như TP.HCM.

Bên cạnh đó, ở nhiều ngành nghề cũng ghi nhận xu hướng dịch chuyển sản xuất từ TP.HCM ra các tỉnh thành lân cận. Ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho hay nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã xây dựng thêm các nhà máy ở các địa phương khác như Việt Tiến, Phong Phú, Thành Công.

Điều này sẽ giúp giảm thiểu chi phí trong đó có chi phí lao động, tuyển dụng nguồn lao động tại các địa phương. "Đây là xu thế chung tạo ra sự phát triển hài hòa giữa các địa phương và phù hợp với định hướng phát triển của TP.HCM", ông Hồng nhận định.

Vậy khi một số ngành sản xuất đã dịch chuyển sang các địa phương khác thì TP.HCM sẽ phát triển như thế nào?

Theo bà Lượng Thị Tới, hiện nay TP.HCM định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế với công nghệ cao, trong đó trọng tâm phát triển kinh tế số, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Do đó nhu cầu nhân lực sẽ tập trung vào nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

"TP.HCM là trung tâm giáo dục - đào tạo với hệ thống đại học, cao đẳng, trung cấp và các tổ chức giáo dục khác thu hút đông đảo học sinh, sinh viên ở nhiều địa phương đến học tập. Sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn trẻ lựa chọn ở lại TP.HCM làm việc để có môi trường phù hợp chuyên môn đào tạo cũng như điều kiện phát triển.

Do đó TP.HCM vẫn có lực lượng lao động là người từ các tỉnh thành khác tham gia thị trường lao động tại TP.HCM phù hợp với định hướng phát triển của thành phố", bà Tới thông tin.

Còn đối với việc doanh nghiệp tại TP.HCM muốn thu hút và giữ chân người lao động thì theo bà Lượng Thị Tới, doanh nghiệp phải có chính sách hỗ trợ người lao động, chế độ lương, phúc lợi xã hội, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, có sự đầu tư lâu dài để đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Khi công nhân rời phố về quê - Kỳ 1: Vì sao người đến TP.HCM giảm? - Ảnh 3.

TP.HCM vẫn cần nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp là người từ các tỉnh thành khác tham gia thị trường lao động tại đây - Ảnh: Đ.TR.

Già hóa dân số làm cơ cấu lao động thay đổi

ThS Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, phân tích hiện TP.HCM đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh thành có mức sinh thấp. Trong điều kiện kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, tốc độ đô thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Tỉ lệ phát triển dân số cơ học là rất cần thiết để bổ sung cho sự thiếu hụt lao động do giảm mức sinh của TP. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số tại TP đang có sự dịch chuyển sang già hóa dân số, hiện nay có đến hơn 10% là người trên 60 tuổi.

Già hóa dân số làm dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn. TP rất cần nguồn nhân lực cho thị trường lao động, ngoài nguồn lao động phổ thông thì rất cần nguồn lao động chất xám.

Vì thế, trong tương lai, bên cạnh giải pháp về nâng cao mức sinh, TP cũng cần phải tính đến các chế độ an sinh xã hội để có thể thu hút được lực lượng lao động và tạo điều kiện cho họ có thể phát triển tốt nhất đóng góp của mình.

Các tỉnh tính toán đón lao động hồi hương

Khi công nhân rời phố về quê - Kỳ 1: Vì sao người đến TP.HCM giảm? - Ảnh 3.

Sàn giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm cho công nhân, lao động tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang - Ảnh: MINH KHANG

Theo báo cáo nghiên cứu từ kỷ yếu hội thảo khoa học "Định hướng chiến lược lao động việc làm và phát triển kỹ năng tại TP.HCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến 2030" của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, doanh nghiệp tại TP.HCM mở chi nhánh sản xuất ở các tỉnh tạo đón đầu xu hướng "lao động hồi hương" khá nhiều.

Cụ thể các doanh nghiệp ở TP.HCM mở rộng nhà máy sản xuất tại các tỉnh đã tạo việc làm cho gần 82.000 lao động địa phương lũy kế năm 2020, tốc độ tăng bình quân đạt 4,4%/năm trong giai đoạn 2012-2020.

Những ngành thu hút nhiều lao động làm việc ở các chi nhánh tại các tỉnh gồm sản xuất và phân phối điện, khí đốt; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất da, giường, tủ, bàn, ghế... Đằng sau sự dịch chuyển này có sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, mối liên kết vùng và sự phát triển của hạ tầng công nghiệp giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL, chi phí sản xuất trên địa bàn TP.HCM gia tăng, quỹ đất sản xuất công nghiệp ngày càng thu hẹp, xu hướng chuyển dịch sản xuất của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp từ TP.HCM ra các tỉnh dự báo sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Cũng theo báo cáo này, đây cũng là sự dịch chuyển sản xuất theo quy hoạch của TP.HCM. TP.HCM đã ban hành nhiều quy định về khuyến khích phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, phát triển các phân khúc có giá trị gia tăng cao, đồng thời hạn chế thu hút các ngành công nghiệp thâm dụng lao động phổ thông.

TS Phạm Văn Đại - giảng viên chính sách công Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam - nhận định trước làn sóng dịch chuyển lao động về các địa phương thì các tỉnh thành phải chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng để thu hút các ngành từ TP.HCM về. Trong đó tập trung cơ sở hạ tầng kết nối giao thông đến các cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng điện, nước, nguồn nước sạch.

Đối với các địa phương có điều kiện tốt có thể đi sớm hơn về phát triển các khu công nghiệp sinh thái, xu hướng hiện đại. Các chuỗi cung ứng sẽ đòi hỏi rất cao về phát triển xanh, các địa phương nào có thể đi trước được thì có khả năng thu hút các nhà đầu tư FDI tốt hơn.

(Còn tiếp)

Khi công nhân rời phố về quê - Kỳ 1: Vì sao người đến TP.HCM giảm? - Ảnh 5.Người nhập cư vào TP.HCM giảm: Không buồn, mà đáng mừng!

Nhiều bạn đọc trải lòng về lý do số lượng người nhập cư vào TP.HCM giảm, trong đó có những nỗi niềm và cả sự kỳ vọng về sự đổi thay của "miền đất hứa".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên