27/10/2024 13:25 GMT+7

Khi công nhân rời phố về quê - Kỳ 2: Đưa nhau lên tàu về quê ta sống vui hơn

A LỘC
và 2 tác giả khác

Đồng Nai và Bình Dương có rất nhiều khu công nghiệp thu hút hàng trăm ngàn công nhân khắp nơi trong cả nước đến làm việc, mưu sinh. Tuy nhiên từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, hàng chục ngàn công nhân đã lặng lẽ rời nhà trọ trở về quê sinh sống.

Kỳ 2: Đưa nhau lên tàu về quê ta sống vui hơn - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng nhà máy 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Khu công nghiệp VSIP 3, tỉnh Bình Dương - Ảnh: T.D.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, ba năm qua có khoảng 50.000 - 60.000 lao động dịch chuyển từ Đồng Nai về quê hoặc sang các tỉnh thành khác làm việc.

Muôn nẻo đường về quê

Chúng tôi dạo một vòng quanh các phường Hóa An, Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài, Tân Phong - những nơi được xem là "thủ phủ" nhà trọ của TP Biên Hòa với hàng ngàn dãy trọ dành cho công nhân. Tuy nhiên, trái ngược hình ảnh xô bồ, đông đúc trước đây là những dãy trọ đìu hiu, khắp nơi giăng biển "còn phòng trọ".

Ông Hoàng Văn Thành (72 tuổi), chủ dãy trọ trên đường Hoàng Bá Bích (khu phố 5A, phường Long Bình), kể từ những năm 1990 ông đã đầu tư xây dựng dãy trọ gồm 15 phòng, mỗi phòng rộng 12m2 cho công nhân thuê.

"Hồi đó dãy trọ lúc nào cũng đầy, không có phòng trống, công nhân đến ở trọ rất nhiều. Lúc đấy tôi còn lựa người để cho ở. Nhưng nay chưa bao giờ phòng trọ vắng như vậy", ông Thành kể.

Anh Hùng, công nhân làm đồ gỗ (quê Thanh Hóa), kể trước đây anh cùng nhóm bạn vào Đồng Nai làm việc cho một xưởng gỗ ở phường Tân Biên, TP Biên Hòa. Hơn một năm qua ngành gỗ điêu đứng, hàng xuất không được nên doanh nghiệp cắt giảm lao động.

"Không đủ chi phí nhà trọ, chi tiêu quá tốn kém nên nhiều gia đình ở chung với tụi tôi về quê sống. Ở quê giờ có nhiều nhà máy, công ty nên tìm việc cũng đỡ hơn. Giờ xa quê vất vả lại không biết bao giờ mới có chỗ an cư", anh Hùng bộc bạch.

Người lao động cho rằng chấp nhận giảm thu nhập chọn về gần nhà làm việc vừa gần người thân và không phải sống cảnh nhà trọ chật hẹp. Ở quê cuộc sống đầm ấm, vui hơn phải tha phương cầu thực nơi các TP lớn.

Còn theo một số chuyên gia, nguyên nhân chính công nhân về quê vẫn là doanh nghiệp khó khăn cắt giảm lao động, siết chặt thu chi. Trong bối cảnh khó khăn chung, xin việc ở công ty mới rất khó hoặc có thì hợp đồng ngắn hạn, quyền lợi ít, thu nhập thấp, bấp bênh. Vì vậy, nhiều người chọn cách về quê mưu sinh kiểu "có gì ăn nấy nhưng gần nhà".

Ông Lê Nhật Trường, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), cùng lý giải: "Việc ở quê mở nhiều công ty, doanh nghiệp không phải là nguyên nhân chính khiến công nhân rời Đồng Nai mà do kinh tế suy thoái, đơn hàng giảm khiến doanh nghiệp phải siết chặt chi tiêu, cắt giảm các món tiền thưởng, tăng ca..., thậm chí cho lao động nghỉ việc.

Vấn đề này phần lớn xảy ra ở các doanh nghiệp nhỏ và ở một số ngành đặc thù như sản xuất chế biến gỗ. Còn các doanh nghiệp lớn như Pousung có đơn hàng ổn định, có chế độ chính sách ổn định cho công nhân nên tránh được tình trạng công nhân nhảy việc".

Doanh nghiệp phải tự thay đổi

Theo ông Lê Nhật Trường, muốn giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thì phải duy trì các chế độ phúc lợi (lương, thưởng, vé xe Tết...) cũng như thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân. Thực tế có một số doanh nghiệp đã chú trọng cải thiện môi trường làm việc, đầu tư xây dựng ký túc xá, siêu thị, sân thể thao, nhà trẻ... để phục vụ công nhân lao động.

Điển hình, Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch) vừa đưa vào sử dụng trung tâm phức hợp GWP gồm các phòng chức năng như: phòng công đoàn, phòng họp chi bộ, phòng trợ giúp pháp lý, siêu thị, phòng y tế... có khả năng phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, mua sắm cho 10.000 công nhân. Ngoài ra, công ty còn bố trí nhân viên trực thường xuyên lắng nghe, giải đáp thắc mắc của người lao động về chế độ, chính sách pháp luật.

Ông Nguyễn Minh Tâm, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam (huyện Trảng Bom), cho biết công ty đưa ra mức lương phù hợp nên việc tuyển dụng không quá khó khăn. Do có thêm đơn hàng mới nên công ty đã dự kiến từ nay đến năm 2025 tuyển thêm 1.000 lao động phổ thông không giới hạn độ tuổi, chỉ cần đảm bảo sức khỏe.

Nói thêm về sự dịch chuyển lao động trên địa bàn, bà Trần Thị Thùy Trâm, giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), cho hay trước đây bình quân có khoảng 800.000 lao động có đóng bảo hiểm làm việc ở các lĩnh vực.

Sau dịch COVID-19, lao động về quê và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn nên trung tâm đã phối hợp với các địa phương mời lao động trở lại Đồng Nai làm việc. Đến đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới đã cắt giảm lao động hoặc cho người lao động nghỉ giãn cách. Đến cuối năm 2023, một số doanh nghiệp có đơn hàng trở lại và có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Hiện nay các lĩnh vực, nhóm ngành có trình độ kỹ thuật luôn có nguồn lao động ổn định. Tuy nhiên doanh nghiệp ở lĩnh vực giày da, may mặc khi có đơn hàng cần tuyển dụng lao động trở lại vẫn gặp khó khăn. Lý do, khi doanh nghiệp cắt giảm lao động, công nhân đã đi tìm việc ở nơi khác hoặc trở về địa phương tìm việc.

"Giờ thiếu hụt lao động phổ thông nên không ít doanh nghiệp ở lĩnh vực giày da, may mặc nhận người dễ hơn, không còn giới hạn độ tuổi. Thậm chí, có người trên 50 tuổi có tay nghề doanh nghiệp vẫn nhận", bà Trâm cho hay.

Bàn về giải pháp cho việc thiếu hụt lao động, bà Trâm thông tin trước mắt trung tâm thực hiện kết nối lao động với các tỉnh trong khu vực (thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh) để đảm bảo cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

"Tuy nhiên đến lúc nào đó các doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi cả dây chuyền sản xuất để tránh thâm dụng lao động. Khi đó, doanh nghiệp không phải lo lắng thiếu hụt lao động và tuyển chọn được lao động có chất lượng", bà Trâm nói thêm.

Thích ứng và khai thác khía cạnh tích cực

Kỳ 2: Đưa nhau lên tàu về quê ta sống vui hơn - Ảnh 2.

Sau khi công nhân ồ ạt rời đi, hàng loạt dãy trọ ở Đồng Nai trống phòng, chủ trọ đăng biển thông báo cho thuê phòng nhưng rất ít người đến ở - Ảnh: A LỘC

Trao đổi với Tuổi Trẻ về hiện tượng "công nhân bỏ phố về quê", đại diện nhiều doanh nghiệp lớn và cơ quan quản lý tại Bình Dương cho biết đây là xu thế khó tránh khỏi, giải pháp là phải thích ứng và tiếp cận ở góc độ tích cực.

Tiêu biểu như với Bình Dương là tỉnh đã phát triển công nghiệp gần 30 năm thì nay chuyển hướng sang các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao hơn và ít sử dụng lao động. Đồng thời, doanh nghiệp từ Bình Dương cũng mở rộng "bắt tay" để mở khu công nghiệp, nhà máy ở các tỉnh thành khác để thu hút lao động tại chỗ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - chủ tịch công đoàn TBS Group, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương - cho biết là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực da giày, túi xách nên số lượng lao động của công ty rất nhiều, lên tới 50.000 người. Tuy nhiên, nắm bắt sớm xu hướng chuyển dịch lao động, trong những năm vừa qua ngoài nhà máy chính tại Bình Dương, công ty đã mở nhà máy ở Bình Phước và các tỉnh miền Tây, miền Bắc...

Trong tổng số lao động của công ty thì chỉ có khoảng 10.000 người tại Bình Dương, còn lại phần lớn ở miền Tây và các tỉnh thành khác. Ông Tuấn cho biết nhờ "đưa nhà máy về với người lao động" nên khi có những biến động xã hội như dịch bệnh COVID-19, khủng hoảng kinh tế... thì vẫn duy trì được hoạt động sản xuất ổn định nhờ nguồn lao động tại chỗ. Trong khi đó trụ sở chính tại Bình Dương để phát triển các bộ phận nghiên cứu phát triển, cải tiến sản xuất...

Tuy thế, Bình Dương cũng đang đối mặt với hiện tượng thiếu lao động cục bộ, đặc biệt là lao động phổ thông. Trong chín tháng đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thống kê có khoảng 5.350 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng với hơn 61.000 người. Trong đó phần lớn là lao động phổ thông (chiếm tới 87%). Thế nhưng các doanh nghiệp chỉ tuyển được khoảng 28.000 người.

Đồng Nai cần tuyển khoảng 18.000 lao động dịp cuối năm

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, từ nay đến cuối năm 2024 trên địa bàn có gần 1.500 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động, nhu cầu cần khoảng 18.000 lao động.

Song theo dự báo, Đồng Nai chỉ cung ứng được khoảng 70% bởi lao động mới gia nhập thị trường việc làm rất ít. Các ngành cần tuyển nhiều lao động gồm dệt may, da giày, cơ khí, đồ gỗ, dịch vụ...

Khi công nhân rời phố về quê - Kỳ 2: Đưa nhau lên tàu về quê ta sống vui hơn - Ảnh 3.Khi công nhân rời phố về quê: Vì sao người đến TP.HCM giảm?

Trong giai đoạn dịch COVID-19, lịch sử từng ghi nhận hình ảnh người lao động tại các đô thị, khu công nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh thành Đông Nam Bộ lũ lượt về quê do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, chuyển sang chế độ giãn cách...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên