Con bỏ đi và thản nhiên để lại dòng tin nhắn ngắn ngủi: "Cha mẹ cứ yên tâm vui vẻ, con có mấy việc của riêng mình cần tự giải quyết. Đừng lo cho con!".
Vợ chồng tôi thừa biết con gái đang tuổi ẩm ương, khó kiềm chế cảm xúc. Tuy nhiên, khi con xử sự kiểu này, vợ chồng tôi cũng cảm thấy ân hận vì đã ép con đi chơi cùng dù con chẳng thích chút nào.
Gọi điện liên lạc khắp nơi để tìm mới biết con đang ở nhà một người bà con họ hàng bên ngoại, cách địa điểm chúng tôi đi du lịch không xa.
Con gái "khác người" không chỉ ở tính cách, mà còn cả ngoại hình. Con luôn làm cho bản thân mình dị biệt hơn người khác. Đến nết ăn ở, dù dạy con rất nhiều về việc "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" nhưng con bé luôn thuận tay bốc đồ ăn cho vào miệng, đưa chén canh lên húp xì xà xì xụp trước sự khó chịu của người mẹ kỹ tính.
Việc học của con còn làm chúng tôi bực bội và thất vọng hơn khi thỉnh thoảng giáo viên chủ nhiệm phải gọi điện nhắc khéo phụ huynh quan tâm hơn việc làm bài tập của con.
Chữ nghĩa, sách vở thì nguệch ngoạc, cẩu thả. Làm toán thì nhầm lẫn lung tung, vậy mà ngay khi học lớp 7 đã biết lập nhóm kinh doanh các đồ dùng học tập, làm thiệp và các món quà thủ công để bán cho bạn bè trong và ngoài trường.
Con gái rất hứng thú với các môn giáo dục thể chất, nhất là bóng đá và bóng chuyền, lĩnh vực mà gia đình tôi không đánh giá cao vì... đầu óc nó "có vấn đề".
Có cơ hội cùng trải lòng với nhau, con gái rưng rưng nước mắt: "Cha mẹ luôn cho rằng con là đứa trẻ khác người, không làm nên trò trống gì khiến con đau lòng và ức chế lắm. Con luôn muốn làm gì đó để khẳng định với cha mẹ là con rất bình thường, nhưng con có ước mơ riêng, sở trường riêng, không thể giống những đứa trẻ khác".
Chúng tôi cuối cùng cũng đã cởi bỏ được những vướng mắc trong lòng và thỏa thuận được với con gái: "Con gái của cha mẹ đã khôn lớn rồi, con cũng có nét tính cách riêng. Cha mẹ sẽ tôn trọng quyền lựa chọn của con".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận