Em cũng là đại diện hiếm hoi của Việt Nam có mặt tại một giải đua F4 quốc tế và xuất sắc về đích với 1 lần về nhất, 3 lần nhì, 2 lần ba.
Đằng sau những thành công bước đầu của Hoàng Đạt trên đường trong và ngoài nước là người cha AlistaIr Sawer - một doanh nhân người Anh đang làm việc tại TP.HCM.
Theo ông Alistair, khi biết con có những sở thích hay tiềm năng "lạ", phụ huynh không nên phản đối ngay lập tức mà nên mở lòng tìm hiểu và trải nghiệm cùng con.
Mở lòng, đồng hành cùng con
* Ông phát hiện con có niềm đam mê môn đua xe từ khi nào?
- Từ khi cháu còn nhỏ, gia đình chúng tôi đã nhận thấy con có một niềm yêu thích với các loại xe đua. Trong những món đồ chơi được tặng, cháu mê mẩn những chiếc xe.
Lớn hơn, cháu bị lôi cuốn với những chương trình truyền hình về các vận động viên đua xe chuyên nghiệp. Đôi lần bắt gặp ánh mắt say sưa của cháu, chúng tôi cảm nhận được dường như có một tình yêu đặc biệt trong cháu về môn thể thao này.
Chúng tôi bắt đầu dẫn cháu đến trường đua Đại Nam (Bình Dương) để cháu xem trực tiếp. Kế đó, chúng tôi cho cháu thử một số giải đua xe karting (xe đua 4 bánh kích thước nhỏ - PV). Thông số ban đầu được các huấn luyện viên đưa ra cho thấy cháu thật sự có tiềm năng.
Ở tuổi 11-12, nhiều đàn anh đánh giá cao độ điềm tĩnh của cháu trên đường đua cũng như khả năng phối hợp nhóm và tốc độ nhanh nhạy xử lý những tình huống phát sinh. Có lẽ phần nào đó là phẩm chất tự nhiên.
Sau khi đại dịch kết thúc, chúng tôi bắt đầu cho cháu tham gia trở lại một số chặng đua ở khu vực Đông Nam Á.
Chúng tôi cũng nâng cấp từ các giải karting sang giải đua xe Công thức 4 (F4) để có nhiều cơ hội phát triển hơn. Thường thì các giải đấu diễn ra theo một lịch đã được ấn định trong năm và muốn tham gia bạn phải sắp xếp thời gian. Và lịch thi đấu cũng không chừa… lịch học của bạn.
Vì vậy để có thể tham gia, chúng tôi phải xin phép với nhà trường mà cháu đang học được vắng một số buổi học và học online bù vào buổi tối, đặc biệt trong giai đoạn có giải đấu. Lúc đầu nhà trường còn e ngại, nhưng sau đó nhận thấy đam mê và sự nghiêm túc của cháu, trường cũng dần rộng mở hơn.
* Quá trình cùng con nuôi dưỡng đam mê, nhất là một đam mê tương đối khác biệt so với số đông, sẽ như thế nào, thưa ông?
- Khi thấy con có những dấu hiệu về sở thích, tiềm năng, phụ huynh nên tạo thêm cơ hội cho con quan sát trải nghiệm với niềm đam mê, tiềm năng đó.
Sẽ có những đam mê tiếp tục phát triển thành những tài năng, nhưng cũng có những đam mê chỉ dừng lại ở những đam mê hoặc những yêu thích trong một thời điểm.
Nếu có cơ hội, hãy cho con trải nghiệm. Tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình mà có thể cho con trải nghiệm bằng nhiều cách, nhưng luôn luôn sẽ có cách cho con, miễn là cha mẹ dành thời gian cho chúng.
Bởi lẽ, không ai khác, chính cha mẹ là những người nuôi dưỡng những tiềm năng này cho con. Việc phát triển tiềm năng không thể giao phó cho một người nào khác, kể cả những huấn luyện viên. Gia đình chúng tôi sắp xếp thời gian để tham gia những giải đấu cùng Hoàng Đạt, dù là ở Việt Nam, châu Á hay châu Âu.
Thời gian qua, tôi tham gia khoảng 70% giải đấu cùng cháu. Dù cháu tham gia cùng một đội nhưng sự có mặt của cha mẹ cũng hỗ trợ một phần cháu về tinh thần và những chuyện ngoài chuyên môn.
Tôi nghĩ luôn có khoảng cách thế hệ mà các cha mẹ khi nghe con muốn tham gia một môn thể thao hay một sở thích "lạ". Đôi lúc, nhận xét của cha mẹ bị ảnh hưởng chỉ bởi tên gọi của môn thể thao, hoạt động đó.
Chẳng hạn, khi nghe đến môn đua xe, nhiều người có thể dù chưa biết môn đó thế nào nhưng cảm giác ban đầu là sợ và không muốn cho con thi đấu.
Nhưng cứ một lần thử tìm hiểu và cùng con tham gia, bạn chắc hẳn sẽ có những góc nhìn rất khác. Tôi nghĩ đó là sự đồng hành cùng con, khi mà đánh giá những đề xuất kiến nghị bằng sự mở lòng và trải nghiệm.
Lá cờ Việt Nam trên đường đua
* Ông là người Anh, vợ là người Việt. Có bao giờ gia đình gặp những bất đồng về văn hóa khi dạy con hay không?
- Ngôn ngữ đầu tiên cháu học là tiếng Việt. Dù tiếng Anh cũng quan trọng đấy, và một nửa dòng máu của cháu là người Anh, nhưng tiếng Việt theo tôi vẫn là ưu tiên.
Cháu sinh sống ở Việt Nam, tiếng Việt là công cụ để cháu giao tiếp với mọi người. Khi có tiếng Việt, cháu là một phần của cộng đồng này.
Tiếng Việt sẽ giúp cháu bước chân vào văn hóa Việt, đặc biệt trong những năm tháng đầu đời. Đến giờ trong nhà, cháu vẫn nói tiếng Việt, tiếng Anh của cháu chỉ là ngôn ngữ thứ hai.
Tình yêu Việt Nam trong cháu cũng đến hoàn toàn tự nhiên mà đôi khi chúng tôi phải bất ngờ. Cháu rất thích đi các bảo tàng tại TP.HCM. Chiếc nón bảo hiểm mà cháu dùng trên đường đua luôn có hình ảnh lá cờ Việt Nam.
Đó là miếng dán decal cháu tự chọn với một niềm tự hào về đất nước của mình. Mới đây, cháu tự thiết kế một mẫu áo thi đấu cho mình, nơi hình ảnh ngôi sao vàng là chủ đạo. Cháu thường nói trong những chặng đua rằng luôn có một phần Tổ quốc sát cánh cùng cháu.
* Có những phẩm chất nào ở người Việt mà ông muốn Hoàng Đạt có được?
- Tôi thích sự cần cù và chịu khó của người Việt. Họ luôn mày mò, nhẫn nại trước những thử thách khó để đạt đến những mục tiêu mà mình đề ra. Tôi muốn con tôi có được phẩm chất này.
Ngoài ra, tôi nghĩ đó còn là sự lễ phép. Tôi luôn muốn con mình biết kính trên nhường dưới, có sự tôn trọng những người xung quanh, đặc biệt với người lớn tuổi. Có lẽ lễ phép là một điều tương đối đặc trưng mà các gia đình Việt Nam dạy con của mình khi so với văn hóa một số nước phương Tây.
* Ở Việt Nam, nhiều phụ huynh khá áp lực thành tích học tập của con. Với gia đình ông, thành tích học tập và thể thao có mối tương quan ra sao?
- Giáo dục chính khóa vẫn là một phần quan trọng. Gia đình chúng tôi xác định điều này ngay từ nhỏ cho các con, bởi giáo dục chính khóa tạo nhiều cơ hội nghề nghiệp và sự ổn định cao hơn cho con sau này.
Ngược lại, thể thao trang bị cho con sức khỏe và những kỹ năng mềm, nhưng phát triển sự nghiệp thể thao là hướng đi tương đối hẹp cần sự đầu tư bài bản và đôi khi là cả một chút yếu tố may mắn.
Chúng tôi vẫn thường nhắc nhở con cân bằng việc học, nhất là khi tuổi con vẫn còn nhỏ. Không cần quá xuất sắc, nhưng vẫn cần sự quan tâm đến chuyện học chính khóa.
Lúc đầu con cảm thấy hơi khó khăn khi vừa phải tham gia những chặng đua nhưng vẫn phải hoàn thành việc học.
Vì con hiểu lý do vì sao mình cần phải cân bằng cả hai hoạt động này. Tôi nghĩ phụ huynh rất cần giải thích cho con tường tận những gì con nên làm, để con hiểu và thực hiện một cách tự nguyện thay vì bị ép buộc.
* Ông NGUYỄN QUANG THẠCH (người khởi xướng chương trình "Sách hóa nông thôn"):
Tạo cơ hội tiếp cận tri thức
Tôi gặp ông Alistair Sawer vào năm 2007 khi tôi vừa khởi động mô hình "Tủ sách dòng họ". Tôi chia sẻ với ông về mô hình và ông ủng hộ "Tủ sách dòng họ" 100 USD.
Từ đó, ông thường xuyên liên lạc đề nghị ủng hộ sách cho chương trình, chẳng hạn năm 2010 ông hỗ trợ 20 tủ sách.
Nhiều năm sau, ông luôn đề nghị hỗ trợ sách nhưng tôi nói rằng chúng tôi nhận của ông thế là đủ rồi, người Việt chúng tôi phải tự làm. Bên cạnh hỗ trợ sách cho nông thôn Việt Nam, ông Alistair Sawer còn hỗ trợ các hoạt động của Mái ấm Hoa hồng nhỏ ở TP.HCM.
Trân trọng cảm ơn ông Alistair Sawer, một người Anh luôn hành động giúp trẻ em Việt Nam tiếp cận tri thức!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận