Ngoài ra, cô Hà cũng cho rằng người thầy phải đồng hành với học sinh bởi “biết đâu sự quan tâm bé nhỏ có thể thay đổi một con người”.
Chèo ghe tát nước tìm nhà học sinh
Năm 2009, cô Lệ Hà chủ nhiệm lớp 12. Trong lớp, C. có ý định nghỉ học. Không thể để học trò bỏ lỡ con chữ, cô quyết định tìm đến nhà C..
Hồi tưởng lại chuyến đi ấy, cô Hà cho biết vào nhà C. phải qua sông. Nước cạn phải lội, nước lớn thì chèo ghe. “Chiếc ghe màu xanh bị thủng tràn đầy nước, cô trò phải vừa chèo vừa tát nước để qua được sông. Đến nơi nhìn cái nhà tôi rất xúc động và hiểu vì sao em ấy đòi nghỉ học” - cô nói.
Ngôi nhà ba thành viên không có gì ngoài chiếc giường và chỗ nấu cơm. “Ngồi nói chuyện với nội em thì lúc đó em về, trên tay còn cầm hai trái dừa mới hái. Nhìn em rất tội nghiệp. Em đâu có biết tôi đến, tôi tự đi vô vậy. Em bảo là mặc cảm, nghỉ học để đi làm nuôi bà nội và em trai. Tôi rất chạnh lòng…”.
Mỗi ngày sau khi học về, C. đều đi hái dừa để ngày mai bà và em “có miếng cơm bỏ bụng”. Được biết cha mẹ C. đều có gia đình mới, chỉ có nội và hai anh em nương tựa lẫn nhau.
Hiểu được khó khăn của học trò, cô Lệ Hà đã trình bày với Đoàn thanh niên và ban giám hiệu trường, giúp đỡ C. để tiếp tục việc học. Đáng mừng, với sự cố gắng động viên, giúp đỡ của cô và mọi người, “C. cầm cự hoàn thành chương trình phổ thông”.
Coi học trò là con
Học trò Trường THPT Vĩnh Xuân gọi cô là “má Hà”. Theo cô, cái tên này xuất phát từ tình cảm của mình dành cho học sinh. “Đó là tình cảm của một người má cho những đứa con tôi không hề sinh ra! Thật sự tôi chưa được làm mẹ chính thức của một người nào hết, nhưng mà tôi lại là má của hơn 2.000 đứa con, đó chính là điều khiến tôi rất hạnh phúc”
Cô Hà luôn quan niệm học trò là những đứa con và người làm má phải có trách nhiệm. Không lo lắng được cho tất cả học trò về vật chất, nhưng về mặt tinh thần cô luôn cố gắng san sẻ và giúp đỡ.
“Trên đoạn đời sự nghiệp của mình, chỉ là cần được nghe chữ ‘má Hà’ thôi cũng thấy mát dạ” - cô Hà chia sẻ trong sự xúc động.
Hầu như năm nào cũng có học trò cá tính mạnh khiến nhiều giáo viên phải bận tâm nhiều. Theo kinh nghiệm của cô Hà, dạy các em này không phải dễ.
“Thứ nhất các em phức tạp lắm, có phần ngang bướng một chút, các em vừa quen ở ngoài xã hội, học còn yếu và thường muốn nói gì là nói cái đó”. Song, cô Hà cho rằng đây là những học sinh rất thông minh. Chính sự trải nghiệm cuộc đời quá sớm đã khiến các em như vậy.
Người cô vùng sâu tin rằng tình thương sẽ đáp lại tình thương. “Với học sinh cá tính mạnh người giáo viên không thể màu mè khuôn sáo hay bài bản, người thầy giỏi phải là người đọc được suy nghĩ của học sinh, thậm chí lúc bản thân các em còn chưa nói thì người thầy phải nói hộ lời của các em. Những cái gì trong đầu các em muốn là mình phải nói trước” - cô Hà nói thêm.
Bên cạnh đó, cô Hà cho rằng để trở thành một người thầy dạy tốt phải có sự tha thứ. “Nếu như không có sự bao dung và tha thứ thì vô tình giáo viên sẽ có cái nhìn tiêu cực với học trò” - cô Hà nói.
Học trò và ngữ văn là niềm hạnh phúc lớn nhất
Trong 21 năm đứng lớp, mỗi thế hệ học trò trưởng thành đều để lại cho cô nhiều kỉ niệm. Ngoài san sẻ những câu chuyện khó khăn, cô Hà luôn truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn văn.
Tống Vỹ Khang, hiện là sinh viên khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) từng là học trò của cô tại trường THPT Vĩnh Xuân khóa 2017 - 2020.
“Cô có lẽ cô không phải là người đầu tiên truyền cảm hứng cho mình về tình yêu môn văn, nhưng với mình, người truyền cảm hứng không quan trọng bằng người nuôi dưỡng tình yêu đó. Nếu như ba năm cấp III mình không gặp được má Hà thì chắc là tình yêu môn văn của mình đã không ‘cháy lớn’ như vậy…”.
Hiện Khang đang đi dạy học. Để dạy tốt, Khang học hỏi cô Hà các phương pháp giảng dạy đặc biệt là cách cảm hóa học sinh.
Là người nhiều năm làm việc cùng cô Hà, thầy Đỗ Ý Ly - chuyên viên phụ trách bộ môn ngữ văn, Phòng Giáo dục Trung học Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Vĩnh Long nhận xét: “Trong công tác chuyên môn, cô luôn chân tình chia sẻ, hỗ trợ. Trong suốt thời gian qua, cô đã có những đóng góp tích cực cho Hội đồng bộ môn của tỉnh, được học trò và đồng nghiệp tin yêu, quý mến!”.
Thầy cảm nhận học trò và Ngữ văn là niềm hạnh phúc lớn nhất của cô. "Mỗi lần nói về học trò, về nghề, gần như chưa bao giờ tôi thấy cô nản chí, hết nhiệt huyết. Theo tôi, đây là tố chất và bản chất của một giáo viên Ngữ văn đúng nghĩa”.
Sát cánh với những khó khăn của học sinh
Cô Nguyễn Thị Lệ Hà đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm, danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, hai lần nhận bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo.
Cô Nguyễn Thị Hoài Dung - phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân nhìn nhận: “Nhà trường luôn tin tưởng vào năng lực, tài năng và ghi nhận sự cống hiến của cô…
Nhà trường luôn sắp xếp để cô Hà dạy lớp 12 vì cô hiểu và nắm chắc các đối tượng học sinh, luôn đồng hành, cho lời khuyên, sát cánh với những khó khăn của học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn hoặc học sinh có cá tính mạnh, chưa ngoan trong học tập”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận