Dưới đây là chất vấn của bạn đọc Khánh Hưng gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.
"Câu chuyện "bắt cô giáo quỳ gối mới được cho qua chuyện" đang làm nóng dư luận. Đúng sai hai bên thì đã rõ, nhưng có một chi tiết mà tôi thắc mắc mãi: Khi cô giáo quỳ xin lỗi, vì sao ông hiệu trưởng và ông chủ tịch hội phu huynh đều có việc bận rời khỏi phòng họp.
"Khi ông hiệu trưởng rời khỏi phòng họp, đó phải chăng là sự "nhân nhượng", "chối bỏ trách nhiệm" của người mà đáng nhẽ ra phải ở lại giải quyết rõ ngọn nguồn? Và phải chăng, khi người "đỡ đầu" của cô giáo bước ra khỏi cửa, cô đành buông xuôi trước áp lực quá lớn của phụ huynh để rồi phải quỳ gối xin lỗi?"
Khánh Hưng
Cụ thể, theo bản tường trình vụ việc từ hiệu trưởng trường và cô giáo N., "ông Thuận có lớn tiếng và nói cô N. quỳ thì cho qua. Nhưng hiệu trưởng đã ngăn không cho cô N. quỳ. Một lúc sau, hiệu trưởng có giờ dự giờ nên rời khỏi văn phòng.
Ông chủ tịch hội phụ huynh do có việc bận nên cũng ra khỏi phòng. Còn lại cô giáo N., vợ chồng ông Thuận và bà hội trưởng hội phụ huynh lớp".
Như vậy, trong phòng họp lúc đó chỉ còn cô giáo N. và bà hội trưởng hội phu huynh lớp. Không nói ai cũng biết, khi hai người đàn ông (ông hiệu trưởng và ông chủ tịch hội phu huynh) bước đi vì "việc bận" thì trong phòng chỉ còn lại hai người phụ nữ (cô giáo N. và bà hội trưởng hội phụ huynh lớp), họ sẽ cảm thấy "yếu thế" ngay lập tức.
Trước đó, ông hiệu trưởng đã ngăn không cho cô giáo N. quỳ, lúc này cô N. chưa quỳ, vì biết bên cạnh mình còn có những người sẵn sàng phán xử đúng sai, làm rõ ngọn nguồn, bảo vệ mình.
Nhưng sau khi hai người có tiếng nói nhất bước đi, cô biết mình không có ai bên cạnh bảo vệ nữa, áp lực càng lớn khi ông Thuận nói "nếu cô quỳ gối thì mới cho qua, bằng không thì sẽ vận động tất cả các phụ huynh trong lớp phản đối cô giáo".
Trước áp lực đó, thử hỏi cô giáo N. (với bà hội trưởng hội phu huynh lớp) "dám" làm gì hơn?
Vì sao hai người đàn ông có tiếng nói nhất, là chỗ dựa cho giáo viên ở mỗi trường học lại bận đột xuất như thế? Vì sao họ có thể thờ ơ, bỏ mặc người dưới cấp của mình trước một áp lực như vậy?
Tôi đặt ra một giả thuyết, nếu ông hiệu trưởng và ông hội trưởng hội phụ huynh không bận việc lúc đó thì rất có thể cô giáo N. không phải quỳ xuống. Hay nói cách khác, cô buộc mình phải quỳ, khi thấy mình đơn độc, yếu thế và sợ hãi.
Giá như lúc đó ông hiệu trưởng không bận đi dự giờ (hoặc gác lại chuyện dự giờ để giải quyết cho xong vụ việc này đã, vì nó quan trọng hơn), giá như ông hội trưởng hội phu huynh không né việc vì bận đột xuất thì ít ra cô giáo N. cũng có một chỗ dựa về tinh thần cho mình.
Và sự việc sau đó đã khác. Nhưng hành động bỏ đi giữa lúc "nguy nan" là một điểm trừ rất lớn của ông hiệu trưởng và ông hội trưởng hội phụ huynh.
Trong câu chuyện rất buồn về giáo dục này, ai đúng ai sai, ai bị kỷ luật đã rõ. Và cũng có những người "không sai", "không bị kỷ luật" trên giấy tờ, nhưng họ cần nhìn lại mình. Vì hình ảnh cô giáo quỳ xuống, là hình ảnh của ngôi trường nơi họ đang làm việc.
Và, tương lai những thầy cô giáo khác cần biết rằng họ không đơn độc ở nơi họ đang đứng lớp mỗi ngày.
Bài viết thể hiện quan điểm góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận