Kỳ lạ cho một thế hệ trẻ vẫn luôn tự hào năng động, sáng tạo lại không dám bảo vệ ngay chính quyền lợi thiết thực của bản thân mình để phải cam chịu cả một học kỳ "tự học".
Những "thủ lĩnh" trong lớp đã làm gì? Ban chấp hành đoàn của lớp ở đâu? Vai trò của Hội đồng trong lớp ở đâu?! Nếu không có buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố, liệu sự việc có còn kéo dài như thế mãi đến cuối năm không?
Các bạn đã phản ánh với giáo viên chủ nhiệm mà giáo viên chủ nhiệm cũng chẳng làm gì được, không lẽ các bạn bó tay sao? Còn đó Ban giám hiệu nhà trường, còn đó Chi bộ Đảng trong trường, còn đó ban chấp hành đoàn trường và nhiều tổ chức chính trị khác trong trường, sao các bạn không dám báo cáo, đấu tranh để đảm bảo quyền lợi học tập của các bạn?
Phải chăng chính các bạn đang sợ, sợ mình lên tiếng sẽ bị trù dập, sẽ thiệt thòi hơn so với các bạn cam chịu? Các bạn nghĩ rằng ôi chả sao, người khác chịu được tôi chịu được, việc gì tôi phải lên tiếng không khéo lại mang họa vào thân?
Và tư duy các bạn nghĩ rằng cần phải lên tiếng nhưng người lên tiếng không phải là tôi?!
Bên cạnh đó, các bạn có đặt câu hỏi vì sao lại có cách ứng xử như thế với lớp các bạn không?
Các bạn có coi xem liệu rằng trong tập thể lớp các bạn có một vài cá nhân nào đó quậy phá, không tuân thủ nội quy nhà trường để cô giáo - vì sự an toàn nghề nghiệp của bản thân, phải chọn cách ứng xử tiêu cực "chỉ viết bài mà không nói gì"?
Nếu có những học sinh như thế, các bạn đã dám đấu tranh với những học sinh chưa ngoan đó vì quyền lợi học tập của cả lóp chưa hay các bạn nghĩ đó là việc của giáo viên, còn các bạn vô can, ai quậy phá gì mặc kệ miễn đừng đụng chạm đến tôi là được?
Đọc bài báo tôi bỗng lo lắng. Hình như ngày hôm nay chúng ta đang tạo ra một thế hệ trẻ có thể "đao to búa lớn" về những chuyện của ai đó, ở đâu đó trên mạng xã hội, trên không gian ảo… nhưng lại cam chịu, chấp nhận trước những vấn đề liên quan đến chính quyền lợi của bản thân cần được bảo vệ.
Điều đáng lo ngại hơn nữa, tâm lý ai đó sẽ là người có trách nhiệm đấu tranh chứ không phải tôi cũng đang hình thành trong giới trẻ ngày nay (thậm chí ngay cả trong tầng lớp thủ lĩnh thanh niên).
Trong nhà trường các bạn đã không đủ dũng cảm thực hiện những điều nhỏ như thế, khi ra đời các bạn có đủ dũng khí để đấu tranh với những sai trái trong xã hội mỗi ngày?
Mong lắm, giọt nước mắt của cô học sinh chảy xuống trong ngày tiếp xúc với lãnh đạo Sở giáo dục không phải là giọt nước mắt của sự tủi thân vì "sao không ai bảo vệ chúng cháu", mà đó là giọt nước mắt của sự xấu hổ cho cả một tập thể lớp không đủ can đảm tự bảo vệ mình.
Có như thế, mới hy vọng có được một thế hệ trẻ sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ đã dạy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận