26/11/2015 07:50 GMT+7

​Khi chuyện nội bộ bị xé ra to

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Vụ máy bay chiến đấu của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ có thể xem một cách không mong muốn, như là những cục tuyết lăn đầu tiên sẽ hóa thành một vụ lở tuyết khổng lồ, hậu quả khôn lường.

Cuộc khủng hoảng ở Syria có thể leo thang và trở thành một thảm họa mới của nhân loại. 

Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga - Ảnh: CNN

Đó là điều mà hầu như không ai đang tỉnh táo chờ đợi hay mong muốn. Đây là điều mà Tổng thống Pháp François Hollande đã bày tỏ trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama trưa 24-11 (giờ Washington): “Về chuyện vừa xảy ra (tức vụ bắn hạ máy bay Nga - NV), tôi muốn nói rằng chúng ta phải tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, do lẽ chúng ta hiện có thể thấy những nguy cơ khác như thế nào… Chúng ta phải ngăn ngừa một sự leo thang, điều này sẽ là vô cùng tổn hại”.   

Nguy cơ leo thang là có thể cảm nhận được sau những phát biểu của hai tổng thống Nga, Mỹ. Trong khi ông Putin nhanh chóng gọi đây là một hành động đâm sau lưng Nga và cảnh cáo rằng Nga sẽ không khoan dung với hành động này thì ông Obama cũng nhanh chóng quả quyết rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ, giống như tất cả các nước, có quyền bảo vệ lãnh thổ và không phận của mình. Tôi nghĩ rằng điều tối quan trọng ngay bây giờ là làm sao đảm bảo rằng cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nói chuyện với nhau để tìm ra chính xác những gì đã xảy ra và có biện pháp ngăn chặn bất kỳ sự leo thang nào”. 

Chuyện ai đúng, ai sai, các tường trình trung thực từ hai phía sẽ cho thấy. Song, bài học thứ nhất của vụ này là không vì bất cứ lý do gì mà hải phận hay không phận của một quốc gia độc lập có thể bị tùy nghi xâm phạm. Nếu chấp nhận điều đó ở đây, sẽ tái diễn điều tương tự ở nơi khác, có khi ngay trong nhà mình!

Bài học thứ hai là đừng bao giờ để các vấn đề nội bộ trong một nước lại bị “xé ra to” đến mức nước ngoài có thể trực tiếp hay gián tiếp can thiệp. Trong thực tế, giữa ông Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ và ông Assad ở Syria trước năm 2011 còn là mối quan hệ đồng minh.

Mọi việc chỉ xấu đi kể từ các biến cố năm 2011. Không phải vô cớ mà các nhóm dân tộc thiểu số hay tôn giáo ở Syria bỗng dưng trở thành “đối lập” với ông Assad rồi thành “phiến loạn”, chẳng qua do bị “quá đà” mà thôi.

Bất cứ quốc gia đa sắc tộc đều phải ý thức nguy cơ “bỏ quên” hay “xem nhẹ” cuộc sống các cộng đồng thiểu số, rằng phát triển phải là bền vững chung cho toàn thể dân số và rằng hớ hênh một chút sẽ bị “thọc gậy” ngay.

Thật ra, ông Hollande đến Mỹ để bàn chuyện chống lại IS là chính mà mới hôm 13-11 Paris đã là mục tiêu đẫm máu: “Mục đích duy nhất bây giờ là chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố và Daesh (IS). Đó là điều mà chúng ta, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga phải làm”.

Tiếc thay, vấn đề đặt ra là: chống khủng bố nào ở Syria khi mà cái khoảng cách trong lập trường và từ tháng 9 vừa qua là cả trong hành động quân sự đã dẫn đến những định nghĩa khác nhau: với Nga là IS và các nhóm “phiến loạn”, với phương Tây là chỉ IS mà thôi.

Trong mớ bòng bong định nghĩa “khủng bố nào?” cùng trong vòng xoáy của tình trạng có thể gọi là “chia phe (chuẩn bị) đánh nhau”, còn lâu mới dẹp được IS. Có đau đớn chăng là người dân Syria nói chung nay lâm vào cảnh nước nát nhà tan vì cuộc đụng độ từ xa giữa các siêu cường. Và cũng đau cho dân chúng châu Âu nay phải hứng chịu làn sóng khủng bố IS đó chưa biết đến bao giờ.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên