Thông tin cuối năm Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành nghị định trong đó yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội (cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok...) của cá nhân hay tổ chức phải định danh, khiến nhiều người, dù từng là nạn nhân của bắt nạt, lừa đảo trên mạng xã hội hay không, đều khấp khởi hy vọng.
Khi không còn "vô danh" trên mạng xã hội, ở đó chúng ta đối diện nhau với danh tính rõ ràng, với "khuôn mặt" thực, như chúng ta bấy lâu sống cùng bên nhau trong thế giới thực.
Biết đâu khi đó chúng ta sẽ nhân ái, tử tế với nhau hơn, hay ít nhất cũng ít đi những bắt nạt gây tổn thương hay lừa đảo.
Howard Gardner - giáo sư nghiên cứu về nhận thức và giáo dục tại Trường đại học Giáo dục Harvard thuộc Đại học Harvard - trong sách được dịch sang tiếng Việt với tựa Chân, thiện, mỹ trong tầm nhìn đương đại (Nhà xuất bản Tri Thức, 2021), đã chỉ ra Internet và mạng xã hội đã ảnh hưởng thế nào đến các giá trị cổ điển được xây dựng qua hàng ngàn năm của loài người, đó là chân (sự thật), thiện (cái tốt), mỹ (cái đẹp).
Internet, mạng xã hội đã "đặt chúng ta vào giữa một thế giới những người mà chúng ta không thể kiểm chứng nhân dạng và vai trò, một thế giới mà sự giao tiếp giữa con người không còn có thể dựa vào những cơ cấu điều tiết thông thường nữa".
Và trong hệ thống ấy, đôi khi dẫn đến thảm kịch như ông đã dẫn ra. Năm 2008, tại bang Los Angeles (Hoa Kỳ) diễn ra phiên tòa xét xử Lori Drew, người phụ nữ đã gián tiếp gây ra cái chết của Megan Meier.
Cô gái 13 tuổi này đã treo cổ tự sát sau những tin nhắn mà cô tưởng là từ chàng trai 16 tuổi tên Josh Evans. "Josh Evans" thực ra là một tài khoản MySpace giả mạo do bà Lori Drew và đồng phạm lập ra để hạ nhục Megan Meier vì bà cho rằng cô bé này đã tung tin đồn thất thiệt về con gái bà, cũng 13 tuổi.
Hai cô bé từng là bạn bè. Một cô bé bị tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội không rõ từ đâu, một cô bé sau đó đã chọn kết thúc cuộc đời giữa tuổi hoa niên vì những tin nhắn tiêu cực, tra tấn tinh thần từ một tài khoản mạng xã hội giả mạo.
Cái chết của cô bé vì sự không định danh trên mạng xã hội này không phải là cá biệt. Trong gần hai chục năm qua, nhiều cái chết oan uổng tương tự của những người trẻ đã xảy ra trên thế giới. Tại Việt Nam, xã hội đã nhiều lần chứng kiến những cô bé học trò tự tử vì mạng xã hội.
Có em bị tung video quay lén cảnh hôn bạn trai, có em bị ghép ảnh khuôn mặt vào một cơ thể ăn mặc "thiếu vải"... Và các em đã có quyết định dại dột vì không chịu được áp lực từ những lời thóa mạ, phỉ báng nặng nề trên mạng xã hội của những người xa lạ, vô danh tính để lại.
Một câu "chửi góp" trên mạng xã hội chẳng làm những người bình luận vô tâm ấy gặp rắc rối gì. Ngay khi câu "chửi góp" thêm "lửa" tạo nên bi kịch, họ cũng nghĩ trên cõi mạng mình đâu bị nhận diện. Vì thế vòng lặp cứ thế không ngừng.
Cũng vì "vô danh" mà nạn lừa đảo, tấn công trên mạng xã hội cứ tồn tại mà nhiều người trong chúng ta trở thành nạn nhân.
Ai cũng nói thế giới mạng không còn ảo nữa. Đúng vậy. Và quá trình "không còn ảo nữa" sẽ nhanh hơn, những luật lệ, thói quen giao tiếp, cư xử đúng mực, văn minh trong thế giới thực... sẽ được áp dụng nhiều hơn một khi chúng ta không còn "vô danh" trên mạng xã hội. Đó là bước tiến có lợi cho cộng đồng và mỗi cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận