TTCT - Liên minh các đảng cánh tả đã trở lại với tư cách đa số trong Quốc hội Pháp, kèm theo nhiều ngụ ý quan trọng với cả châu Âu. Mặt trận Bình dân mới là liên minh tiếp nối truyền thống cánh tả lâu đời ở Pháp. Ảnh: ReutersNgày 9-6-2024, cộng đồng 27 nước Âu châu (EU) bầu lên Nghị viện mới (EP). EP là một trong bảy thể chế của EU, năm năm bầu một lần. Với quần chúng và cử tri EU, đây là thể chế quyền lực mơ hồ. Một mặt, quyền lực đó phần nhiều là tượng trưng. Mặt khác, EU lại là nơi xuất phát những vớ vẩn bực mình rất bức xúc như chỗ họp chợ ngoài trời phải có bắt nước và ổ điện cho tủ mát. Trong tinh thần đó, cử tri tại Pháp đi bỏ phiếu với tỉ lệ tham gia thấp là hơn 51%.Tính toán của ông MacronThể thức bầu cử EP là một vòng, theo đại diện tỉ lệ. Nước Pháp có 81 ghế trong EP 720 người. Thành phần cử tri chống hay ủng hộ EU đi bầu, nhưng gần một nửa lãnh đạm và thờ ơ. Kết quả là Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu về nhất với 31,37%. Đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ có 14,6%. Hai đảng cánh tả được 13,8% và 9,9%. So với kết quả năm 2019 thì cực hữu tăng 7 ghế, phe tả tăng 10 và phe Macron mất 10 ghế. Đây là thất bại cho thành phần trung tính đang cầm quyền. Tổng thống Macron tuyên bố giải tán Quốc hội để hỏi lại lòng dân.Vậy là nước Pháp lại đi bầu Quốc hội sớm. Nhiệm kỳ 2022, phe Macron chỉ có 245 ghế, trong khi đa số tại Quốc hội cần 289 ghế. Trong hai năm 2022-2023, chính phủ đã dùng 20 lần luật 49-3 để qua mặt Quốc hội vì không có đủ đa số. Những năm còn lại của nhiệm kỳ này hẳn sẽ còn khó khăn hơn. Ông Macron giải tán Quốc hội vì nghĩ bầu cử mới sẽ thuận lợi cho ông hơn và giúp ông đạt con số thần diệu 289. Cực hữu đang lên thì quần chúng sợ, còn phía tả thì tan nát cấu xé nhau. Ông Macron tính làm ngư ông đắc lợi.Nhát ma cực hữu để thành công thì ông đã có tiền lệ thuyết phục qua hai nhiệm kỳ tổng thống. Năm 2017, nước Pháp có bốn thành phần tả, trung tả, hữu, cực hữu, mỗi thành phần khoảng trên dưới 20% cử tri. Ở vòng một bầu cử tổng thống, ông Macron chỉ có 24,1% và bà Marine Le Pen (cực hữu) 21,3%. Nếu phải đương đầu với phe tả (19,6%) ở vòng nhì, có thể ông Macron đã thua. May cho ông là bà Le Pen vô vòng nhì nên ông đại thắng với tỉ lệ 66,1%-33,9%. Như vậy ông làm tổng thống nhiệm kỳ đầu là nhờ ai cũng sợ cực hữu và phải nhờ đến ông làm lá chắn.Năm 2022 chuyện này lặp lại, dù ông Macron từ trung tả chuyển sang trung hữu để hốt phiếu của phe hữu. Lúc này chỉ còn ba phe lớn do phái hữu truyền thống thở không ra hơi và coi như chết rồi vì bị Macron lấn đất. Vòng một, Macron được 27,8%, Le Pen cực hữu được 23,1% và Jean-Luc Melenchon tả được 21,9%. Hữu truyền thống chỉ còn 4,8%. Sang vòng nhì Macron đắc cử 58,5% trước bà Le Pen. Như vậy cực hữu vẫn tiến, Macron muốn sống thì phải hữu hóa đường lối, về kinh tế, xã hội, lẫn ngoại giao. Phe tả bị bắt làm con tin, nếu không ủng hộ Macron thì cực hữu sẽ nắm quyền. Một mặt Macron áp dụng chính sách hữu để vuốt ve cử tri hữu, nhưng mặt kia lại dọa cử tri tả, nếu không ủng hộ tôi sẽ phải chịu đựng "trăm cay ngàn đắng" với phe cực hữu.Thể thức tác động tới kết quảTới đây, ta phải phân biệt cách thức bầu cử EP là một vòng với đại diện tỉ lệ và bầu cử quốc gia tại Pháp là hai vòng với đa số tuyệt đối ở vòng nhì.Bầu cử Mỹ là một vòng với đa số tương đối. Thể thức này khiến về lâu dài chỉ có hai lập trường chính trị rất gần nhau có thể hiện hữu. Lập trường và ứng viên thứ ba rất khó chen chân. Tại Pháp, từ Đệ tam cộng hòa (1870-1940), thể thức bầu cử là hai vòng. Vòng một, mọi quan điểm được bày tỏ rùm beng chiêng trống, nhưng sang vòng hai thì các ứng viên bé bị loại, và thường sẽ chỉ còn lại hai người. Các ứng viên bị loại thỏa thuận để ủng hộ họ và chia thành hai phe thôi.Thể thức bầu cử đại diện tỉ lệ (như để bầu EP) công bằng và chính xác. Cử tri bầu cho danh sách ứng viên. Có tới 38 danh sách nhưng danh sách dưới 5% không được chia ghế. Danh sách trên 5% phiếu được chia ghế theo tỉ lệ. Cực hữu Pháp 31,2% phiếu thì được 30 ghế, phe Macron 14,6% phiếu thì 13 ghế...Thể thức bầu cử hai vòng đa số tuyệt đối thì khác. Trong toàn thể 577 đơn vị bầu cử quốc gia, thể thức này là kiểu "được ăn tất" cho các đảng về đầu tại nhiều địa phương và không phản ánh chính xác như thể thức đại diện tỉ lệ. Kết quả bầu cử Quốc hội Pháp 2024 như sau: Tả (NFP, Mặt trận Bình dân mới): 180 ghế (vòng 1: 28,2%, vòng 2: 25,8%); Macron : 159 ghế (vòng 1: 21,3%, vòng 2: 24,5%); hữu: 39 ghế (vòng 1: 6,6%, vòng 2: 5,4%); cực hữu: 142 ghế (vòng 1: 33,2%, vòng 2: 37,6%).Ta thấy ngay số ghế không khớp với tỉ lệ phiếu. Thể thức hai vòng khiến dự đoán rất khó. Một người dự đoán nhầm to chính là ông... Macron. Một người lẩm nhẩm đoán nhầm nữa là bà Le Pen. Cho đến chiều 7-7, bà vẫn nghĩ phe mình sẽ có 289 đại biểu hoặc chí ít là đa số tương đối tại Quốc hội. Nhưng rồi bà thiếu đến 147 ghế để đạt đa số (dù kết quả này vẫn là kỷ lục của phong trào cực hữu tại Pháp từ 1940, tức là chuyện chưa từng thấy).Như thế, Macron đại bại và Le Pen không thắng, chỉ nở được mặt mày. Đa số tương đối tại Quốc hội Pháp 2024 giờ là phe tả, tuy với 189 đại biểu cũng còn rất xa số 289 cần thiết. Khác với Anh quốc, hay Thái Lan chẳng hạn, ở Pháp đa số tương đối tại quốc hội không bắt buộc được chỉ định để thành lập chính phủ. Nhưng dù có tính toán thế nào thì chính phủ mới cũng phải có phe tả tham gia, và đó không phải chuyện mới mẻ gì.Tên gọi Mặt trận Bình dân mới ngày nay chính là để nhắc lại Mặt trận Bình dân năm 1936 và phong trào xã hội trước Thế chiến 2. Nhưng 1936 cũng chưa phải lần đầu. Kể từ 1913 và Aristide Briand, nước Pháp đã có 17 thủ tướng và 25 chính phủ tả.Hiện phong trào này đang vào thời kỳ phân hóa và đổi dạng, nhưng nếu không có Mitterand 1981 thì sao có Macron 2017. Như vậy, phe tả ở Pháp, đoàn kết vội vã trong một mặt trận với chương trình ít nhiều thống nhất, trở lại là lực lượng được cử tri tín nhiệm hàng đầu. Lực lượng này mới thực sự ngăn chặn được làn sóng cực hữu, chứ không phải thành phần ở giữa như chính quyền Macron trước đây.■ Hiện tượng cực hữu phát triển tại Pháp hay châu Âu phản ánh hoàn cảnh chưa từng thấy sau Thế chiến 2: trì trệ về kinh tế sau những năm hậu chiến phát triển huy hoàng. Sự trì trệ này khiến quần chúng kỳ thị người nhập cư, bài màu da và tôn giáo, bài cả EU. 50 năm trước, nỗi lo của người Pháp là tận dụng nhân lực từ Bắc Phi, là vượt sa mạc Sahara để lùng lao động. Đó là thuở có những công ty nhân lực Pháp đến tận các làng châu Phi vẽ vời viễn tượng tháp Eiffel tối đến bật đèn. Các công ty này mỗi hợp đồng lao động là được lãnh tiền, anh làm ơn ký vào đây, tôi sẽ chở anh sang thăm kinh đô ánh sáng. Lực lượng lao động mà ngày nay cực hữu đòi đuổi đi đã góp phần xây dựng lại phồn vinh của quốc gia trong thời hậu chiến. Tags: Liên minh châu Âu EUEPTổng thống Pháp Emmanuel MacronSa mạc SaharaPháp
Cơm, phở sân bay giá trên trời, lẽ nào đi máy bay phải đem theo cơm nắm, thịt rim? HỒNG PHÚC 24/02/2025 Kết quả doanh thu tăng cao và biên lợi nhuận đáng mơ ước của các công ty khai thác dịch vụ ở sân bay khiến nhiều bạn đọc không ngần ngại chỉ ra sự vô lý của giá cả đang được bán ở sân bay trong nước.
Tranh cãi kịch liệt về cách xưng hô khi gặp bác sĩ THANH NGUYỄN 24/02/2025 Lời chia sẻ về cách xưng hô với bác sĩ của một cô gái khi đi khám bệnh đang nhận tranh cãi kịch liệt, người đồng tình nhưng cũng có người phản đối.
Tổng giám đốc một công ty sản xuất bao cao su xin nghỉ việc vì 'nhiều áp lực' BÌNH KHÁNH 24/02/2025 Ông Nguyễn Kinh Thành - tổng giám đốc Công ty cổ phần Merufa - xin nghỉ việc vì sau 4 tháng đã không thể hoàn thành nhiệm vụ mới với áp lực công việc như hiện nay, cũng như sự kỳ vọng từ chủ tịch.
Nhiều loại rau rớt giá thê thảm chỉ còn 1.000 đồng/kg, nông dân khóc ròng TẤN LỰC 24/02/2025 Từ sau Tết Nguyên đán, giá rau xanh tụt dốc không phanh, nhiều mặt hàng chỉ còn 'đồng giá' 1.000 đồng/kg khiến nông dân Gia Lai khóc ròng.