Từ đầu năm 2016 đến nay, số live show có “chất” của showbiz Việt chỉ đếm được trên đầu ngón tay - Ảnh: QUANG ĐỊNH, GIA TIẾN, NAM TRẦN |
Đáng chú ý nhất là suốt sáu tháng đầu năm 2016, thị trường ca nhạc gần như “không động đậy” khi không có sô diễn thuộc hàng “khủng” nào.
Các “ông hoàng”, “bà chúa” nhạc Việt đều không có live show hay live concert mang đậm tính sáng tạo hay tạo được cú hích đầy khích lệ cho thị trường.
Chưa có gì để phải xôn xao!
Nhộn nhịp nhất là trước Tết Nguyên đán cũng chỉ có hai live show nhưng lại diễn ra trong cùng ngày 16-1 là Ô cửa màu xanh của Mỹ Tâm và Cám ơn đời của Đan Trường.
Còn sau tết thì đáng giá nhất chỉ có sô kỷ niệm 20 năm ca hát của ca sĩ hải ngoại Mạnh Quỳnh với chủ đề Cám ơn cuộc đời. Gọi là đáng giá bởi Mạnh Quỳnh đã tự bỏ tiền đầu tư cho sô diễn được coi là dàn dựng công phu, tốn kém với mục đích ghi lại những gì đẹp đẽ nhất trong suốt 20 năm sự nghiệp của anh.
Dẫu vậy, đó chỉ là một sô nhạc trữ tình quê hương với lối trình diễn cũng như cách dàn dựng quen thuộc, không mang đến quá nhiều bất ngờ hay “hương vị mới” nào cho người xem.
Hồ Ngọc Hà sau thời gian “tránh bão” cũng thực hiện một live show khá đẹp mắt vào cuối tháng 4. Nhưng Love songs của Hồ Ngọc Hà cũng là một sô event (sự kiện) không bán vé dành cho khách của một hãng điện thoại theo hợp đồng đã được ký từ năm ngoái.
Cả bốn sô kể trên đều được thực hiện chỉn chu với những cách thức quen thuộc, chuyên nghiệp theo đúng kiểu công nghệ giải trí lâu nay nên thẳng thắn mà nói đã ít nhiều gây nhàm chán cho người xem, nhất là cho chính những khán giả trung thành của các giọng ca trên. Đáng nói nhất là với những cái tên “hạng A” này, sô dù kín khán giả thì may lắm mới huề vốn.
Ô cửa màu xanh của Mỹ Tâm (tháng 1-2016) -Ảnh tư liệu. |
Anh Lý Minh Tùng - quản lý ca sĩ Tóc Tiên - chia sẻ: “Chi phí làm sô hiện nay rất cao. Riêng tiền âm thanh, ánh sáng để “coi cho được” đã ngốn cả tỉ đồng.
Làm sô khó có lời nên ai cũng ngại làm, chỉ các ngôi sao hạng A còn chịu khó mỗi năm làm một sô để giữ tên tuổi. Nhưng vì họ đã làm live show quá nhiều lần nên rất khó để tạo nên một không khí hay phong vị tươi mới hơn.
Muốn nhìn thấy một màu sắc mới chỉ còn trông chờ vào các giọng ca trẻ, mà giọng ca trẻ thì nguồn lực tài chính cùng nhiều yếu tố khác lại chưa cho phép họ làm nên những điều khác biệt”.
Trong khi đó, ca sĩ Noo Phước Thịnh - dù đang là giọng ca đương thời và có thực lực - cũng dè chừng:
“Tôi đã dự định làm một live show thật “mượt” vào cuối năm ngoái nhưng tính tới tính lui thấy thu không đủ bù chi.
Nếu đã làm sô thì phải làm một sô thật khác biệt, tạo được cảm xúc và hứng khởi cho chính mình và người khác chứ làm một sô làng nhàng như sô truyền hình thì có ích gì. Nhưng làm được một sô gọi là như ý mình thôi, chưa bàn tới chuyện hoành tráng hay không, đã là vài tỉ và cầm chắc phần lỗ.
Nếu làm sô chỉ để thỏa thích, mặc kệ lời lỗ thì không thể coi đó là một hoạt động bình thường của thị trường được”.
Hẳn nhiên thị trường biểu diễn không quá bèo bọt chỉ với dăm ba sô như thế. Vẫn có những sô bán vé khá nhộn nhịp khác do các bầu sô tổ chức, gom ca sĩ về hát như tour lưu diễn của ca sĩ Chế Linh, Bằng Kiều... Nhưng những sô “xếp hàng lên hát” như vậy chỉ được ghi nhận như một hoạt động biểu diễn bình thường ở các tụ điểm, không có gì để phải “xôn xao”.
Noo Phước Thịnh "dự định làm một live show nhưng tính tới tính lui thấy thu không đủ bù chi" - Ảnh tư liệu |
Khi khán giả đã quá “no”...
Sân khấu trình diễn vắng vẻ, ngành công nghiệp sản xuất băng đĩa nhạc một thời hưng thịnh giờ cũng co lại, nhường cho thị trường âm nhạc online và các TV game show.
Thói quen chọn xem MV (video ca nhạc) trên mạng cũng là lý do các ca sĩ mạnh tay thực hiện MV (hiện mỗi tuần có 3-4 MV mới, trong khi 1-2 tháng, có khi phải 3 tháng mới có một album mới xuất hiện trên thị trường).
Tất cả các MV này sau khi thực hiện đều được “phát không” trên các kênh truyền hình hay YouTube và các mạng truyền thông xã hội khác. Nói là “phát không” nhưng cũng mang về cho ca sĩ kha khá tiền bản quyền và quảng cáo (đủ để tái đầu tư cho sản phẩm mới và có thêm các hợp đồng biểu diễn) nếu MV đó có lượt người xem cao.
Thực tế cho thấy chưa phải giải trí online mà TV game show hay cụ thể hơn là các chương trình ca nhạc truyền hình đang “bóp cổ” thị trường biểu diễn, sân khấu ca nhạc trên cả nước.
Đạo diễn Nguyễn Ngọc Thụy nhận định: “Ca sĩ từ vô danh cho đến “có tên” đều hăng hái tham gia các sô truyền hình với những tiết mục được đầu tư đẹp mắt và công phu nhất như hiện nay thì không khán giả nào muốn ra ngoài xem sô nữa.
Bên cạnh đó, các nhãn hàng thay vì làm quảng cáo hoặc đăng bài PR lại chọn hình thức tổ chức một sự kiện âm nhạc miễn phí sẽ dễ dàng thu hút công chúng và quảng bá hơn”.
Như vậy, việc làm sô bán vé sẽ ngày một khó khi khán giả đã quá “no” với các chương trình miễn phí mà sô bán vé giá lại quá cao do chi phí sản xuất lớn.
Người làm sáng tạo thì sợ thua lỗ, thất bại, còn người thưởng thức lại sợ tốn kém hay phá đi những thói quen cũ. Cuộc giằng co này cứ như sợi dây kéo tất cả phát triển theo chiều... ngang với hàng loạt sô “công thức”, na ná nhau, mãi không thoát khỏi cái không khí ngột ngạt quá độ của một thị trường âm nhạc đang nhiều thử thách và biến động của V-biz.
Bùng phát sô tưởng niệm và âm nhạc vì cộng đồng Lượng live show cá nhân của các ca sĩ trong thời gian qua tuy khá ít nhưng lượng live show tưởng niệm những nhạc sĩ, ca sĩ lại tăng. Những đêm nhạc tưởng nhớ các nhạc sĩ An Thuyên, Lương Minh, Thanh Tùng, Nguyễn Ánh 9, Trần Lập... dù là những đêm nhạc giàu cảm xúc nhưng vẫn khiến người xem lẫn nghệ sĩ trình diễn nặng lòng nhiều hơn là được thăng hoa. Có một điều an ủi là đời sống âm nhạc càng tẻ nhạt thì các nghệ sĩ càng gắn bó trong các dự án hay chương trình âm nhạc vì cộng đồng với hàng loạt chương được chăm chút như: Mang âm nhạc đến bệnh viện, Gắn kết yêu thương, Chảy đi sông ơi, Câu chuyện hòa bình... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận