Khi các công ty thực phẩm đa quốc gia và quan chức khăng khít 

TTCT - Chuyện các công ty đa quốc gia “tạo ảnh hưởng” chính sách để có lợi cho sản phẩm mình sản xuất xảy ra với tần suất ngày một tăng khắp các thị trường. Ở Trung Quốc, ngay khi những chiến dịch chống căn bệnh béo phì được khởi xướng thì cũng là lúc người ta nhận ra có điều không bình thường...

Bảo tàng Coca-Cola ở Thượng Hải. Ảnh: Getty Images
Bảo tàng Coca-Cola ở Thượng Hải. Ảnh: Getty Images

 

Trung Quốc đã và đang có nhiều nỗ lực chống lại bệnh béo phì, trong đó có các chiến dịch kêu gọi người dân tập thể dục. Dù nhìn nhận đây là động thái tích cực, nhưng một số chuyên gia lại cho rằng tầm quan trọng của việc cắt giảm lượng calories mà cơ thể tiêu thụ từ thức ăn nhanh và nước ngọt dường như đang bị “cố tình quên mất”.

Liên minh “đường mật”

Một bài viết của tác giả Andrew Jacobs đăng trên The New York Times ngày 9-1 đã dẫn lại kết quả một số nghiên cứu nghi ngờ chuyện thao túng chính sách.

“Happy 10 Minutes (10 phút hạnh phúc), một chiến dịch do Chính phủ Trung Quốc khởi xướng khuyến khích học sinh tập thể dục 10 phút mỗi ngày, có vẻ như là một bước tiến đáng khen ngợi nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng ở một quốc gia đang chật vật với tỉ lệ béo phì ở trẻ em đáng báo động” - Andrew Jacobs mở đầu bài viết.

Tuy nhiên, theo tác giả, đáng chú ý ở sáng kiến đó, cũng như những nỗ lực khác nhấn mạnh rằng thể dục là phương cách tốt nhất để giảm cân, là điều không được nhắc đến: tầm quan trọng của việc cắt giảm đồ ăn vặt chứa nhiều calories và đồ uống có đường đang tràn lan trên thị trường.

Trên thực tế, thông điệp “thể dục là tốt nhất” ở Trung Quốc được quảng bá mạnh mẽ phần lớn là nhờ Coca-Cola cùng các ông lớn trong ngành thực phẩm và nước giải khát phương Tây.

Một số nghiên cứu mới được công bố gần đây đã ghi lại cách thức mà những công ty này “giúp” định hình lĩnh vực khoa học và chính sách công của Trung Quốc về bệnh béo phì, cũng như các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống như tiểu đường loại 2 và cao huyết áp suốt nhiều thập kỷ qua.

Hai nghiên cứu được tác giả Andrew Jacobs viện dẫn là “Khiến Trung Quốc trở thành nơi an toàn cho Coca-Cola: làm cách nào mà Coca-Cola định hình giới khoa học và chính sách về béo phì ở Trung Quốc” (Making China safe for Coke: how Coca-Cola shaped obesity science and policy in China) đăng trên tuần san y khoa BMJ ngày 9-1, và “Sức ảnh hưởng của ngành giải khát lên giới khoa học và chính sách về béo phì ở Trung Quốc” (Soda industry influence on obesity science and policy in China) trên tạp chí y khoa Journal of Public Health Policy cùng ngày.

Hai nghiên cứu đều của tác giả Susan Greenhalgh - chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Harvard - chỉ ra phương thức mà Coca-Cola và các công ty thực phẩm đa quốc gia khác đã “làm thân” với các quan chức quan trọng của Trung Quốc như thế nào, trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng quy định và áp thuế nước ngọt đang ngày càng lớn mạnh ở phương Tây.

Những kết luận của giáo sư Greenhalgh dựa trên các cuộc phỏng vấn một số quan chức và nhà khoa học Trung Quốc, cộng với việc xem xét các tài liệu mà Coca-Cola và Tổ chức International Life Sciences Institute (ILSI) công khai. Giáo sư này cho rằng những nỗ lực của ngành công nghiệp giải khát đã cực kỳ thành công.

Theo nghiên cứu, các công ty này hoạt động thông qua ILSI - một tổ chức được tài trợ bởi những tên tuổi lớn nhất trong ngành thức ăn nhanh, trong đó có Nestlé, McDonald’s, Pepsi Co., Yum! Brands và Coca-Cola.

Tổ chức này có 17 chi nhánh và hầu hết phân bố ở các nền kinh tế đang lên như Mexico, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil. ILSI tự quảng bá mình là cầu nối giữa các nhà khoa học, quan chức nhà nước và các công ty thực phẩm đa quốc gia.

Coca-Cola từng cố gắng áp dụng chiến thuật tương tự ở Mỹ bằng cách hợp tác với các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng và sáng lập ra một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi Global Energy Balance Network (Mạng lưới cân bằng năng lượng toàn cầu) nhằm quảng bá thông điệp rằng thể dục, chứ không phải chế độ ăn uống, là giải pháp cho cơn khủng hoảng béo phì quốc gia.

Thế nhưng năm 2015, sau một bài báo của The New York Times đưa tin về việc nhận hỗ trợ tài chính từ Coca-Cola, làn sóng chỉ trích đã hướng về tổ chức này với cáo buộc rằng họ đã cố gắng định hình việc nghiên cứu về béo phì và dập tắt những chỉ trích về sản phẩm của mình. Không lâu sau đó, tổ chức này tuyên bố đóng cửa.

Trong khi đó, theo giáo sư Susan Greenhalgh, ở Trung Quốc từ cuối thập niên 1990, ILSI đã tổ chức nhiều hội thảo về béo phì, lo chi phí cho các nhà khoa học Trung Quốc tham gia các sự kiện đó và giúp tạo ra nhiều chiến dịch sức khỏe quốc gia nhằm chống lại cơn đại dịch béo phì.

Hành động “xảo quyệt”

Các sáng kiến về sức khỏe cộng đồng của Trung Quốc hầu hết đều quảng bá việc tập thể dục và hiếm khi nhắc đến giá trị của việc cắt giảm calories, hay giảm tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn và nước giải khát có đường.

Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng giảm tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn và nước giải khát có đường là cần thiết cho việc giảm cân và cải thiện sức khỏe.

“Bạn không thể chỉ vận động để hết béo phì, cao huyết áp hay tiểu đường” - giảng viên dinh dưỡng Barry Popkin của Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill khẳng định. Ông Barry Popkin không tham gia nghiên cứu của bà Susan Greenhalgh, nhưng đã có mấy chục năm ở Trung Quốc để giúp phát triển các hướng dẫn về dinh dưỡng và chính sách thực phẩm.

Ông nói những nỗ lực đó thường bị cản trở bởi các quan chức ủng hộ ILSI. “Qua nhiều thập kỷ, Coca-Cola và ILSI đã hợp tác với nhau để cản trở bất cứ chính sách thực phẩm nào có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Những gì mà họ đã và đang làm ở Trung Quốc thật xảo quyệt” - ông thẳng thắn.

Theo Martin McKee - giảng viên sức khỏe công chúng châu Âu tại Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London, ILSI và các tổ chức đại diện cho lợi ích của những công ty thuốc lá, rượu và thức ăn nhanh đã nhận thấy thị trường màu mỡ ở các nước nghèo, nơi quy định về y tế cộng đồng còn lỏng lẻo. Giáo sư McKee, người đã viết một bài luận về nghiên cứu của giáo sư Greenhalgh đăng trên BMJ, cho biết những tổ chức đó thường tự nhận mình là những đơn vị độc lập, tuy nhiên lại từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về các khoản tài trợ.

Ông cũng nói thêm các tổ chức đó ủng hộ và công bố các nghiên cứu khoa học với kết quả đôi khi gây rối thêm các vấn đề gây tranh cãi như hút thuốc, uống rượu hoặc nước ngọt. “Họ thường lựa chọn dữ liệu rất kỹ theo cách đánh lạc hướng khi nói về những vấn đề này như thể quá phức tạp đến mức không thể làm gì được” - ông nói.

Chỉ trong vài thập kỷ, Trung Quốc đã đi từ một đất nước phải lo lắng vì thiếu hụt lương thực thành một quốc gia “bội thực” vì bệnh béo phì và các bệnh mãn tính liên quan đến chế độ ăn uống ngày càng tăng mạnh.

Theo các nhà nghiên cứu địa phương, hơn 42% người trưởng thành ở Trung Quốc thừa cân hay béo phì, hơn gấp đôi tỉ lệ năm 1991. Một số khảo sát của chính phủ cũng cho thấy tại các thành phố, gần 1/5 trẻ em bị béo phì.

Sự gia tăng này tỉ lệ thuận với sự thịnh vượng đi lên ở Trung Quốc từ những năm 1980, khi Bắc Kinh mở cửa kinh tế thị trường sau nhiều thập kỷ cô lập. Năm 1978, Coca-Cola trở thành một trong những công ty được phép vào nước này và ILSI cũng xuất hiện không lâu sau đó.

“Đảm bảo liêm chính khoa học”

Trong một tuyên bố, ILSI cho biết họ cam kết ủng hộ “việc nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm dựa trên bằng chứng”, khẳng định không tiến hành các hoạt động vận động hành lang hoặc đưa ra khuyến nghị chính sách tại các quốc gia nơi họ hoạt động.

“ILSI không nói là chúng tôi hoàn hảo trong lịch sử 40 năm hoạt động của mình. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đã có những va chạm trên hành trình đó. Đây là lý do tại sao ILSI đã phân tích các thực tiễn tốt nhất và cam kết đảm bảo sự liêm chính khoa học trong nghiên cứu ngành dinh dưỡng và thực phẩm” - ILSI tuyên bố.

Phía Coca-Cola cũng lập luận rằng công ty đã thay đổi cách thức tài trợ cho việc nghiên cứu khoa học thông qua các chính sách minh bạch hơn và chấm dứt hoạt động cung cấp tiền cho các nghiên cứu.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, Coca-Cola cũng đã và đang tìm cách giải quyết tình trạng béo phì ở Trung Quốc bằng cách tung ra thị trường một loạt đồ uống không đường mới và cải thiện nhãn dán dinh dưỡng trên các sản phẩm của mình. “Chúng tôi nhận ra rằng quá nhiều đường thì không tốt cho bất cứ ai cả” - hãng này tuyên bố.

Trong các cuộc phỏng vấn, một số chuyên gia dinh dưỡng Trung Quốc nói rằng họ không thấy phiền với mối quan hệ giữa ILSI với các công ty giải khát đa quốc gia như Coca-Cola và bảo vệ sự liêm chính, trung thực của các nhà nghiên cứu được ILSI hỗ trợ.

He Jiguo, giảng viên dinh dưỡng tại Đại học Khoa học thực phẩm và kỹ thuật dinh dưỡng thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho rằng Coca-Cola chỉ khuếch đại quan niệm tập thể dục là điều cần thiết cho sức khỏe con người, một ý tưởng đã tồn tại ở Trung Quốc từ lâu. “Mấu chốt nằm ở chỗ dù Coca-Cola hay các công ty nước giải khát có nói gì thì thức uống của họ cũng chỉ là sản phẩm trên thị trường. Chẳng ai bị ép phải mua cả” - vị này lập luận.■

Tiêu thụ đồ uống ngọt giảm sút ở Mỹ và châu Âu, thì Trung Quốc và các nước đang phát triển khác là thị trường cần thiết để duy trì lợi nhuận cho các công ty như Coca-Cola. Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của công ty này, theo The New Yorks Times.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận