Rất nhiều bóng hồng ngày nay tự tin đi học lái xe, và chính tôi dạy lái mà thấy không ít cô tiềm năng còn lái xe giỏi hơn cả thầy dạy.
Cô giúp thầy thêm vững nghề
Nghề lái xe đường dài giúp tôi thỏa chí đi khắp mọi miền. Đến đứng tuổi, tôi được khuyên đi học nghiệp vụ sư phạm dạy lái xe.
Thế là tôi dạy lái từ đầu năm 2011. Từ một tài xế, tôi làm thầy những người đi học lái xe từ trẻ tới già, từ nông dân tới trí thức, nam thanh nữ tú khiến tôi hồi hộp xen lẫn sung sướng. Hồi đầu, lớp mà có thêm một vài cô học trò chân dài, mắt nhìn thầy chớp chớp cũng khiến tôi mặt đỏ nhừ.
Có lần quan sát trên sân sát hạch, tôi để ý một phụ nữ trung tuổi đã rớt sát hạch lần hai, chị đang đăng ký thêm giờ ôn luyện để hôm sau thi lại.
Thấy chị cứ đến bài 3, bài dừng xe và khởi hành ngang dốc thì xe chết máy vài lần, rồi đèn trên nóc xe lại đỏ báo rớt trực tiếp. Nhiều lần như vậy nhưng không có giáo viên nào hướng dẫn, tôi đến hỏi thì chị cho biết: "Thầy chán tôi rồi, nên tôi tự tập".
Tôi chậm rãi bảo chị cho xe đứng tại chỗ, kéo và nhả phanh tay cho tôi xem. Thấy chị dùng hết sức khi kéo lên, rồi khi nhả chị lại cong cả người mới nhả được phanh tay xuống. Tôi từ tốn chỉ chị cách kéo và nhả phanh tay nhẹ nhàng một vài lần rồi nhắc chị làm lại. Thế là chị thi đạt sát hạch.
Không thể nhớ tôi đã dạy bao nhiêu lớp và bao nhiêu học viên nữ, nhưng trong rất nhiều cái tên mà tôi quên thì còn rất nhiều tên tôi vẫn nhớ mãi, vì chính họ là những bài học để tôi trưởng thành hơn trong nghề dạy lái.
Lần đau nhất, nhớ nhất là tôi dạy ba sư cô thì cả ba cô đều... rớt sát hạch. Tôi bị ông hiệu trưởng đập bàn bảo tôi tự viết đơn xin nghỉ việc chứ không ông ấy sẽ đuổi. Tôi phải viết giải trình mấy lần lý do tại sao ba cô bị rớt. Lần đầu tôi trình bày các cô học lớp do thầy A. hướng dẫn, đến khi ra thực hành đường trường không chạy được mới yêu cầu thay thầy giáo và tôi được phân công dạy thay.
Thấy các cô chưa thạo sử dụng chân côn, chân ga, tôi chỉ cách đạp côn phải dứt khoát, nhả côn phải từ từ và tôi xin phép cầm hai bàn chân các sư cô để chỉ chính xác cách côn ra, ga vào thế nào.
Ngày cuối ôn luyện để thi sát hạch, ba cô đều tự tin và đạt điểm thử cao. Nhưng hôm vào thi thì các cô đồng loạt... rớt sạch. Lãnh đạo trường bắt viết giải trình, tôi ngẫm lại có thể do sát hạch viên yêu cầu các sư cô bỏ khăn trùm đầu là nguyên nhân. Bởi chiếc khăn che đã được sư cô đội từ ngày cắt tóc quy y, nay phải bỏ ra khiến các cô mất tập trung.
Thi lại lần hai, các sư cô đã chuẩn bị tốt tâm lý nên vượt qua một cách dễ dàng...
Thầy giáo dạy lái xe cho cô giáo
Nhìn lại thời gian đầu đi dạy, tôi thấy nhiều quan niệm của giáo viên lái xe thời đó rất vô lý. Mỗi thầy, mỗi xe được phân 4 - 5 học viên nhưng nhóm thầy nào có 3 - 4 học viên nữ trên một xe thì người đó cảm thấy rất áp lực. Phần đông cho rằng nữ học chậm hơn nam.
Và đặc biệt còn có thêm quan niệm dạy cho các cô giáo rất khó, bởi họ chỉ quen dạy người khác nên giờ người khác dạy lại mình thì họ khó tiếp nhận. Đó là những quan niệm sai hoàn toàn, chỉ vì giáo viên mới như tôi khi đó chưa có kinh nghiệm, chưa biết cách truyền đạt và có chăng nữa thì cũng chỉ số ít một vài học viên cá tính mà thôi.
Còn nhớ lần tôi dạy một nữ giáo viên trẻ đẹp, năng động đang dạy trung học và đang học lên thạc sĩ. Thời gian cô ấy gần như là vàng. Cô đi học luôn tranh thủ. Và trong một lần tôi ngồi bên chỉ vẽ lái xe, thì cô ấy vừa lái vừa bận nói chuyện với bạn trai. Tai cô ấy nhét headphone. Tôi lúc ấy rất bực, chỉ ước giá mà được phép cắt tay lái ngay lập tức.
Nhưng thực tế thì tôi lại phải năn nỉ: "Cô làm ơn bỏ tai phôn ra giùm. Tôi còn vợ trẻ, con dại ở nhà. Cô để tôi kiếm vài đồng lương đem về nuôi vợ, nuôi con chứ cô đeo tai phôn kiểu này nguy hiểm quá!".
Vài ba lần sau, tôi chỉ thêm bài tiến lùi chữ chi, cách căn, cách bám vạch kẻ đường, thì cô ấy thẳng thừng từ chối: "Hôm nay em không học được, để hôm khác thầy ạ". Gần đến ngày thi, cô ấy lại yêu cầu tôi cho mình cô ấy học vào buổi trưa và buổi tối bởi cô ấy bận.
Tôi bảo: "Trưa, tối, cô cũng phải cho tôi ăn cơm và nghỉ ngơi chứ". Thế là giận hờn, cô ấy phản ánh thái độ không hết lòng vì học viên của tôi lên trang web nhà trường.
Thế đấy, bên cạnh những học viên rất cá tính như vậy, tôi càng thêm nhớ cô giáo Hiền, về hưu mới đi học lái. Mấy ngày đầu chỉ ngồi lên xe là cô ấy say, nôn mửa.
Tôi đùa: "Cái xe chỉ là vật vô tri, mà chị say như thế. Tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ, chỉ cho chị lái cho tốt vậy mà chị không "say tôi" lại đi say xe là sao".
Thế là cô ấy và cả lớp cười vui vẻ. Đến bài lái xe trên đường, cô Hiền nói: "Thưa thầy, em đi học cho vui chứ chắc không lái được đâu. Để em gọi thầy hiệu trưởng xin nghỉ phần đi đường trường, chứ say xe thế này mà đi là em chết mất".
Tôi bảo: "Đi học lái, học phí mất mười mấy triệu mà không tiếc, không lo cố gắng học. Mai chị đi học, đem theo cái mũ bảo hiểm, học xong tôi cho chị đón xe về trước".
Hôm sau cô ấy đem mũ bảo hiểm đi theo. Cô ấy lái, tôi cầm mũ bảo hiểm nói vui cho quên say: "Có nôn thì chị nôn ra đây, tôi hứng cho nhé". Thế là cười vui vẻ, không thấy say xe nữa. Cô ấy thi đạt sát hạch, về mua xe đưa đón cháu đi học ngon lành.
Nhiều cô thành tay lái giỏi
Tôi nhớ chị Ly, lớn tuổi làm ở công ty cao su. Lớp có năm người thì bốn thanh niên, mình chị là nữ. Sáng nào chị cũng hỏi: "Hôm nay em nào chạy trước không nè?". Các thanh niên nhìn nhau thì bảo: "Để chị".
Và tôi càng thêm nhớ chị, bởi sau khi học xong các bài tiến lùi chữ chi, ghép ga ra dọc, ngang thì chị bảo: "Nền nhà em cao lắm. Thầy chỉ em cách lùi xe lên dốc để sau này biết cách mà lùi cho khỏi sập nhà ạ".
Tôi cảm phục tinh thần ham học hỏi của chị. Tôi đưa xe ra dốc hướng dẫn và chị nhanh chóng nắm bắt.
Còn rất nhiều cái tên tôi nhớ như cô Ly học lái xe hạng C (xe tải), cô Nhung, cô Hằng công an... học lái cực nhanh, cực giỏi. Cô Xuân, nhà báo, quá trình học còn nhỏ nhẹ chỉ tôi cách phân các phần của bài học thành từng bước để học viên dễ nhớ. Bước một mở cửa xe, ngồi vào ghế lái. Bước hai, chỉnh ghế, thắt dây an toàn. Bước ba, nổ máy...
Và số đông học viên là phụ nữ sau khi đạt kỳ thi sát hạch quốc gia, họ đã tự tin điều khiển phương tiện và tham gia giao thông an toàn. Tôi biết nhiều cô lái xe đi làm, đưa đón con cái, thậm chí lái taxi, xe tải ngon ơ, chứ đâu thể chỉ nhìn vài vụ tai nạn lãng xẹt do tay lái nữ gây ra mà vội sai lầm chê các cô lái yếu...
Thực tế cũng có nhiều học viên lái xe, đặc biệt là phụ nữ, hơi sợ, lúng túng trong một vài ngày đầu. Sau này có kinh nghiệm dạy, tôi hay nói vui mà thấm: "Hồi xưa tôi đi học còn chậm hơn anh chị nhiều, đừng lo".
Cô Loan, cô Tùng là giáo viên cấp II. Những ngày đầu đi học lái, các cô không những học tốt mà còn... làm giáo viên dạy lái cho một cô bạn chưa đi học đã có tiền mua chiếc 7 chỗ để nhà.
Tôi phát hiện vì tối hôm đó sau khi các cô tự dạy cho cô bạn xong, đánh xe về nghỉ. Sáng hôm sau ba cô lấy xe để học tiếp thì thấy phía bên phụ chiếc xe đậu quá sát tường nên không cô nào dám lên lùi xe ra.
Bí thế, các cô phải gọi tôi lên giúp, rồi thành thật: "Vì bạn có xế xịn, vì đam mê muốn thực hành ngay nên cứ học xong bài nào tụi em lại chỉ cho bạn bài đó đúng như thầy dạy". Tôi hết hồn. Xe tập lái có phanh phụ, còn các cô dạy không cần phanh phụ. May không xảy ra chuyện gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận