Bị xin đểu, thấy người khác bị xin đểu, thật sự tôi đã là người ở cả hai hoàn cảnh này. Và tôi đã phải chọn cách im lặng là vàng.
Lý do đơn giản vì tôi còn gia đình, vợ con, tôi sợ bị trả thù tai bay vạ gió.
Tôi chấp nhận của đi thay người dù bị xem là kẻ nhát chết.
Tôi rất nhớ lần mình về ăn cưới người nhà ở Cần Thơ giữa năm 2013, trên một tuyến xe từ Sài Gòn về Cần Thơ tôi bị xin đểu. Đó là hai gã thanh niên tầm tuổi 30, vẻ mặt dữ tợn với chi chít hình xăm ở cổ, hai cánh tay. Khi lên xe chúng chọn ghế cuối cùng của toa, cả hai đều nồng nặc mùi rượu và thuốc lá.
Sau khi xe đi được tầm 15 phút thì chúng bắt đầu giở trò, chúng giả vờ lục túi lấy dao bấm ra gây tiếng động tanh tách, rồi còn lấy một mớ mấy đồ nghề mà dân nghiện ma túy đá hay dùng ra lau chùi. Một lúc sau chúng quay sang mấy người chúng tôi: “Cho bọn em xin mấy đồng về quê”.
Nghe nói xin thì rất nhẹ nhàng nhưng đi kèm là ánh mắt hung dữ, đỏ khè và cái nhếch mép đầy hăm dọa. Rồi chẳng ai bảo ai, người ít thì mười ngàn cho đến dăm bảy chục ngàn đồng. Hôm đó tôi cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt đưa chúng 50.000 đồng.
Điều đáng nói là cảnh này diễn ra trắng trợn mà tài xế, chủ xe và lơ xe mở nhạc thật to rồi ngó lơ như không có gì xảy ra!
Chuyện xin đểu xưa nay đã diễn ra công khai và gặp ở nhiều tuyến xe khác nhau. Song tôi thấy cần cảnh giác cao độ với mấy tuyến xe đón khách dọc đường, không có bến bãi cố định và những xe không mang bảng hiệu rõ ràng.
Có nhiều trường hợp chứng kiến cảnh xin đểu nhưng do lo cho an toàn bản thân nên chọn cách im lặng là vàng. Cũng như mấy trường hợp đi bắt trộm bị trộm hành hung gây thương tích nặng, thậm chí là bị giết chết. Những người như chúng tôi rất sợ bị rơi vào hoàn cảnh như thế, mà đòi được vạ thì má đã sưng rồi.
Có ý kiến cho rằng cần có đường dây nóng hoặc các biện pháp hữu hiệu bảo vệ người dám đứng ra tố cáo, can thiệp. Thực tế là dù có số điện thoại nóng 113 nhưng đã mấy ai dám bấm gọi. Cái cảm giác phải trình bày và sợ liên lụy ăn sâu vào nếp nghĩ của chúng ta quá rồi.
Hi vọng là phải có hình thức phạt nặng, xử lý mạnh tay những kẻ côn đồ, nhà xe, tuyến xe có tình trạng trên.
Không thể ai xui thì "trời kêu ai nấy dạ" Một nhóm nếu chống lại một cá nhân dĩ nhiên là nhóm thắng. Nhưng nói thì dễ chứ ai mà không sợ. Ví dụ khi đó nếu có một người bị bọn xấu đâm trúng bằng kim có HIV chẳng hạn. Rồi người đó qua đời để lại vợ con thì toàn bộ đám đông đó sau này có hỗ trợ gia đình đó suốt đời hay không, hay chỉ là ngưỡng mộ ủng hộ về tinh thần thôi. Chống cái xấu là tốt nhưng phải suy xét an toàn, khả năng thành công mà không có bất cứ thiệt hại nào chứ đâu thể cứ ào ào lên. Đâu thể ai chết thì coi như người đó xui, trời kêu ai nấy dạ. Mấy chục người mà sợ một nhóm nhỏ? Thật lạ lùng, mấy chục người mà sợ một nhóm nhỏ? Ai cũng lo cá nhân mình thì rõ ràng yếu thế hơn đám trộm cướp. Nếu tất cả cùng phản kháng hoặc xe buýt không dừng trạm mà chạy thẳng đến đồn công an gần nhất nhờ sự giúp đỡ thì lũ trộm cướp mới hết dám hoành hành! Không thỏa hiệp với hành vi bất công Có một câu nói nổi tiếng: "Thế giới chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của kẻ xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt" (Napoléon). Vì vậy dù muốn hay không vẫn mong mỗi người trong chúng ta hãy lên tiếng ,nhất định không thỏa hiệp với những hành vi bất công và cái ác lộng hành trong xã hội ta ngày nay. Có thế chúng ta mới được thoải mái, bình yên khi bước chân ra đường mà không lo sợ kẻ xấu lợi dụng. + Tôi là phụ nữ trên 40 tuổi, thường đi xe buýt nhưng chưa từng gặp tình huống móc túi này. Nếu có gặp, tôi không im lặng mà muốn lên tiếng hô hoán mọi người cùng ngăn chặn. Mong mọi người cũng nghĩ như tôi. Nhiều người đồng lòng, hi vọng chúng ta sẽ thay đổi một phần nhỏ tình trạng này. |
Trên đây là một số ý kiến của bạn đọc gửi đến TTO phản hồi bài viết Đạo chích trên xe buýt và sự lặng im đáng sợ của bạn đọc Đỗ Thị Diệu Ngọc. Những ý kiến khác, TTO sẽ tiếp tục trích đăng trong các bài viết sau. Theo bạn, vì sao đám đông không dám ra tay khi chứng kiến cảnh trộm cắp, nạn "xin đểu"? Nếu bạn chứng kiến những tệ nạn này, bạn sẽ làm gì? Cơ quan chức năng cần làm gì để xóa sổ tình trạng này? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
[poll width="400px" height="230px"]99[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận