Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hoạt động của các bệnh viện cơ bản trở lại bình thường, nhiều vấn đề liên quan thanh toán chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, tiếp nhận các trang thiết bị, vật tư được hiến tặng... cũng được giải quyết.
Bộ trưởng nhắc tới nhiều ví dụ cụ thể như Bệnh viện Việt Đức đã mở lại năm gói thầu trước đây phải dừng, Bệnh viện Bạch Mai vừa mở được gói thầu trị giá 200 tỉ đồng... Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một đại diện Bộ Y tế cho biết sau gói thầu này, chỉ vài tuần tới Bạch Mai cũng "sẽ ổn".
Người bệnh sẽ là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất sau những quyết định này, bởi trước đó từ ngày 1-3 Bệnh viện Việt Đức phải thông báo tạm ngưng mổ phiên do thiếu vật tư và hóa chất xét nghiệm; Bệnh viện Chợ Rẫy phải gửi hàng trăm bệnh nhân đi chụp cộng hưởng từ mỗi ngày vì cả bệnh viện lớn hàng ngàn bệnh nhân chỉ còn... một máy hoạt động được.
Những biện pháp tháo gỡ từ nghị quyết 30 và nghị định 07 đã giúp người bệnh đang đau đớn được điều trị kịp thời hơn, đỡ phiền toái hơn. Bệnh viện cũng giảm được tình trạng y bác sĩ ngồi chờ vì thiếu thuốc, thiếu máy.
Nhưng nhìn từ phía từng người bệnh, vẫn còn những lấn cấn khiến họ gặp khó khăn. Một bệnh nhân ung thư vừa kể với Tuổi Trẻ ông phải rất khó khăn tìm hai loại thuốc (vốn bình thường không phải khó kiếm) và giá đều tăng, một loại tăng từ 180.000 đồng lên 250.000 đồng/hộp, loại còn lại trước cũng cùng giá 180.000 đồng nhưng nay vọt lên 310.000 - 320.000 đồng/hộp và phải đi rất xa mới tìm đủ số lượng như chỉ định.
Hay một loại thuốc điều trị ung thư đại tràng giá đã tăng khoảng 30% (lên 3,4 triệu đồng/hộp) trong những ngày gần đây nhưng vẫn rất khó kiếm vì "cháy hàng".
Những khó khăn này của người bệnh cho thấy những tháo gỡ vừa qua là đã có hiệu quả nhưng vẫn cần thêm những nỗ lực từ phía Bộ Y tế, từ các ngành chức năng.
Y tế là trụ cột của an sinh xã hội. Có người từng nói không ngành nghề nào lại gắn bó với con người suốt đời như ngành y - từ khi chào đời, tuổi mầm non, thiếu niên, thanh niên, lập gia đình, sinh con, nuôi con rồi lại già đi đều có ngành y chăm sóc sức khỏe. Vì thế mỗi khó khăn của bệnh viện, của y tế, người dân đều quan tâm vì nó đích thực là chuyện của mỗi nhà, mỗi người.
Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, y tế công rất khó khăn nhưng với bệnh viện tư thì đây lại là thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Bệnh viện tư có đủ thuốc, vật tư, thiết bị và đã thu hút được rất nhiều y bác sĩ giỏi nghề đến làm việc. Thiếu thuốc men, thiết bị như vậy không phải do không mua được hàng, không sản xuất được hay những lý do khách quan khác, mà là do những chính sách bị vướng hay chưa ổn, "có vấn đề" đối với y tế công.
Vì vậy sau nghị quyết 30 và nghị định 07, vẫn cần thêm những sửa đổi (nghị định 54, nghị định 155 hướng dẫn thực hiện Luật dược hiện hành) hay quy định về viện phí làm sao để bệnh viện đủ khả năng hoạt động mà người bệnh được khám chữa bệnh tốt hơn.
Bệnh viện là nơi chăm sóc sức khỏe cho những người có bệnh, chứ không phải đi bệnh viện rồi băn khoăn với câu hỏi xung quanh chiếc phong bì "đưa cho ai, bao nhiêu và khi nào", vì lúc nào bệnh viện cũng chật cứng, đến rồi lo mình không được ưu tiên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận