Tuy vậy, chính sự thông tuệ vô hạn của trùm tìm kiếm này lại là nguồn cơn của những cú “sốc phản vệ” thông tin, trong đó phải kể đến việc Google hành nghề thầy thuốc.
Cái hẹn ngay lập tức!
Bất kỳ ai quan tâm đến sức khỏe (gọi là độc giả/bệnh nhân), đều có thể xin cái hẹn ngay lập tức với “bác sĩ Google”. Từ thắc mắc về nhãn thuốc, nhanh như chớp, có ngay giải đáp về hoạt chất, liều lượng chỗ “dược sĩ Google”; cho đến mấy teen cũng dễ dàng có được nhãn thuốc trị mụn đầu đen từ “bệnh viện đa khoa Google”...
Viễn chẩn, nghiệt cả chỗ này
Nghiệt chỗ sở trường cũng là sở đoản. Tai nạn nghề nghiệp của “bác sĩ Google” thiên hình vạn trạng, nhưng cốt xác nằm cả ở chỗ Google chuyên viễn chẩn, thăm khám cách không. Thầy thuốc không thấy mặt bệnh nhân, nói chi áp ống nghe lên ngực. Người bệnh khai bệnh tùy hỉ, thầy thuốc không thể hỏi đau đầu thế nào, từng cơn, nửa đầu hay theo nhịp đập? Mỗi bệnh nhân là mỗi thế giới bệnh tật riêng. Mỗi triệu chứng phải được đặt trong bối cảnh mới có giá trị chẩn đoán…,
Bệnh nhân Google
Có “bác sĩ Google” sẽ sinh ra “bệnh nhân Google”, tự chẩn bệnh rồi mới nhờ “giáo sư” Google. Bác già đau lưng, không tính đến tình hình tiểu tiện thế nào, cứ thế cho là đau thận, rồi gõ từ khóa y như thế gửi Google. Kết quả trả về, theo thuật toán, bệnh thận được đẩy lên hàng đầu, đập ngay vào mắt; trong khi, mười mấy dòng sau mới tới lượt chẩn đoán phân biệt, cũng đau lưng nhưng là đau cơ, dây chằng, thần kinh tọa, chẳng dính tẹo nào đến thận! “Bác sĩ Google” chẩn bệnh/ra toa theo từ khóa, sự rắc rối từ ấy mà tự diễn biến. Có “toa”, thế là cứ vô tư ra nhà thuốc mua dùng. Ca này, rõ có hợp đồng tai hại , “bác sĩ Google” kê đơn còn “bác sĩ nhà thuốc” bán thuốc...
“Mặt trái” xù xì
“Râu ông cắm cằm bà” là mặt trái xù xì khác của ngài biết tuốt! Đơn cử, “bác sĩ Google” thì thao thao bất tuyệt chỉ số đường huyết theo đơn vị mg/dl; còn bệnh nhân tiểu đường thì căn theo con số đường huyết của mình trên máy đo, theo đơn vị mmol/l. Hai số một trời một vực, có khi chết người từ đó mà ra!
Chiều khác, “bác sĩ Google”, thay vì thông tỏ, lại vô tình hay cố ý ...trầm trọng hóa vấn đề. Không khó tìm thấy trên công cụ tìm kiếm này đầy rẫy các câu kiểu “có mấy dấu hiệu sau, phải khám ung thư ngay!”. Đúng là triệu chứng A, B có trong ung thư C, D, nhưng chúng cũng đầy trong cả tá bệnh khác nhẹ tựa lông hồng. Ai yếu vía, rất dễ bị bậc thông thái nhìn đâu cũng thấy thù dịch, dọa chết. Minh họa, nghe lời “bác sĩ Google” chắc như đinh đóng cột rằng đốm đen trên móng tay là dấu hiệu ung thư da, nhiều độc giả thiếu điều lăn ra chết giấc, chỉ vì cái đốm đen...máu tụ do va chạm chi đó trên móng tay.
Người người mở phòng mạch
Không ít người biết tỏng sự thượng vàng hạ cám của thông tin trên Google, nhưng vẫn đồng lòng tín thác. Dễ đoán, thứ nhất vì “có bệnh vái tứ phương”, thứ hai vì sự mẫn cán vô điều kiện của tập thể “y bác sĩ” Google. Chẳng phải khi ngồi trước mặt bác sĩ bằng xương bằng thịt, bệnh nhân, lắm khi không kịp hỏi quá câu thứ ba?
Suy cho cùng, thứ mà Google tạo nghiệp nặng nhất là cho phép người người ...mở phòng mạch trên trang của mình, bất kể thầy thuốc thứ thiệt hay giáo sư/ tiến sĩ chuyên tu trường đời. Ngoài ra, còn phải kể cả cánh bác sĩ không chuyên, chuyên copy & paste!!!
Gạn đục khơi trong
Khó một lúc kể hết hỉ nộ ái ố gây ra bởi vị “bác sĩ Google”. Khá nhiều độc giả/bệnh nhân đã nếm qua, và chỉ có họ mới hiểu và rút ra kinh nghiệm xương máu về sự “sắc sắc không không” của “siêu bệnh viện” Google.
Gạn đục khơi trong là cách duy nhất, nếu bạn có ý định nhờ cậy Google. Tốt hơn cả là tìm một thầy thuốc có thể nhìn, sờ, gõ, nghe trên người bạn. Bằng không, vẫn có thể hưởng lợi từ Google, nhưng có chọn lọc, với mục đích rõ ràng để có bức tranh sáng hơn về bệnh trạng của mình; không lấy đó làm chẩn đoán, không download toa thuốc về mua dùng, không chắc cú bệnh này nhẹ bệnh kia nặng... Hiển nhiên, chốt hạ, vẫn là gửi sơ chẩn của Google cho một bác sĩ thứ thiệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận