18/08/2013 08:36 GMT+7

Khi bác sĩ chẩn bệnh sai

LAN ANH - NGỌC NGA - CHI MAI
LAN ANH - NGỌC NGA - CHI MAI

TT - Vụ việc bé gái bị chẩn đoán... phù nề bao quy đầu tại Hà Nội mới đây nghe như chuyện hài nhưng nó phản ánh thực trạng đáng buồn về lối làm việc tắc trách của một bộ phận bác sĩ hiện nay.

kiKP4Ksc.jpg
Bác sĩ Phan Thanh Hải - Ảnh: L.TH.H.

Chẩn đoán là bước mở đầu quan trọng, quyết định thành bại của quá trình điều trị, vì vậy thật đáng lo ngại khi xuất hiện ngày càng nhiều những chẩn đoán kiểu “sai sờ sờ”.

* Bác sĩ PHAN THANH HẢI (giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic):

"Có không ít bác sĩ làm việc trong trạng thái qua loa, vội vàng, sợ tốn thời gian, sợ người khác biết mình yếu kém chuyên môn nên đưa ra những chẩn đoán sai, gây hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân"

Bác sĩ Phan Thanh Hải

Chữa bệnh phải như dập lửa

Chẩn đoán là một bước dẫn đường rất quan trọng để điều trị cho bệnh nhân có hiệu quả. Một chẩn đoán thường được trải qua quá trình: bác sĩ có hướng chẩn đoán dựa trên những dấu hiệu lâm sàng, sau đó dùng các thiết bị chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm để làm rõ hơn hướng chẩn đoán của mình rồi mới đi đến kết luận chẩn đoán cuối cùng, từ đó đưa ra phương pháp điều trị hợp lý. Nếu một chẩn đoán được thực hiện chặt chẽ giữa lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm sẽ đạt được kết quả chính xác đến 99%. Nếu chẩn đoán chỉ dựa vào lâm sàng thì phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, kinh nghiệm của bác sĩ. Một bác sĩ giỏi, làm việc nghiêm túc, có nhiều kinh nghiệm thì chẩn đoán chính xác khoảng 70%. Khi gặp một ca bệnh khó chẩn đoán, các bác sĩ thường hội chẩn để đưa ra hướng chẩn đoán chính xác nhất.

Chữa bệnh như dập lửa, lửa phải được dập khi đám cháy còn nhỏ chứ để bùng phát lớn có dùng vòi rồng cũng khó lòng cứu được. Bệnh cũng phải được chữa khi mới bắt đầu, nếu để lâu ngày hoặc chữa sai hướng, hậu quả vô cùng khó lường. Muốn chữa bệnh hiệu quả, chẩn đoán đúng là rất quan trọng. Muốn chẩn đoán đúng thì ngoài sự hỗ trợ của các máy móc, thiết bị thì người bác sĩ là yếu tố quyết định. Bác sĩ ngoài kinh nghiệm, năng lực còn cần đến cái tâm với người bệnh để trước mỗi ca bệnh phải xem xét thật kỹ lưỡng, có trách nhiệm, để hiểu rằng chữa bệnh như dập lửa, không nên sơ sài, khinh suất.

hhB70hle.jpg
Ông Lương Ngọc Khuê - Ảnh nhân vật cung cấp

* Ông LƯƠNG NGỌC KHUÊ (cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế):

"Khi có tranh chấp, bệnh viện cần nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng ngăn cản những hành vi quá khích, công minh xem xét nguyên nhân trên cơ sở khoa học, đồng thời chia sẻ với mất mát xảy ra"

Ông Lương Ngọc Khuê

Phải công khai, minh bạch trong xử lý

Trong giải quyết tranh chấp, Luật khám chữa bệnh đã quy định rất rõ và tôi cho rằng nên dựa theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, bệnh viện phải có cách giải quyết riêng, phù hợp. Chúng tôi ở đây cũng nhận được những khiếu nại về sai sót y khoa, và cách giải quyết thì không trường hợp nào giống trường hợp nào. Từng có người nhà đâm chết bác sĩ như trường hợp bác sĩ Phạm Đức Giầu ở Thái Bình, hay từng có trường hợp người nhà bắn chết bác sĩ.

Mỗi vụ việc là một bài học và không bài học nào giống bài học nào. Khi người nhà đau xót, mất mát, bực bội, những hành động quá khích có thể xảy ra và cần phải được thông cảm. Lúc đó không có gì hơn là sự quan tâm, sự chia sẻ và sẵn sàng nhận trách nhiệm nếu có sai sót của thầy thuốc và lãnh đạo bệnh viện, chứ không thể vì bảo vệ đồng nghiệp mà lấp liếm, bỏ qua sai sót, đổ lỗi về phía người bệnh. Trên phạm vi rộng hơn, mỗi cán bộ y tế phải thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn đã có, hạn chế tối đa sai sót, nhất là các sai sót do nhầm lẫn, do đông bệnh nhân... Nếu không may xảy ra sai sót phải nhận trách nhiệm và giải quyết theo quy định hiện có của pháp luật, không gây bức xúc thêm cho người bệnh.

* Ông TRẦN HỮU THĂNG (phó chủ tịch thường trực Tổng hội Y học VN):

Thiếu hội đồng chuyên môn làm trọng tài khi có tranh chấp

Sai sót y khoa không chỉ là chuyện riêng ở VN. Y học tiến bộ, người ta đã gọi sai sót y khoa là sai sót trong thực hành nghề y. Tuy nhiên, quan trọng nhất trong trường hợp khi xảy ra sai sót là phải thành lập một hội đồng khoa học, gồm những chuyên gia độc lập có kinh nghiệm, có thể đưa ra những phán quyết mang tính trọng tài mà không phải nhìn vào mắt ai. Ở nước ngoài, sau khi hội đồng này đánh giá và có kết luận, người ta có thể trình lên hội đồng y khoa quốc gia, đứng trên cả bộ y tế và xử lý khi có khiếu kiện.

Ở nước ta, cái thiếu là chúng ta chưa có hội đồng này, nên khi có tranh chấp thì nói là nên dựa vào pháp luật. Nhưng cái khó khi đánh giá đúng - sai trong y khoa phải là người giỏi chuyên môn trong y khoa mới đánh giá được. Nếu người đi đánh giá vẫn là người cùng bệnh viện, hay cùng sở y tế đó, vẫn do ngành y tế tỉnh thành đó trả lương thì sẽ rất khó khi đánh giá. Điều đó cũng khiến người bệnh chưa yên tâm, dẫn tới những phản ứng, bất bình quá mức.

* Luật sư NGUYỄN SA LINH (Đoàn luật sư TP.HCM):

Bác sĩ vi phạm bị xử phạt, bồi thường thiệt hại cho bệnh nhân

Bác sĩ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót về chuyên môn kỹ thuật trong việc chẩn đoán, chữa trị bệnh của mình. Khi có khiếu nại của bệnh nhân hoặc người nhà về sai sót của bác sĩ thì việc xác định bác sĩ có vi phạm trong chăm sóc và điều trị người bệnh hoặc vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp hay không sẽ do hội đồng chuyên môn (được thành lập theo quy định) xác định.

Theo quy định tại nghị định 96/2011/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về khám chữa bệnh thì các bác sĩ vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật có thể bị phạt tiền (mức xử phạt tối đa theo nghị định này là 40 triệu đồng). Nếu trường hợp gây chết người, bác sĩ, người hành nghề khám chữa bệnh khác có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp được quy định tại điều 99 Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp bé gái 7 tháng tuổi bị chẩn đoán “phù nề bao quy đầu” vừa qua, có thể thấy sự việc xảy ra là do sự tắc trách về nghề nghiệp của bác sĩ khám, chữa bệnh. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và có thể bị phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng. Nếu vì chẩn đoán sai dẫn đến cho thuốc không đúng gây ra tai biến cho người bệnh, bác sĩ có thể bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng, đồng thời bác sĩ vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

* Bệnh nhân TRẦN THỊ THÙY VỸ (P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM):

Chúng tôi chỉ biết đặt niềm tin vào bác sĩ

Những bệnh nhân như chúng tôi mỗi khi bước vào bệnh viện là đặt niềm tin hoàn toàn vào bác sĩ. Bác sĩ nói bệnh gì thì biết mình bị bệnh đó, kêu uống thuốc gì thì uống thuốc đó. Nhưng bản thân tôi cũng đã một phen mất niềm tin vào bác sĩ.

Cách đây hơn một năm, tôi bị đau lưng dữ dội vào khám tại một bệnh viện quận, bác sĩ ở đây phán tôi bị lao cột sống. Tôi và cả nhà lo lắng, đứng ngồi không yên vì nghĩ mình mang bệnh nặng. Tôi mất ăn mất ngủ vì lo nghĩ đến bệnh tình của mình. Nhưng sau đó uống thuốc hoài không khỏi, tôi nghe một người bạn nên đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để kiểm tra lại thì được kết luận là thoái hóa cột sống chứ không phải bị bệnh lao cột sống!

Việc chẩn bệnh sai ảnh hưởng đến tâm lý và cả sinh mệnh của những bệnh nhân như chúng tôi. Vì vậy mong các bác sĩ hãy làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm để chúng tôi có chỗ mà đặt niềm tin, chứ mỗi lần bước vô bệnh viện không tin bác sĩ thì biết tin ai bây giờ?

Vụ tử vong do “sốc phản vệ” ở Hà Tĩnh:

Cần làm rõ trắng đen

Như tin đã đưa, ngày 12-8 sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiêm thuốc Trikazim và truyền Ciprofloxacin Kabi, bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi, xã Cẩm Thăng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã tử vong. Nguyên nhân được Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh kết luận là do sốc phản vệ sau khi dùng kháng sinh.

Con cháu của ông Hồng cho biết trước khi được tiêm thuốc ông Hồng còn cười nói, đi lại bình thường, thậm chí đi ra căngtin ăn cơm được. Nghe tin ông Hồng bị sốc thuốc, lâm nguy ai cũng bất ngờ, kéo đến bệnh viện rất đông. Lúc biết tin ông Hồng tử vong, nhiều người đã chạy ùa vào bệnh viện. Có người vì không kiềm chế được trước nỗi đau bất ngờ nên đã đánh nhân viên y tế và phá hỏng một số máy móc, trang thiết bị.

Theo ông Nguyễn Ngọc Châu, 68 tuổi, em ruột ông Hồng, trong giấy chuyển viện có ghi ông Hồng không dùng kháng sinh được, nhưng Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vẫn sử dụng hai loại kháng sinh nói trên để điều trị. Việc con cháu bức xúc có xô xát với y bác sĩ và làm hỏng một số thiết bị y tế là điều không mong muốn, gia đình sẽ có trách nhiệm. Nhưng việc tắc trách trong tiêm thuốc kháng sinh chống chỉ định của bác sĩ, dẫn đến cái chết của ông Hồng cần phải làm rõ, đúng pháp luật.

Văn Định

LAN ANH - NGỌC NGA - CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên