06/05/2023 07:56 GMT+7

Khi ASEAN - Nga cần nhau về kinh tế

Nhiều năm gần đây, Đông Nam Á là một điểm nóng trong cạnh tranh Mỹ - Trung. Cũng như các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng từ cuộc cạnh tranh này, ASEAN đã tìm cách đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu tác động.

Tổng giám đốc phụ trách Đông Nam Á của ADB Winfried F. Wicklein trao đổi với báo chí ở Incheon (Hàn Quốc) vào ngày 5-5 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Tổng giám đốc phụ trách Đông Nam Á của ADB Winfried F. Wicklein trao đổi với báo chí ở Incheon (Hàn Quốc) vào ngày 5-5 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Trong xu hướng đa dạng hóa lựa chọn hợp tác kinh tế, Nga sẽ là một trong những lựa chọn có thể gây bất ngờ với nhiều người.

Sự ổn định về kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư, nguồn nhân lực... tất cả đều là chất liệu quan trọng để biến các nước, cũng như khu vực Đông Nam Á, trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Ông Winfried F. Wicklein

Lựa chọn ít được chú ý

Thương mại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga đạt khoảng 20 tỉ USD năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của ASEAN sang Nga là 12,6 tỉ USD với lĩnh vực dẫn đầu là máy móc và thiết bị điện tử. Trong khi đó, dữ liệu của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan cho thấy thương mại giữa Việt Nam và Nga đạt 5,54 tỉ USD trong năm 2021, tăng 14% so với 2020.

Giá trị thương mại của Nga và nhóm ASEAN không quá ấn tượng như với các cường quốc khác, tuy nhiên Nga lại đáp ứng những nhu cầu năng lượng và nguyên liệu mà đặc biệt năng lượng giá rẻ. Giới phân tích đánh giá nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á có thể tăng gấp ba vào năm 2050, và khu vực này sẽ là nhà nhập khẩu ròng khí đốt và than, nếu không tìm thấy nguồn năng lượng thay thế.

Bên cạnh đó, Nga cũng nằm trong khối các nền kinh tế đang lên BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Tại Cuộc họp Quan chức cấp cao ASEAN - Nga (ARSOM) lần thứ 19 ở Siem Reap (Campuchia), tổ chức trong các ngày 27 và 28-4, thành viên các nước ASEAN và Nga đã tái nhấn mạnh cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. ASEAN cũng được cho đã thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác với khối BRICS.

Đối với Nga, việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với ASEAN là điều dễ hiểu hơn, trong bối cảnh nước này chịu áp lực từ các đợt trừng phạt của phương Tây sau khi khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Đông Nam Á là nơi Nga có thể tìm thị trường thay thế, đặc biệt khi đây là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Thực tế, Nga cũng kêu gọi thúc đẩy mô hình hợp tác năng lượng, hạ tầng và thương mại giữa ASEAN và khu vực Trung Đông, Trung Á và Trung Quốc, đặc biệt sự liên kết giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) với ASEAN.

EAEU là khu vực gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga, được xem sẽ lấp đầy khoảng trống địa lý từ Đông Âu sang phía Tây của Trung Quốc. Hiện nay EAEU có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam và đang thảo luận với Campuchia, Indonesia và Thái Lan. 

Tuy nhiên, Singapore được cho sẽ đóng vai trò quyết định khi nước này đã tạm hoãn các cuộc đàm phán FTA với EAEU vì phản đối Nga trong cuộc xung đột Ukraine.

Những trở ngại

Tuy nhiên, trong khi cuộc xung đột với Ukraine đang khiến Đông Nam Á gia tăng sức hút với Nga, chính sự kiện này cũng gây trở ngại cho việc hợp tác của hai bên. Bản thân Đông Nam Á cũng gặp khó khăn về các mặt khác của kinh tế như giá năng lượng, chi phí sinh hoạt, lạm phát... từ cuộc xung đột trên.

"Chúng ta đã thấy nguy cơ về lãi suất cao và lạm phát. Một số nước cũng đối diện vấn đề nợ, nhưng đây không phải chuyện lớn ở khu vực Đông Nam Á so với một số vùng khác trên thế giới. Và tất nhiên luôn có lo ngại về căng thẳng địa chính trị và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, mà chưa ai rõ kết cục ra sao" - ông Winfried F. Wicklein, tổng giám đốc phụ trách Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận xét về ASEAN khi trao đổi với báo chí tại Hội nghị thường niên lần thứ 56 của ADB được tổ chức tại Incheon (Hàn Quốc) vào hôm 5-5.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Wicklein nói: "Như tôi có đề cập, căng thẳng địa chính trị là điều khiến chính phủ các nước Đông Nam Á và nơi khác đều phải chuẩn bị ứng phó. Đây là một thử thách thực sự lớn. Bên cạnh đó, tất nhiên là sự cạnh tranh... và họ cũng phải đa dạng hóa kinh tế, duy trì hoặc trở nên cạnh tranh hơn".

Trong nỗ lực giảm thiểu tác động địa chính trị, một giải pháp lâu nay cũng được ASEAN bàn tới là thúc đẩy thương mại nội khối, tức mua - bán giữa các thành viên ASEAN.

Trong khi đó, ông James Villafuerte, chuyên gia kinh tế cấp cao của ADB, nhận định chiến lược tốt nhất là tăng cường nhiều sự liên kết với bên ngoài và bên trong.

"Một trong những thỏa thuận quan trọng nhất ở đây là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vốn đã được triển khai ở nhiều nước... Thương mại sẽ mang tới lợi ích bổ sung cho vấn đề đầu tư, thương mại điện tử cũng như tự do hóa dịch vụ", ông Villafuerte trả lời Tuổi Trẻ.

4,7%

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023. Đây là con số khá tốt, dù sẽ chậm hơn so với mức 5,6% của năm trước. Theo ông Winfried F. Wicklein - tổng giám đốc phụ trách Đông Nam Á của ADB, khu vực đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng còn đối mặt một số trở ngại bao gồm lạm phát, chính sách tiền tệ và căng thẳng địa chính trị.

Việt Nam ủng hộ ASEAN nâng tầm quan hệ với Nhật BảnViệt Nam ủng hộ ASEAN nâng tầm quan hệ với Nhật Bản

Bộ Ngoại giao khẳng định sẵn sàng cùng các nước ASEAN đưa quan hệ với Nhật Bản lên tầm cao mới trong năm 2023, đồng thời trả lời về khả năng lãnh đạo Việt Nam dự hội nghị G7 tại Hiroshima.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên