Khi 5 cô gái xem mặt 100 chàng trai

CẢNH CHÁNH 10/03/2022 18:25 GMT+7

TTCT - Đó là chuyện xảy ra đầu tháng rồi, tại thành phố Từ Châu (Giang Tô), và là hệ quả mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Trung Quốc.

 
 Một buổi xem mắt ở nông thôn Trung Quốc. Ảnh: Baidu

Buổi coi mắt quy mô diễn ra ở bên dòng sông Phi Thành chỉ với 5 cô gái mà có đến 100 chàng trai. Khắp nơi ở Trung Quốc, sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng trong độ tuổi kết hôn dẫn tới những vấn đề xã hội sâu đậm.

Theo điều tra dân số năm 2021 của Trung Quốc, tỉ số giới tính khi sinh (số bé trai trên 100 bé gái) là 111,3:100, giảm 6,8% so với năm 2010, nhưng vẫn ở mức cao.

Với nhóm dân số độ tuổi hôn nhân 20 - 40, nam nhiều hơn nữ 17.520.000 người. Điều đó có nghĩa là sẽ có rất nhiều đàn ông, nhất là ở nông thôn, không thể lấy được vợ.

Nam nông thôn không tìm được vợ, gái thành thị khó kiếm được chồng

Năm 2012, giáo sư Lý Kiến Tân (Đại học Bắc Kinh) đã cảnh báo trên tờ Chiết Giang Nhật Báo rằng phụ nữ ế không đáng lo bằng đàn ông ế (ở Trung Quốc, phụ nữ trên 27 tuổi chưa chồng và nam giới trên 30 tuổi chưa vợ bị gọi là ế).

Ông Lý giải thích: phụ nữ đa số chủ động lựa chọn không kết hôn, còn đàn ông ế là do bị động, do không đủ điều kiện kết hôn. Khi có quá nhiều đàn ông trong độ tuổi kết hôn, có nhu cầu tình cảm nhưng lại không được thỏa mãn, bị xã hội lãng quên, nếu không có “van an toàn”, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Chia sẻ trên tờ National Business Daily, giáo sư Lý Thụ Truất (Đại học Giao thông Tây An) lo ngại mất cân bằng giới tính mang đến những rủi ro xã hội nổi cộm như mua bán, lừa đảo hôn nhân, tảo hôn... khi những gia đình khó khăn ở nông thôn bất chấp pháp luật nhằm tự giải quyết vấn đề hôn nhân cho con cái.

Nông thôn khó lấy vợ còn vì chi phí kết hôn cao. Ở Hà Nam, tiền sính lễ từ 6.000 tệ (năm 2000) tăng lên 160.000 tệ (năm 2018), vượt xa tốc độ tăng trưởng mức thu nhập bình quân khả dụng của người nông dân là 18,2%, tức 13.830 tệ/năm, theo Hà Nam Nhật Báo. 

Mặt khác, con gái nông thôn dễ dàng hòa nhập cuộc sống thành thị, lấy chồng và ở lại thành thị; còn chàng trai nông thôn cho dù làm việc ở thành phố cũng khó mà ở lại, cuối cùng cũng lại về quê lấy vợ. Điều đó khiến phạm vi tìm bạn của đàn ông nông thôn bị hạn chế, khó mà tiếp xúc với các cô gái cùng trang lứa.

Trong khi đó, ở các thành phố lớn lại xuất hiện tình trạng nữ nhiều hơn nam. Theo số liệu dân cư ở Thượng Hải, năm 2019 thành phố này lần đầu tiên có dân số nữ nhiều hơn nam, 100:97,9. Số liệu năm 2020 ở Bắc Kinh là 98,4:100; Thâm Quyến là 97,8:100.

 
 Một sự kiện xem mắt ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo số liệu điều tra dân số lần 6, trình độ học vấn càng cao tỉ lệ kết hôn càng thấp. Trình độ càng cao kết hôn càng muộn. Đã có một bộ phận nữ giới dần thay đổi về quan niệm hôn nhân, không muốn lấy chồng, có ế cũng không sao, vẫn sống vui sống tốt.

Lý Huê (Tề Nam, tỉnh Sơn Đông) năm nay 36 tuổi, bố mẹ đều là trí thức, có nhà, có xe, nhưng đi coi mắt tới 124 lần vẫn chưa tìm được người ưng ý. Anh phải tạo hẳn một file để sắp xếp thông tin những người từng coi mắt để tránh bị trùng lắp. Huê nói khi coi mắt ai cũng quan tâm điều kiện của đối phương, nhưng tình yêu thì không cần điều kiện. “Tôi chuẩn bị sống độc thân cả đời. Mặc dù đây không phải là lựa chọn tốt nhất, nhưng cũng phải là điều không thể chấp nhận được” - anh kể với tờ Tề Lỗ Buổi Tối.

Cư dân mạng từng đúc kết: Năm 1960 chỉ cần là đàn ông là có thể lấy vợ; năm 1970 ở nhà có thịt là có thể lấy vợ; năm 1980 chỉ cần nhà có máy may là có thể lấy vợ; năm 1990 chỉ cần nhà có tivi màu là có thể lấy vợ; năm 2000 chỉ cần có nhà là có thể lấy vợ; năm 2010 chỉ cần có nhà có xe hơi là có thể lấy vợ; năm 2020 chỉ cần có nhà có xe hơi có thịt là có thể lấy vợ; đến năm 2021 chỉ cần có nhà có xe hơi có sổ tiết kiệm, bố mẹ có lương hưu, tốt nhất là con một mới có thể lấy vợ. 

Nhiều giải pháp

Đã có nhiều giải pháp được đề xuất để giải quyết vấn đề đau đầu này, nhưng đều gây tranh cãi lớn trong dân chúng. Thậm chí, có một vị giáo sư hiến kế nên sửa luật để nhiều chàng trai nghèo cùng lấy chung 1 vợ, giải quyết vấn đề 30 triệu nam giới độc thân.

Cuối năm 2021, chính quyền huyện Tương Âm (Hồ Nam) đề xuất triển khai chiến dịch “sưởi ấm giường” cho đàn ông ế vợ, khuyến khích phụ nữ ở lại lấy chồng ở quê nhà. Chiến dịch này khiến giới nữ vô cùng giận dữ. Họ phản bác: Thay vì khuyến khích phụ nữ ở lại quê nhà thì nên khuyến khích nam nhi chí tại bốn phương; cần sưởi ấm giường thì nên đi mua cái nệm điện, phụ nữ không phải công cụ.

Có người thì đề nghị đưa thanh niên đến thành phố, tạo điều kiện cho họ học nghề nâng cao trình độ để dễ dàng tìm được bạn đời. Tháng 9-2021, Bộ Dân chính Trung Quốc công bố 17 địa phương trong đợt thí điểm cải cách phong tục kết nhân trong 3 năm, chủ yếu là chấn chỉnh phong tục lạc hậu như sính lễ, hủ tục trong hôn nhân...

Chia sẻ trên tờ Phụ Nữ Trung Quốc, Dương Tuyết Yến, viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển dân số (Đại học Giao thông Tây An), cho rằng đằng sau sự mất cân bằng giới tính là sự tồn tại dai dẳng của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, kinh tế lạc hậu, phúc lợi xã hội thấp và sự can thiệp của con người vào giới tính khi sinh. Vì vậy, bà đề nghị xử lý nghiêm hành vi phá thai và giám định giới tính thai nhi không phải do yêu cầu y tế.

Giáo sư Nguyên Tân (Viện nghiên cứu phát triển dân số, Học viện Kinh tế Đại học Nam Khai) cho rằng phải xử lý những hệ lụy xã hội do mất cân bằng giới tính gây ra. Cụ thể là kiên quyết xóa bỏ các hủ tục, tiền sính lễ, quan tâm chăm lo quyền lợi về nhà ở, y tế, dưỡng lão cho người dân.

Tổ chức công đoàn ở Trung Quốc rất tích cực trong việc giải quyết vấn đề thoát ế cho nhân viên cơ quan. Cục đường sắt Vũ Hán trao giải “ông tơ bà nguyệt” 1.000 tệ cho những ai mai mối thành công cho nhân viên trong cơ quan. Tại một bệnh viện ở Hồ Nam, mai mối thành công cho đối tượng 25 - 28 tuổi thì được thưởng 1.000 tệ, 30 tuổi trở lên là 3.000 tệ. Ngoài ra còn có lực lượng ông tơ bà nguyệt trẻ, như thành viên Nhóm làm mai công ích Trung Quốc, chuyên đi mai mối cho những người có nhu cầu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận