Học sinh một trường THCS tại TP.HCM trong giờ học - Ảnh minh họa: NHƯ HÙNG
Nhiều học sinh có thể ngộ nhận về khả năng và sức học của bản thân, từ đó lơ là, chủ quan, chểnh mảng trong học tập.
Cách đánh giá, xếp loại học sinh theo lối "cào bằng" không chính xác cũng tạo ra sự thiếu công bằng, làm triệt tiêu động lực thi đua giữa các học sinh.
Những tờ giấy khen khi được trao một cách dễ dãi cũng sẽ làm mất đi sự trân trọng cần thiết, bên cạnh đó giá trị tinh thần và ý nghĩa vốn có của việc khen thưởng cũng bị giảm sút.
Hiện tượng một lớp có quá nhiều học sinh giỏi, học sinh được nhận giấy khen cho thấy không đúng thực chất, kể cả với trường chuyên, lớp chọn. Việc khen thưởng, điểm tổng kết quá cao biểu hiện của bệnh thành tích trong ngành giáo dục từ lâu nay dù nỗ lực nhưng vẫn chưa xóa được.
Việc này tạo ra hệ lụy: các em không học tốt thật sự vẫn được khen, thưởng đã mất dần ý chí ham học, phấn đấu. Đây thực chất là một biểu hiện rõ nét của "bệnh thành tích" vốn đang tồn tại bấy lâu nay. Muốn đẩy lùi, cần phải bắt đầu từ sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức trong cách thức đánh giá, khen thưởng học sinh từ cấp quản lý đến mỗi giáo viên ở các đơn vị trường học.
Giấy khen chỉ có ý nghĩa động viên, khuyến khích khi sự đánh giá năng lực học sinh sát với thực tế, không cào bằng theo kiểu "cả nhà cùng vui". Cần có giấy khen cho học sinh đạt kết quả tốt trong học tập và học sinh nỗ lực vươn lên so với chính bản thân mình.
Như vậy, các em sẽ có động lực để cố gắng rèn luyện ngày một tốt hơn. Việc xét duyệt giấy khen cho học sinh phải đúng người, đúng thành tích một cách xứng đáng, không dễ dãi thì học sinh mới cảm thấy tấm giấy khen đó quý giá, đáng trân trọng.
Đã đến lúc cần đánh giá năng lực học sinh dựa trên sự tiến bộ của học sinh đó, chứ không phải dùng để so sánh với học sinh khác. Cách đánh giá cũng cần đa dạng hơn chứ không nhất thiết là chỉ giấy khen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận