Khẩu trang và gánh nặng kinh tế

HỒNG VÂN 16/10/2019 18:10 GMT+7

TTCT - Phải hít thở trong một bầu không khí ô nhiễm đang là mối lo lớn của người dân hiện nay. Khẩu trang, máy lọc không khí... đang bán chạy hơn lúc nào hết. Tất cả những phương cách phòng chống “tự cứu mình” này hiệu quả đến đâu?

Ống khói nhiệt điện ở thành phố Uông Bí, Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành Chung
Ống khói nhiệt điện ở thành phố Uông Bí, Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành Chung

Một số nghiên cứu đã so sánh ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe với tác hại của việc hút thuốc. Trong những trường hợp ô nhiễm không khí nặng, tác hại gây ra có thể nghiêm trọng tương đương việc hút mười điếu thuốc/ngày.

Hiệu quả đến đâu?

Tháng 6-2018, trên tạp chí khoa học BMJ, một nhóm nhà khoa học đã nghiên cứu về hiệu quả của những chiếc khẩu trang chống bụi mịn được sử dụng phổ biến ở Bắc Kinh (Trung Quốc) để trả lời câu hỏi: liệu các loại khẩu trang bán trên thị trường có đủ sức ngăn lượng bụi mịn ô nhiễm trong không khí như quảng cáo hay không?

Theo nhóm tác giả, rất nhiều người dân ở Bắc Kinh sử dụng những chiếc khẩu trang dùng một lần nhằm bảo vệ sức khỏe khỏi ô nhiễm bụi siêu mịn mà không dám vững tin vào chất lượng của các sản phẩm này. Ở Bắc Kinh, trên thị trường có vô số loại khẩu trang theo chuẩn trong nước và quốc tế được quảng cáo là có thể ngăn được bụi siêu mịn PM2.5.

Các nhà khoa học đã kiểm tra hiệu quả của 9 loại khẩu trang được quảng cáo là có thể ngăn được bụi siêu mịn PM2.5 bán lẻ ở Bắc Kinh. Để thử chất lượng khẩu trang, họ hút khí thải diesel trong không khí và thổi qua khẩu trang với hai lưu lượng là 40 lít/phút và 80 lít/phút. Lưu lượng không khí thổi qua căn cứ trên nhịp độ thở bình thường hoặc thở mạnh của con người.

Một số tình huống thở mạnh xảy ra khi chúng ta đạp xe hay chạy bộ trên đường đông xe cộ. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, lưu lượng không khí hít vào trung bình của các hoạt động vận động nhiều ở nam và nữ tuổi từ 21- 30 là 50 lít/phút.

Sau khi thổi không khí qua khẩu trang, họ đo lượng bụi siêu mịn PM2.5 và muội than ở mặt ngoài và mặt trong của màng lọc. Bốn khẩu trang ngẫu nhiên được chọn để thử nghiệm trên các tình nguyện viên. Các tình nguyện viên tiếp xúc với khí thải diesel trong phòng thí nghiệm, một nhóm ngồi làm việc (không vận động) và một nhóm phải làm việc vận động.

Nồng độ muội than được liên tục theo dõi bên trong và bên ngoài mặt nạ. Kết quả cho thấy tỉ lệ phần trăm bụi siêu mịn xâm nhập màng lọc trung bình của các khẩu trang trong thí nghiệm đầu dao động 0,26 - 29%, tùy thuộc vào tốc độ thổi không khí và vật liệu của khẩu trang.

Ở thử nghiệm thứ hai với các tình nguyện viên, tổng rò rỉ trung bình (TIL) của muội than vào màng lọc dao động 3 - 68% trong các thử nghiệm ít vận động và 7 - 66% trong các thử nghiệm nhiều vận động.

Chỉ có một loại khẩu trang có mức TIL trung bình dưới 10% trong cả hai điều kiện thử nghiệm. Kết luận của các nhà nghiên cứu là: rất nhiều loại khẩu trang được bán trên thị trường không đủ bảo vệ cho người sử dụng, chủ yếu là vì khẩu trang không vừa khít với mặt người đeo (do thiết kế hoặc khi người đeo vận động).

Nghiên cứu cho thấy đeo khẩu trang có tác dụng như giảm huyết áp trong ngắn hạn và tăng nhịp tim, nhưng cơ chế của sự liên quan giữa việc giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí và các chỉ số này như thế nào còn là bí ẩn. Tuy nhiên, hiệu quả của màng lọc của khẩu trang không nhất thiết đảm bảo mang lại hiệu quả giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm cho những người sử dụng khác nhau.

Chiếc khẩu trang tốt nhất cũng không luôn bảo vệ người đeo khỏi không khí ô nhiễm một cách nhất quán khi tham gia các hoạt động khác nhau. Họ kết luận hiệu quả của màng lọc và đảm bảo các góc cạnh của khẩu trang ôm vừa khít với mặt đều quan trọng trong việc làm giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm cho người sử dụng.

Ống khói lò gạch ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Vũ Hậu
Ống khói lò gạch ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Vũ Hậu

Gánh nặng kinh tế

Trên một trang web thương mại điện tử, một chiếc khẩu trang hiệu Karibon Max Air cỡ L chống bụi siêu mịn PM2.5 giá đã giảm còn 56.700 đồng. Năm cái khẩu trang 3M 9001V có van thở, kháng khuẩn, chống bụi siêu mịn PM2.5 giá 189.000 đồng, tính ra gần 40.000 đồng/cái. Thông tin các sản phẩm còn mơ hồ, tất cả đều không có khuyến cáo là loại dùng một lần hay có thể dùng nhiều lần (với điều kiện phải thay thế bộ phận quan trọng nhất là lớp màng lọc).

Trên thị trường VN hiện nay, loại khẩu trang dùng một lần (không tái sử dụng) là phổ biến do giá rẻ và có thể tái dụng (giặt khẩu trang và thay lớp màng lọc) nhưng người mua phải tự tìm hiểu thật kỹ vì với nhiều loại khẩu trang, các thông tin này không được công bố rõ ràng, thậm chí không công bố.

Theo Công ty tư vấn Daxue Consulting, ô nhiễm không khí đã tạo ra ngành công nghiệp rất “ăn nên làm ra” là sản xuất khẩu trang cũng như máy lọc không khí. Nhu cầu về khẩu trang ở Trung Quốc bắt đầu tăng từ năm 2012.

Năm 2013, người Trung Quốc tiêu 141 triệu USD trên trang mua sắm taobao.com để mua khẩu trang chống ô nhiễm, hơn 50% là thương hiệu nước ngoài. Báo chí Nhà nước Trung Quốc từng dự báo thị trường khẩu trang chống ô nhiễm trị giá 600 triệu USD ở Trung Quốc năm 2015, khi Bắc Kinh lần đầu tiên ra báo động đỏ về ô nhiễm môi trường do bụi mịn.

Chúng ta đương nhiên có quyền biết khẩu trang mình mua thuộc loại nào và vòng đời của màng lọc là bao lâu. Thông tin vòng đời của màng lọc là quan trọng nhất vì khi đã hoạt động hết công suất, hiệu quả lọc bụi không còn thì việc chúng ta đeo khẩu trang sẽ không còn ý nghĩa. Trước khi trả tiền mua khẩu trang chống bụi siêu mịn, bạn cần biết thời gian sử dụng của tấm màng lọc.

Đối với loại khẩu trang tái sử dụng, trở ngại đầu tiên là giá không rẻ. Nhà sản xuất Cambridge công bố trên website dòng khẩu trang cơ bản giá 10 bảng, tương đương 286.000 đồng/cái, với dòng chuyên nghiệp giá 19-25 bảng, tương đương 545.000 - 726.000 đồng/cái. Màng lọc được may trong toàn bộ khẩu trang.

Người dùng có thể giặt nhẹ nhàng bằng tay, nhưng điều đó không có nghĩa là bụi siêu mịn trong màng lọc sẽ giảm bớt. Nó chỉ giúp bớt mùi mồ hôi hoặc bụi bặm. Màng lọc của hãng này có vòng đời 3-6 tháng (khoảng 200 giờ hít thở). Nếu ở Malaysia hay Singapore, sau khi đặt mua, hàng có sau 4-5 ngày làm việc. Đối với các thị trường khác ở châu Á, hàng sẽ có chậm hơn.

Một loại khẩu trang tái sử dụng khác của nhà sản xuất Innoworks có giá 4,99 USD (115.000 đồng) trên Amazon. Theo quảng cáo, công nghệ sản xuất màng lọc cho quân đội của họ có thể lọc gần 100% ô nhiễm bụi siêu mịn, khí, vi khuẩn, virút cùng hầu hết các mùi và bộ khẩu trang có sáu tấm màng lọc thay thế, đủ sử dụng trong 1 năm.

Sau khi tháo tấm màng lọc, phần khẩu trang có thể tháo giặt dễ dàng và nếu sử dụng rất nhiều trong điều kiện ô nhiễm nặng, màng lọc cần thay mỗi 48-72 giờ. Các loại khẩu trang trên khá cao cấp, nhưng được ưa chuộng ở các nước có những mùa ô nhiễm nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc.

Tại thị trường VN, cũng có một số loại khẩu trang được quảng bá là chống bụi siêu mịn sử dụng màng lọc than hoạt tính và có thể tái sử dụng. Khẩu trang loại này có giá chỉ 35.000 đồng/cái và màng lọc thay thế được bán rời với giá 20.000 đồng/cái.

Nhưng nhược điểm của loại khẩu trang này là trên bao bì, tờ hướng dẫn sử dụng cũng như trên trang web chính thức, thông tin về số giờ sử dụng của lớp màng lọc không được nhắc đến, dù đây là thông tin quan trọng bậc nhất với người mua khẩu trang chống bụi siêu mịn.■

Cách đeo và giặt khẩu trang

Yêu cầu của việc đeo khẩu trang là khẩu trang phải ôm vừa khít khuôn mặt, kín mũi, các viền, cạnh của khẩu trang không hở để bụi chui vào không qua màng lọc và phải thoải mái cho người dùng.

Với khẩu trang có thể tái sử dụng, trước khi giặt cần tháo miếng lọc, làm ướt khẩu trang với xà phòng pha loãng trong nước ấm, nhẹ nhàng giặt bằng tay rồi phơi. Không ngâm khẩu trang lâu trong nước và không ngâm thuốc tẩy để tránh mất form dáng ban đầu, giảm hiệu quả ngăn bụi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 60.000 người Việt chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí như bệnh tim, đột quỵ, phổi… năm 2016. Không khí sạch đã trở thành một yêu cầu cơ bản đối với sức khỏe con người. Theo WHO, tại VN nguồn ô nhiễm không khí đến từ giao thông, công nghiệp, xây dựng, hoạt động nông nghiệp, nghề thủ công và là hậu quả của việc quản lý chất thải chưa chặt chẽ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận