Liệu khát vọng có là điều xa vời giữa cuộc sống bộn bề lo toan chật chội? Tổ chức Đoàn trong công tác của mình đã hun đúc, tạo cảm hứng cho tuổi trẻ nuôi dưỡng khát vọng, đi đến khát vọng như thế nào? Tổ chức Đoàn phải đổi mới công tác giáo dục ra sao để lay động giới trẻ, khiến ai cũng có khát vọng và muốn đi đến tận cùng khát vọng?...
Phóng to |
Hàng trăm ngàn sinh viên, thanh niên TP.HCM tham gia các chiến dịch tình nguyện mỗi năm, bày tỏ khao khát cống hiến của tuổi trẻ. Trong ảnh: Thanh niên tình nguyện TP.HCM trong lễ ra quân chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2012 - Ảnh: Minh Đức |
Mở đầu xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Mọi ý kiến đóng góp cho diễn đàn xin gửi về [email protected].
Không ai ở thời tuổi trẻ mà không có những dự định, ước mơ. Ngay cả dù chưa tự giác thì bản chất của lứa tuổi cũng đã sôi sục trong họ, bắt họ phải làm một cái gì đó.
Nhưng họ là gì và họ làm gì, đó là điều họ cần biết khi đặt ra khát vọng của mình. Cách đây gần hai chục năm có một thanh niên độ tuổi hai mươi khi trả lời câu hỏi của nhà báo về ước mơ của mình đã nói rất thẳng và rất thật là anh “muốn đến tuổi bốn mươi sẽ trở thành thủ tướng của nước Việt Nam”. Câu trả lời của một người trẻ tuổi khi đó được đăng tải trên các báo đã khiến số đông kinh ngạc, ngỡ ngàng và... khó chịu. Tập quán của một xã hội tiến bước theo sự tuần tự thứ bậc, tôn ti trật tự tuổi tác đã không chấp nhận được một khát khao chính đáng được nói ra một cách trung thực như vậy.
Bây giờ khi chủ nhân câu nói đó đã đến tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, anh đang là một doanh nhân mà nhiều người biết. Lỗi có ở anh khi đã có ước mơ mà không quyết tâm tìm mọi cách thực hiện ước mơ? Lỗi có ở xã hội đã chưa tạo điều kiện cho anh, và những người như anh, thực hiện được khát vọng của mình, dù có táo bạo và nghe ra có vẻ “nghịch nhĩ” đến đâu? Có thể hai lỗi này là có, nhưng dẫu thế nào đi nữa thì người tuổi hai mươi nói lên khát vọng làm thủ tướng ở tuổi bốn mươi vẫn là đáng quý, đáng trọng.
Cũng ở độ tuổi đó, một người trẻ khác tuy đang vất vả kiếm sống vẫn nuôi ước mơ cho một “đế chế cà phê” Việt Nam trên thế giới. Và anh đã làm được, ít nhất là đã tạo nên một thương hiệu cho cà phê của đất nước mình và đang từng bước vững chắc vươn ra toàn cầu. Khát vọng tuổi trẻ như vậy phải là khát vọng lớn. Bởi biết khát vọng, dám khát vọng tức là biết đặt ra cho mình một mục tiêu và phấn đấu đạt được nó, con người, nhất lại là người trẻ, trước hết phải chứng tỏ được mình là một cá nhân, một nhân cách, tóm lại là một con người sống.
Ôi dào, nói thì hay làm thì dở, nói dễ làm khó, tôi nghe như có tiếng xì xào của người trẻ sau lưng mình. Ai chẳng muốn làm được những điều lớn lao, cao đẹp, nhưng lớp trẻ bước vào đời thời nay đã phải đối đầu với bao khó khăn để lập nghiệp, nói lập nghiệp vẫn cứ là to tát, nôm na là kiếm sống cho dễ hiểu. Tuổi hoa niên, tuổi trẻ, tuổi thanh xuân - đó là lứa tuổi của khát vọng và cống hiến. Vâng đúng vậy, nhưng nếu một thanh niên thất nghiệp ở giữa cái tuổi sức dài vai rộng này thì sao, mà thất nghiệp không phải vì không có nghề mà vì không có việc. Một con người sống, đúng, nhưng sống được bình thường đã khó, sống với khát vọng càng khó.
Tôi ngoảnh lại và chợt nhớ lại một bài thơ.
Ôi miền Tây, ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùngMà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháyTuổi hai mươi khi hướng đời đã thấyThì xa xôi biết mấy cũng lên đườngSống ở thủ đô mà dạ để mười phươngNghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn...
Đây là đoạn mở đầu bài thơ Lên miền Tây của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Bài thơ được viết năm 1959 khi nhà thơ đang là cậu học sinh 19 tuổi bừng bừng khí thế của cả một lớp người được thôi thúc giục giã trước lời kêu gọi thanh niên đi khai hoang miền núi. Và quả thật bài thơ này đã thành lời kêu gọi, thành động lực cảm xúc động viên nhiều người trẻ lên miền Tây đất nước những năm tháng đó. Hơn nửa thế kỷ sau, nhà thơ có lúc nhìn lại và thấy cuộc sống của rất nhiều thanh niên hồi ấy không được như ước mơ, không thành như khát vọng. Ông đã tự trách những vần thơ của mình. Chúng trong trẻo, hồn nhiên như bọn mình hồi đó vậy, nhà thơ tâm sự.
Ờ, nghĩ thế lại hay, tôi lại nghe tiếng xì xào. Thời nay lớp trẻ đọc lại bài thơ cũng tức là nhìn lại khát vọng của cha anh mình thuở trước hẳn thấy nhiều lãng mạn, hào hùng, và từ kinh nghiệm của lớp người đi trước họ nghĩ nhiều hơn đến tính thực dụng, thực tế. Những trăn trở về sau của thế hệ lên miền Tây hào hùng năm ấy đáng phải được băn khoăn lắm chứ cho tuổi trẻ hôm nay. Trả giá cho khát vọng nên được hiểu theo cả hai nghĩa, nghĩa cá nhân là dấn thân, chấp nhận và nghĩa xã hội là chịu đựng.
Nói thế, người trẻ thời nay kém thế sao?
Nhưng trẻ nghĩa là còn dài đường đi phía trước, còn có thể làm tiếp và làm lại, nên khát vọng tuổi trẻ thời nay không thẳng băng và đơn giản như những thời đã qua.
Phải vậy hay không phải vậy?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận