Bà Carolyn Turk, giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam tại buổi họp báo - Ảnh: N.BÌNH
Bà Carolyn Turk, giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, cho biết bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn chưa triển khai mạnh mẽ các định hướng chính sách thời gian qua.
Có nhiều ví dụ cho thấy không ít lĩnh vực cần giải quyết quyết liệt hơn để chuyển hóa vấn đề chính sách thành hành động cụ thể.
"Khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam là một thách thức lớn, khi trên toàn cầu chỉ có khoảng 15-18 quốc gia đạt được mục tiêu này", bà lưu ý.
Do đó đại diện World Bank tại Việt Nam mong muốn Chính phủ cần nhìn lại những thách thức trong quá trình thực thi các chính sách để có thể triển khai tốt hơn, khắc phục được những tồn tại trong thể chế.
Trình bày những điểm chính của báo cáo, ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank, khẳng định thể chế hiện đại là điều kiện cần để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới được thông qua tại Đại hội Đảng tháng 2-2021.
Theo ông, hầu hết thể chế của Việt Nam hiện nay được thiết kế trong cuối những năm 1980 và đầu 1990. Các bộ khung này đã giúp Việt Nam tăng trưởng, đạt thành tựu trong 25 năm qua. Nhưng liệu khung thể chế này có còn hỗ trợ Việt Nam tiếp tục phát triển trong 25 năm tới nữa hay không?
"Mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng cần phải có sự thay đổi trong quy hoạch của Việt Nam vì chỉ có 7% quy hoạch được phê duyệt trong vòng 5 năm qua, cho thấy kết quả thực thi cải cách của Việt Nam còn chưa đồng đều trên nhiều lĩnh vực. Cải cách thể chế không chỉ là vấn đề Việt Nam gặp phải mà các nước trong khu vực như Hàn Quốc cũng đã làm trong những năm 1990", ông Jacques Morisset nói.
Theo đại diện của World Bank cách tiếp cận cụ thể về cải cách thể chế cần phải dựa vào phương pháp luận 3 bước cơ bản nhưng trực quan. Đó là kết quả thực thi, các yếu tố mang tính quyết định đến thực thi và cải cách thể chế.
Theo bà Trần Thị Lan Hương - chuyên gia Quản trị cao cấp tại World Bank, kết quả thực thi của Việt Nam chưa đồng đều trên các lĩnh vực trong thập kỷ vừa qua. Với các ưu tiên thuận lợi thương mại, hội nhập quốc tế, giảm tỉ lệ đói nghèo, chuyển đổi số... Việt Nam làm tương đối tốt nhưng ưu tiên về phát triển bền vững, nâng cấp hạ tầng, tăng trưởng xanh... thì chưa.
Bà Hương cho rằng có 5 nhóm cải cách thể chế cần ưu tiên.
Đó là hình thành nền tảng thể chế vững chắc để biến ưu tiên phát triển thành hành động cụ thể; hài hòa quy trình thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả thực thi của chính quyền các cấp, các ngành; sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; thực thi hiệu quả quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và sự công bằng; áp dụng các quy trình có sự tham gia nhằm nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Chuyên gia của World Bank tin rằng triển khai một cách có hệ thống năm cải cách thể chế nêu trên, Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho tầm nhìn phát triển kinh tế, tăng cường năng lực để triển khai những chiến lược của quốc gia, nâng cao động lực để đem lại kết quả cao hơn trong một số lĩnh vực quan trọng - tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tài chính toàn diện, an sinh xã hội và nâng cấp hạ tầng - qua đó giúp quốc gia hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình.
Ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng cho rằng tồn tại ở khâu thực thi chính là trách nhiệm giải trình và thực thi hiệu quả.
Cũng tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc cần làm lúc này là phải xây dựng mô hình thể chế cho mọi ưu tiên phát triển.
Bà Carolyn Turk mong rằng mô hình cải cách mà World Bank khuyến nghị có thể sẽ giúp Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường gập ghềnh để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế cũng như Chính phủ và người dân.
Tải link báo cáo tại: https://bit.ly/3sFQ7Ma
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận