Phóng to |
Lớp học phía sau nhà dành cho những đứa bé người dân tộc |
Họ chung sức thổi bùng lên khát vọng của vùng đất thuộc diện đặc biệt khó khăn của cả nước: xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Lớp học phía sau nhà
Vừa xem xong trang web http://www.huyphong.com, vội gọi điện hỏi thăm về ý tưởng được trình bày trong đó, tác giả giọng rất trẻ: “Thôi, hỏi han làm gì, lên Ka Đơn một chuyến thăm tụi nhỏ đi”.
Ka Đơn hun hút xa. Từ ngã ba Phi Nôm, rẽ về hướng Đơn Dương, luồn lách trong những đường đất lầy lội suốt gần 2 giờ đồng hồ mới đến nơi. Trước cửa nhà treo lủng lẳng tấm bảng “Bún riêu, giò”. Ở đây, một tô bún vẫn được bán với giá 500, 1.000 và sang nhất là 2.000 đồng. Trong nhà, cả một đám, dễ đến có 10 em, từ nhỏ xíu, nhỡ nhỡ cho đến lớn tồ cũng đều dán mắt vào màn hình của hai chiếc máy tính.
Ông Phạm Tường Thanh, chủ tịch UBND xã Ka Đơn cho biết: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ sự ra đời của một mô hình đẹp. Tất nhiên, còn quá nhiều khó khăn ở phía trước. Xã nghèo, gia đình Phong cũng nghèo, nên đang rất, rất cần sự ủng hộ của xã hội để có thể thực hiện thành công mô hình này để nhân rộng ra. Bản thân tôi không biết nhiều về máy tính, nhưng chắc chắn mô hình còn cần nhiều yếu tố khác mới hoàn chỉnh được. Đó là một ý tưởng rất đáng trân trọng. |
Thật khó tin đang ngồi đối diện với màn hình máy tính là các em chăn bò mà chúng tôi vừa gặp trên đường vào. Tou Prong Rô nói tỉnh queo: “Cha mới ra lùa tụi nó (bò) về cho em đi học. Em phải chạy tới đây cho kịp”. Thằng bé đi chân đất, mảnh áo lủng lỗ chỗ đã… bốc mùi, lem luốc quệt mũi sột sột rồi quay vào, tiếp tục với bài tập thứ hai: một đoạn trích về cách sử dụng chuột trong tạp chí tin học Echip.
Gần 8 giờ tối, cả bọn tiếc rẻ rời máy. Các em vừa đi về, vừa trò chuyện bằng tiếng dân tộc, chen lẫn với những thuật ngữ máy tính file, open, save… nghe thật lạ…
Người tiên phong
Phóng to |
Nguyễn Trần Huy Phong |
Nhà Phong nghèo, như tất cả những người đi kinh tế mới mấy mươi năm trước. Anh chàng chính thức “khởi nghiệp” năm 12 tuổi với việc giao bánh cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ trong vùng. Lớn hơn một chút, một chiếc ghế đẩu để sát hiên nhà trở thành… tiệm hớt tóc bình dân của cậu học trò lớp 8. Loay hoay với những việc con con như thế, Phong nuôi dưỡng ước mơ. Giấc mơ không thể nằm trong cái vòng luẩn quẩn dưới chân Ka Đơn như thế được, nó phải nằm ở phố thị. 15 tuổi, Phong gói ghém đồ đạc trong một chiếc bao lát, thẳng tiến Đà Lạt. Ở đó, có máy vi tính.
“Không thể quên những ngày đó được. Cứ đến giờ là ra, ép chặt cái mặt vô cửa kiếng để nhìn cho rõ màn hình máy tính. Chỉ mong người ta cho mình chạm vào cái máy xíu xiu thôi... Nhưng mà…” Anh chàng học lén kiểu đó, cứ nhìn, ngó, lẩm nhẩm thuộc, lẩm nhẩm suy nghĩ để tối về viết ra những gì biết được trên giấy… Ba năm, Phong bắt đầu biết chút đỉnh về tin học, và giấc mơ cứ lớn dần theo những đoạn mã, những chương trình tự chế chép đầy trên giấy học trò…
Tính toán, cân nhắc mãi, Phong từ bỏ giấc mơ đại học. 18 tuổi, Phong xuống Sài Gòn làm người trông nhà với mức lương 500.000 đồng/tháng. Những người bạn học bên Bách Khoa thương tình, cho Phong “sở hữu” chiếc máy trong hai ngày cuối tuần. Chỉ tội cho cái máy. Anh chàng thức trắng, ngồi nghiên cứu cái này, mò mẫm cái kia trong suốt khoảng thời gian từ 6 giờ sáng thứ bảy, đến 6 giờ sáng thứ hai…
Phóng to |
Khi người bán bún riêu trở thành cô giáo dạy tin học... |
Phong thi đậu vào một công ty máy tính trong công viên Phần mềm Quang Trung. Khi “đủ lông đủ cánh”, anh chàng tự tin cùng vài người bạn nhảy ra mở công ty thiết kế web Mắt Bão.
Cứ thế, công việc bắt đầu có vẻ xuôi chèo mát mái thì chàng lãng tử này lại bỏ tất cả để về quê. "Về tự học. Hơn nữa, có về đây thì mới giúp các em được. Ngày mình thấy mấy đứa nhỏ ở Ka Đơn xúm xít vô nhìn hai thằng em mình ngồi chơi máy tính bằng ánh mắt thèm thuồng, mình thương ghê lắm”- Phong nói
Phong làm việc không bộc phát, mà có kế hoạch rõ ràng. Chương trình bắt đầu từ giữa tháng 10 với thành phần lớp học gồm 6 em. Học phí cho 6 buổi/tuần là 60.000 đồng/tháng, nếu anh em đi học chung thì chỉ đóng thêm 30.000 đồng nữa. Nhưng tới tháng, học viên không đóng tiền thì cũng chỉ biết nhìn nhau… cười. Trước mắt, công việc quan trọng là cho các em làm quen với máy tính, tiếp cận những chức năng cơ bản. Sau đó, sẽ là tin học văn phòng, phục vụ những công việc trước mắt của xã. Và rộng hơn, Phong và ba mẹ đang tính toán việc hướng nghiệp cho các em với sự hỗ trợ của các ban ngành chuyên môn. |
Phong vẫn cặm cụi ngồi viết chương trình đơn giản hóa các tiện ích máy tính để dễ dàng sử dụng nhất. Anh chàng load về hàng loạt những tập tài liệu dày cộp đủ mọi chủ đề: kiến thức cơ bản, y học, khuyến nông… Một kho dữ liệu đang hình thành và phát triển mỗi ngày trong căn phòng loang lổ và có phần ẩm mốc.
Chú Tân, ba của Phong cần mẫn ngồi sắp xếp lại từng quyển truyện tranh, từng tờ báo. "Mình muốn tạo cho các em một tủ sách nho nhỏ. Cũng được chút đỉnh rồi, nhưng chẳng thấm vào đâu cả, tụi nó đọc nhanh lắm, có những quyển hay quá, đọc đi đọc lại đến phát thuộc. Giá mà có nhiều người giúp sức…". Câu nói bỏ lửng khi một giọt sương đêm rơi xuống từ mái tôn, lạnh ngắt…
Mod (quản lý forum) Hãy_thắp_ánh_sáng của diễn đàn TTVN đi chung với chúng tôi thì thầm: "Ngưỡng mộ anh chàng này quá. Nhưng mà giỏi như vậy thế nào cũng có ngày làm nên việc lớn…". Ừ, Phong giỏi chuyên môn thật, nhưng đó chẳng phải là tất cả, anh chàng có một tấm lòng, tấm lòng với quê hương, nơi mình đã sinh ra và lớn lên…
Đêm Ka Đơn, gió lạnh hòa trong bản giao hưởng đồng quê yên bình. Phong vẫn ngồi làm việc, khe khẽ ngâm nga "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi…".
Ngày mai, nắng sớm sẽ thổi bùng lên sắc vàng của hoa dã quỳ, ngập lối về Ka Đơn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận