11/09/2012 06:12 GMT+7

Khát vọng của chàng tân sinh viên y khoa mồ côi

P.T.
P.T.

TT - Lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng Tạ Khắc Lâm (xã Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội) vẫn phấn đấu bằng mọi cách để được đến trường.

yh36Duec.jpgPhóng to

Trước ngày nhập học, Tạ Khắc Lâm vẫn lúi húi bên luống rau giúp bà... - Ảnh: Đ.Bình

Kỳ thi ĐH vừa qua, Lâm thi hai trường ĐH và đỗ cả hai: ĐH Kinh tế quốc dân (26 điểm) và ĐH Y Hà Nội (25 điểm). Nguyện vọng của Lâm là được theo học ngành y khoa.

“Không học thì không thể ngẩng đầu lên được”

Trong bức thư gửi Tuổi Trẻ, Lâm viết: “Việc đi học đối với em là một điều vô cùng khó, khó hơn gấp nhiều lần so với kỳ thi ĐH vừa rồi. Em sớm mồ côi cha từ lúc lọt lòng, rồi một năm sau mẹ lại bỏ hai chị em em mà đi. Giờ em sống với bà nội đã 76 tuổi. Chị gái em ba năm trước đã vào Nam để đi làm phụ hồ cùng hai chú ruột. Giờ chị cũng đỗ ĐH và học năm 2 Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Không có tiền, chị vẫn phải vừa học, vừa tranh thủ đi phụ hồ giúp chú”.

Bức thư chân thành với những lời lẽ mộc mạc, thật thà dài hai trang giấy, nhưng chúng tôi cảm nhận phía sau những dòng chữ này chất chứa những khát vọng khôn nguôi của Tạ Khắc Lâm. Bởi ngay cuối thư là những dòng tâm sự giằng xé: “Em nghĩ là con trai duy nhất trong nhà, chắc mình phải bỏ học để đi làm phụ hồ lấy tiền nuôi bà, phụ giúp chị học. Nhưng nếu không học thì mình không thể ngẩng đầu lên được. Đỗ ĐH đối với em vui thì không nhiều nhưng lo thì quá lớn. Vì mai đây, em có đi học cũng chẳng có tiền. Hơn nữa học ĐH y thời gian lâu hơn, tốn kém hơn, mà bà em thì ngày càng già yếu, lấy đâu ra tiền...”.

Vươn tới “ánh ban mai”

Trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên phía Bắc

Ngày 12-9, tại Hà Nội, 200 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” sẽ được trao cho 200 tân sinh viên phía Bắc vừa trúng tuyển các trường ĐH-CĐ tại Hà Nội. Tổng giá trị học bổng là 1 tỉ đồng (5 triệu đồng/suất) do Giải golf “Tiếp sức đến trường” (Công ty CP phân bón Bình Điền, VTV9, Vietnam Golf và báo Tuổi Trẻ tổ chức) tài trợ.

Làng Bồng Mạc (xã Liên Mạc) nằm dọc triền đê sông Hồng, đường vào nhà Lâm sâu hút trong ngõ nhỏ, sát cánh đồng. Ngôi nhà cấp 4 của bà cháu Lâm hôm nay đông khách, người thân, họ hàng qua nhà tiễn Lâm ngày mai lên trường, chính thức bước vào đời sinh viên y khoa.

Trời mưa lâm thâm, nhưng ngay gần cổng một cậu bé quắt queo vẫn lúi húi bên đống rơm ngồi băm rau lợn. Biết chúng tôi đến, Lâm vội bỏ dao, lấy cái thúng úp lên đống rau, đứng dậy: “Mời các anh lên nhà uống nước với bà và thầy giáo em”. Tôi xua tay: “Em cứ làm nốt việc của mình đi”.

Quệt mồ hôi trên trán, Lâm rụt rè: “Em còn mấy việc cần phải làm nốt, các anh cứ lên nhà với mọi người đi ạ, em làm nhanh sẽ lên ngay”. Miệng nói, tay Lâm lại múc nước đổ vào chậu rồi ngồi thụp xuống vò đống quần áo của hai bà cháu...

Thấy cảnh này, ông hàng xóm Tạ Văn Long thán phục: “Mồ côi từ lúc đỏ hỏn, bà cháu nương tựa vào nhau, nghèo khó thiếu thốn thế nhưng chưa bao giờ thấy Lâm kêu ca điều gì. Học rất giỏi, nhưng cứ về đến nhà là nó làm đủ thứ việc, từ kiếm rau, băm bèo cho lợn đến cuốc đất trồng rau, ra đồng gặt lúa, cơm nước, giặt giũ... đủ hết!”. Thầy giáo Lưu Văn Phòng, phó bí thư Đoàn Trường THPT Yên Lãng, kể: “Tôi dạy từ Vui (chị Lâm - PV) rồi đến Lâm. Cả hai chị em đều học rất tốt. Nhà hoàn cảnh thế nhưng hai đứa không bao giờ nói ra. Có học thêm gì đấy cũng kiên quyết nộp tiền như các bạn, thầy cô có miễn giảm thì cả chị lẫn em đều tỏ vẻ không bằng lòng. Lâm không học thêm mà chỉ tự học và mượn sách vở của bạn về đọc thêm”.

“Em không muốn bà phải tốn tiền. Em muốn dành nhiều thời gian hơn để giúp bà, tiền học thêm đó bà để dành phòng lúc ốm đau” - Lâm thừa nhận.

Rơm rớm nước mắt nghe những lời tâm sự của cháu nội, bà cụ Phức xúc động nói với cháu: “Cấp I, cấp II, cấp III học giỏi rồi, đỗ ĐH thì càng phải chăm hơn, giỏi hơn, chứ đừng để đến lúc bà nghe được người ta đến cổng réo tên lên là không được với bà đâu...”. Nói rồi, bà lần cạp quần móc ra nắm tiền lẻ đưa Lâm: “Đây, bà bán rau mấy hôm nhặt nhạnh được ngần đây, bà cho cháu thêm tiền nước. Cứ xuống Hà Nội học đi, bà bán nắm rau, túm cỏ rồi gom tiền cho cháu ngoan của bà”.

Chứng kiến cảnh bà cháu bịn rịn, chúng tôi quay mặt, nước mắt cứ tự nhiên tuôn.

GS Nguyễn Minh Thuyết(nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng)

Nối dài những ước mơ...

Hành trình 10 năm học bổng “Tiếp sức đến trường” đã nối dài ước mơ được học hành đến nơi đến chốn của những học sinh nghèo. Có hình dung cảnh 8.000 thí sinh từng chới với, hoang mang ngay khi nhận giấy báo trúng tuyển vì lo không có tiền chi trả mấy năm ĐH đã lại hân hoan nhập học nhờ học bổng “Tiếp sức đến trường” mới cảm nhận hết giá trị của một hành trình được vun đắp suốt 10 năm qua.

Đọc câu chuyện của Hiếu “cà rem”, Lập “thợ nề” - những nhân vật đầu tiên được nhận học bổng nay đã trở thành giáo viên, kỹ sư phần mềm, tôi thật sự xúc động. Học bổng “Tiếp sức đến trường” không chỉ có ý nghĩa với từng tân sinh viên, từng gia cảnh nghèo khó, mà còn mang ý nghĩa xã hội rộng lớn khi góp phần đem lại cho đất nước nguồn nhân lực trẻ, có trình độ, có ý chí vươn lên không ngừng...

Đất nước 10 năm qua đã đổi mới và phát triển rất nhiều, song câu chuyện về những học sinh có chí học hành nhưng vẫn nơm nớp lo không chạm được vào cánh cửa ĐH, CĐ vì gia cảnh quá nghèo vẫn lặp lại. Nghĩa là phong trào góp quỹ cho tân sinh viên nghèo mà báo Tuổi Trẻ khởi động từ 10 năm qua vẫn luôn có giá trị thiết thực hỗ trợ học sinh nghèo. Tôi đánh giá rất cao hoạt động này của báo và mong trong thời gian tới, Tuổi Trẻ có nhiều sáng kiến vận động thêm sự tham gia đóng góp của bạn đọc, của các nhà từ thiện trong nước và nước ngoài, tăng cơ hội học tập cho học sinh nghèo trên khắp cả nước.

P.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên