Báo Tuổi Trẻ - Ảnh tư liệu |
Năm 2008 khi đưa con đi thi đại học, tôi mua ba tờ Tuổi Trẻ để xem kết quả bài giải. Thời gian chờ con trong phòng thi, tôi đọc tất cả các bài viết trên báo và hết sức ngạc nhiên bởi một tờ báo của cơ quan Thành đoàn TP.HCM mà hết sức nóng hổi, đa dạng và phong phú.
Sau này tôi lại thêm một ngạc nhiên nữa là ở Ba Đồn quê tôi, một thị trấn lớn của Quảng Bình, để tìm ra một tờ Tuổi Trẻ là hầu như không thể.
Năm 2013, nhân cuộc thi viết “Thầy tôi” trên báo Tuổi Trẻ, đây là lần đầu tiên từ một độc giả tôi mạnh dạn làm “tác giả” theo gợi ý của người bạn. Nhưng điều thúc dục tôi viết hơn cả là cuộc thi đã khơi gợi một cảm xúc mãnh liệt trong tim, tôi viết như một lời thầm cảm ơn người thầy của cuộc đời mình chứ không hề hi vọng được báo đăng hay đoạt giải.
Hạnh phúc đã đến với tôi khi bài dự thi “Bài văn “lạ” 2 điểm” đoạt giải khuyến khích. 9g sáng 8-10-2013, thầy Nguyễn Hùng Tiến điện thoại cho tôi: “Em có bài đăng báo Tuổi Trẻ, Đồng ơi!”. Tôi ngỡ ngàng: “Răng thầy biết?”.
Thầy cười lớn: “Anh viết về tui thì tui phải biết chớ. Nói đùa thôi, người bạn già trong TP.HCM đọc báo thấy tên, thấy hình mới điện ra chúc mừng chứ thầy có biết chi mô”. Rồi thầy trầm ngâm: “Ước chi có vài chục tờ báo mà tặng bạn bè và các thầy cô trong Hội giáo chức em nhỉ!”.
Tôi ra Bưu điện Ba Đồn, không có. Tôi điện vào Đồng Hới nhờ người bạn là nhà thơ tìm mua, nhưng sau hơn một giờ lặn lội bạn cũng cộc lốc “không có”.
Tôi điện vào cho con đang học ở Huế, cả buổi trưa “lăn lộn” cháu nói: “Được ba tờ thôi ba, các sạp báo nói Tuổi Trẻ mà giờ này mới đi mua còn ba tờ là may đó”. Điện vào Đà Nẵng, Nha Trang cũng chỉ có thế.
Tôi sực nhớ đến người bạn xe ôm ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), bữa vô chơi thấy Tuổi Trẻ cả tập. Cậu ta nói “Chiều rồi không mua ra nữa đâu, nhưng bạn xe ôm của tớ người nào chẳng mua một tờ, chắc giờ đọc xong rồi để tớ xin cho, phải điện gấp nếu không chúng nó bỏ phí.”. Rồi cậu ta gửi ra cho tôi những chín tờ, tôi và thầy Tiến mừng quá.
Sau này tôi được đăng thêm mấy bài nữa trên Tuổi Trẻ và rồi cũng trong tình trạng “khát”. Tôi tiếc quá! Quảng Bình tuy là tỉnh đang nghèo nhưng tiềm năng du lịch với “vương quốc hang động” là một trong những tỉnh có lượng khách du lịch rất lớn. Tôi tin trong đó rất nhiều người “nghiện” Tuổi Trẻ mà không thể tìm ra.
Theo đó đội ngũ tài xế taxi, xe ôm khi rảnh rỗi đều “ôm” một tờ báo. Đành rằng những người yêu thích Tuổi Trẻ mà làm việc ở cơ quan có thể đặt báo tháng, đọc báo mạng. Nhưng nhiều tầng lớp khác họ chỉ thích mua báo hằng ngày, tuy không có báo này thì họ đọc báo khác, nhưng với một tờ báo có uy tín và thông tin phong phú như Tuổi Trẻ mà không được đọc thì thật là một thiệt thòi lớn.
Không biết báo Tuổi Trẻ có “chiến thuật” gì không nhưng cơn “khát” Tuổi Trẻ của bạn đọc và khách thập phương đến quê tôi là có thật!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận