01/10/2016 11:49 GMT+7

​Khát khao tới trường

THÁI BÁ DŨNG - THÁI THỊNH
THÁI BÁ DŨNG - THÁI THỊNH

TTO - Lễ tuyên dương và trao học bổng cho 121 tân sinh viên các tỉnh Tây nguyên diễn ra hôm nay 1-10 tại Buôn Ma Thuột.

  • Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên 5 tỉnh Tây nguyên
  • Tổ chức: Báo Tuổi Trẻ và 5 Tỉnh đoàn Tây nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum
  • Tài trợ: Giải gol gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty Phân bón Bình Điền, VTV9, báo Tuổi Trẻ và Công ty golf Long Thành tổ chức)
A Suất tranh thủ phụ giúp công việc tại quán cà phê trong khuôn viên ĐH Tây Nguyên - Ảnh: B.D.
A Suất tranh thủ phụ giúp công việc tại quán cà phê trong khuôn viên ĐH Tây Nguyên - Ảnh: B.D.

Mỗi bạn sinh viên là mỗi hoàn cảnh đặc biệt, có bạn sống ở các buôn làng chưa có người nào từng bước chân đến giảng đường.

Người đầu tiên của làng vào đại học

Trước ngày A Suất lên đường nhập học, ba Suất - một người Xê Đăng nghèo khổ - đi bộ từ làng Kon Hia 1 (xã Đắk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) ra tận thị trấn để tìm người mua trâu lấy tiền làm lộ phí cho con.

Tối mịt, thấy ông trở về với vẻ mặt buồn rười rượi, Suất nói miễn cưỡng rằng mình sẽ nghỉ học. May thay, một người buôn trâu tốt bụng biết chuyện đã đến trả giá 5 triệu đồng. Trâu được dắt ra khỏi làng, vậy là Suất có tiền lên đường.

Nhà Suất có chín anh chị em, hai anh đầu đã mất. “Ba mẹ không có ruộng, chỉ có rẫy mì. Mình còn nhớ trận lũ lịch sử ở Kon Tum năm 2009, nước về bất ngờ làm cả làng trôi hết. Đám rẫy mì cũng bị nước cuốn” - Suất kể.

Mùa giáp hạt hay những vụ mất mùa, cả nhà phải nhai bắp, ăn thêm mì cầm hơi. Ở Kon Tum thì Tu Mơ Rông là huyện nghèo nhất, xã Đắk Rơ Ông nơi Suất lớn lên lại là một trong hai xã nghèo nhất của huyện.

Ở đó, để đến được trường không chỉ có lòng ham học mà hơn nữa cần phải có sức khỏe bởi hầu như làng nào cũng nằm cheo leo, cách trường nhiều cây số đường đồi núi ngăn trở.

Suất là người duy nhất học qua lớp 12 và cũng là người duy nhất của làng Kon Hia 1 đậu đại học từ trước đến nay. Suất cho biết vì làng cách trở, muốn ra khỏi núi phải đi bộ 3km nên hôm biết tin mình đậu đại học, Suất cũng nhận tin trễ hơn bạn bè 5 ngày.

Cho tới khi thôn trưởng cầm giấy báo mang tới tận nhà, cả nhà xúm lại, ba Suất ngồi thẫn thờ trước cửa nhà, thở dài: “Nhà không có cái gì bán ra tiền cả, chỉ có ba con trâu. Bán đi rồi thì không có cái để đi rẫy kéo cày, kéo bó củi”.

Trước ngày lên đường, Suất còn tranh thủ đi đào hố trồng cà phê cho các thầy cô giáo, mỗi ngày được trả công 100.000 đồng.

Tất cả dồn hết vào tiền học đại học. Mấy hôm nay trong khi bạn bè đang háo hức với những ngày đầu của quãng đời sinh viên, rủ nhau đi chụp ảnh, đi nhà sách, đi sắm giáo trình thì ở góc ký túc xá của ĐH Tây Nguyên, Suất tâm sự: “Ở nhà thì có cái ăn vặt như là trái ổi, củ mì, chứ ở đây cái gì cũng tiền cả. Tốn kém quá. Mỗi ngày mình chỉ ăn một bữa cơm sinh viên 12.000 đồng, bữa trưa thì ăn mì gói 7.000 đồng. Bữa nào lên lớp bụng cũng cồn cào nhưng nghĩ mà thương ba mẹ cực khổ lắm”...

Trọng Nhân giúp mẹ làm cỏ sau vườn bắp - Ảnh: T.THỊNH
Trọng Nhân giúp mẹ làm cỏ sau vườn bắp - Ảnh: T.THỊNH

Nhất định thành bác sĩ

Bà con ở miền biên giới thôn 5, xã Ea Bung (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) gọi ngôi nhà của ba mẹ con Đào Trọng Nhân, hiện là tân sinh viên ngành y đa khoa Trường ĐH Tây Nguyên, là “ốc đảo”.

Ấy là bởi căn nhà tách biệt với thôn, nằm chênh vênh, trơ trọi giữa cánh đồng lúa bạt ngàn. Nhân nói con đường đất pha cát, men theo lối mòn bên bờ ruộng dẫn vào nhà đã in hằn dấu chân của ba mẹ con suốt 16 năm qua.

“Đường ruộng nên hễ cứ mưa xuống, hay khi người ta tháo đập làm đồng là nước ngập tràn bờ. Mỗi lần đi học, chị em mình xắn quần đến tận đầu gối, lội bùn qua ruộng” - Nhân nói.

Bà Hoàng Thị Trâm, mẹ của Nhân, tâm sự năm 1998 gia đình bà từ Thái Bình vào đây không tấc đất cắm dùi, dựng tạm một túp lều trên cánh đồng ở cuối thôn. Năm Nhân chưa đầy 2 tuổi thì ba mất vì mắc bệnh hiểm nghèo.

Cũng từ đây, gánh nặng mưu sinh nuôi hai đứa con ăn học đè nặng đôi vai người mẹ nghèo khó đến cùng cực. Bà Trâm nhớ như in cơn bão mang theo gió lốc ập đến xã Ea Bung năm 2007. Giữa đồng không mông quạnh, túp lều xiêu vẹo giữa trời rung lên bần bật.

“Tôi ôm thằng Nhân lao vụt ra ngoài thì cũng là lúc gió lớn đẩy túp lều sụp xuống. Hai mẹ con ôm nhau khóc chạy giữa cánh đồng trời mưa gió” - bà Trâm gạt nước mắt kể. Sau đợt bão năm đó, bà con chòm xóm thấy thương góp tiền dựng lại cho ba mẹ con căn nhà.

“Đối với một nơi xa xôi, hẻo lánh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như vùng biên giới này, việc Nhân đậu ĐH với số điểm như vậy đã nói lên tất cả ý chí và nghị lực của em 
Cô giáo PHAN THỊ THƠ (cô chủ nhiệm của Đào Trọng Nhân)

Để nuôi con ăn học, bà chỉ trông chờ vào khu vườn 1,7 sào trồng bắp, lứa này thu hoạch thì lứa kia ra bông, như thế bán được quanh năm.

Nghề trồng bắp cũng giống như “đánh bạc với trời”, nhiều khi bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc bón phân, phun thuốc, chỉ cần một trận bão là cả vườn bắp đổ rạp xuống, coi như thất thu, làm lại từ đầu.

Ngày Nhân cầm trên tay giấy báo trúng tuyển vào hai trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) và ĐH Tây Nguyên, bà Trâm thắp nén nhang lên bàn thờ chồng mà hứa rằng dù có cực khổ tới đâu, bằng mọi giá cũng sẽ cố gắng cho Nhân ăn học nên người.

Còn Nhân thì nói: “Mình sẽ đi làm thuê để có tiền đóng học phí. Nhất định mình sẽ trở thành bác sĩ”.

Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh - truyền hình Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông từ 9g30 hôm nay 1-10. Chương trình có sự góp mặt của các văn nghệ sĩ đến từ TP.HCM và Tây nguyên.

THÁI BÁ DŨNG - THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên