Con gái anh Phan Văn Dũng học online để ước mơ sau này trở thành một lập trình viên - Ảnh: THẾ THẾ
Thấy người lạ đến, chị H’Thơm Niê, trú buôn N’Drếch, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) tạm dừng tay vào nhà tiếp khách. "Mấy ngày nay mưa suốt, tranh thủ ở nhà sửa lại cái chuồng heo cũ để mai mốt được vay vốn mua bò về nuôi làm vốn", chị H’Thơm vừa rót nước mời khách, vừa khoe.
Kém may mắn nhưng… nhiều hy vọng
Nghe tiếng con gái trả lời bài học trên online với cô giáo, chị H’Thơm nói đó là tất cả hy vọng của mình. "Khó khăn, vất vả đủ cả nhưng phải gắng gượng để cháu được học hành, mai này thoát nghèo bằng con chữ", chị H’Thơm nói thật thà.
Bản thân bị tàn tật, chồng mất vì bạo bệnh nên phải vừa làm mẹ, vừa làm cha, bao nhiêu nặng nhọc đè lên vai người phu nữ này. Hồi nhỏ gia cảnh nghèo khó nên mỗi ngày, H'Thơm sáng đi học, chiều chiều ra vườn hái rau, bắt ốc…
Trong một chiều chạng vạng kém may mắn, chị bị rắn cắn vào chân. Cơn đau khiến chân chị tím tái, vẫn cố cùng các bạn tìm về nhà. Chất độc đã phát tán, bác sĩ buộc phải cưa chân để cứu tính mạng H’Thơm.
Từ một thiếu nữ xinh đẹp, bị tàn tật ở chân khiến H’Thơm mặc cảm, sống khép kín. Rồi một chàng trai trong buôn đem lòng thương và xin cưới H’Thơm về làm vợ. Cuộc sống đôi vợ chồng tuy không khá giả nhưng ngập tràn hạnh phúc, nhất là khi hai con lần lượt chào đời.
Thế nhưng sự vất vả, nỗi cô đơn hình như không buông tha cho chị. Năm 2013, Yàng (Trời - theo cách gọi của người Tây Nguyên) bắt mất chồng H’Thơm sau một cơn đột quỵ.
Chị H’Thơm Niê chăm mấy loại cây ăn trái trong vườn, chờ được vốn về sẽ mua một con bò - Ảnh: THẾ THẾ
Một nách hai con, lại là người khuyết tật nên cuộc sống ba mẹ con luôn trong tình cảnh "ăn bữa sớm đã lo bữa chiều". Ruộng vườn ít, hết việc chị cũng phải đi quanh vùng để ai thuê gì làm nấy, miễn có tiền cho hai con ăn học.
"Nghe sắp được hỗ trợ vốn, mình mừng lắm, mấy đêm không ngủ. Mình đang lo sửa cái chuồng heo cũ để có vốn sẽ mua con bò nhỏ để nuôi tạo vốn", chi H’Thơm nói đầy háo hức.
Vừa là hàng xóm, vừa là chi hội phụ nữ buôn N’Drếch, chị Ngô Thị Đông thấu hiểu hơn hết những khó khăn mà chị H’Thơm vấp phải.
"Nếu chị Thơm có vốn mua được con bò nhỏ để nuôi thì quá tốt. Bản thân tôi có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi nên sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ chị cách chăm sóc để bò sinh trưởng tốt nhất, đảm bảo việc hoàn vốn sau 2 năm" - chị Đông chia sẻ.
Có vốn, sẽ thoát nghèo
Tương tự chị H’Thơm, vợ chồng anh Phan Văn Dũng, trú xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), cho biết gia cảnh dù còn nhiều khó khăn, vẫn quyết cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
"Các con học giỏi, khát khao thay đổi cuộc đời mà bắt nghì thì vợ chồng tôi khôg đành. Dù vất vả đến đâu, tôi cũng quyết để con được đến trường, làm giàu con chữ", anh Dũng khẳng định.
Anh Dũng kể, gia đình anh rời quê gốc tỉnh Cao Bằng tới lập nghiệp tại mảnh đất nhiều sỏi đá xã Ea Bar đã hơn 20 năm nhưng cái nghèo vẫn còn đeo đẳng. Ngôi nhà nhỏ của gia đình đã có nhiều chỗ hở ván, nắng chiếu thành vệt trên hàng giấy khen của hai con treo ngăn nắp.
Nhà có ít đất rẫy cà phê, trồng lúa nước nên hai vợ chồng thường tranh thủ hoàn thành sớm, xong việc để đi làm thuê kiếm thêm thu nhập nuôi con.
Anh Phan Văn Dũng đảo lại mẻ cà mới thu hoạch để nhanh chóng được bán có tiền lo cho con học hành - Ảnh: THẾ THẾ
Khổ đi liền với khó. Đầu tháng 10-2021, con gái báo tin vui đậu cao đẳng nhưng cả đêm vợ chồng anh mất ngủ vì khoản học phí phải đóng trước.
"Mình đã khổ, con cái học giỏi, có cơ hội thoát nghèo bằng chữ nghĩa, sao đành để con nghỉ ngang. Nghĩ vậy, hai vợ chồng quyết đi vay tiền nóng cho con nhập học online, mua máy tính…", anh Dũng kể.
Anh Dũng nói tiếp, đang rất rối bời vì khoản học phí của con thì biết mình sẽ được công ty GREENFEED hỗ trợ vốn nhưng không lấy lãi nên mừng lắm. "Tôi đã sửa sang lại chuồng trại để khi vốn về sẽ nuôi heo thịt. Đây là cơ hội thoát nghèo, tạo vốn để các con anh được yên tâm đếm trường", anh Dũng vui mừng.
Sáng nay 19-12, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam (gọi tắt là GREENFEED) phối hợp cùng Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Đắk Lắk tổ chức lễ trao vốn Chương trình "Tiếp sức nhà nông" cho 40 hộ nông dân tỉnh Đắk Lắk.
Chương trình sẽ hỗ trợ vốn vay không lãi suất trong thời gian 2 năm với tổng kinh phí 920 triệu đồng (bao gồm 800 triệu đồng tiền mặt, phiếu thức ăn chăn nuôi trị giá 120 triệu đồng) cho 40 hộ nông dân của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Đây là những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng có quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững, có con em vượt khó học giỏi.
Ngoài ra, chương trình cũng tuyên dương và trao phần thưởng cho 40 em học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi là con của các hộ nông dân tham gia chương trình với tổng giá trị hơn 40 triệu đồng.
Năm 2021, chương trình "Tiếp sức nhà nông" trao vốn 280 hộ nông dân tại 7 tỉnh, gồm: Thanh Hóa, Ninh Bình, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Trà Vinh và Đắk Lắk với tổng kinh phí hơn 6,44 tỉ đồng.
Khởi động từ năm 2010, chương trình đã giúp cải thiện sinh kế cho 2.140 hộ nông dân tại 16 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Tổng chi phí dành chương trình gần 60 tỉ đồng, với tỷ lệ thu hồi vốn đạt 93%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận